
Anh Phan Minh Thùy chuẩn bị công đoạn sơn chậu.
Anh Thùy chia sẻ: “Ban đầu tôi thấy chậu khuôn đúc mẫu mới rất đẹp, đa dạng và khá dễ làm; nên có đặt mua một số mẫu khuôn thông dụng để đúc cho nhu cầu trồng kiểng của gia đình, sau đó bà con, hàng xóm và bạn bè thân quen khi đến nhà chơi thì thấy chậu kiểng mình làm ra đẹp, nên họ có ý muốn mua lại. Từ nhu cầu của bà con khá nhiều nên tôi quyết định làm để bán và mở rộng quy mô, đầu tư thêm máy móc, mẫu khuôn”.
Trước đây, chậu kiểng vốn chỉ được cung cấp cho các cơ sở kinh doanh cây kiểng, các hộ chơi cây cảnh bonsai thì hiện nay đã được sử dụng ở hầu hết không gian nhà ở và văn phòng các cơ quan, công ty, doanh nghiệp như một xu hướng nội thất độc đáo, mang lại hiệu quả cao về thẩm mỹ và giá trị kinh tế.
Nguyên liệu làm chậu gồm xi-măng và cát xây dựng pha trộn. Công đoạn làm chậu không hề đơn giản, mất không ít thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ khéo léo của người làm. Quy trình đúc chậu có 6 bước gồm: ráp khuôn, quét nhớt vào mặt trong của khuôn, trộn hồ, đổ hồ vào khuôn, tháo lòng trong và tháo vỏ ngoài. Sau khi đổ hồ vào khuôn khoảng 4 giờ thì có thể tháo lòng trong, 24 giờ thì tháo vỏ ngoài. Tháo vỏ ngoài xong đem chậu ngâm nước 2 ngày rồi phơi nắng đến khi chậu khô trắng thì bắt đầu sơn. Sơn chậu có 5 bước: chà nhám, sơn lót kiềm, sơn màu nền, sơn hoa văn và sơn bóng.
Theo anh Thùy, thời gian đầu làm chưa cho ra sản phẩm hoàn hảo, sau những lần thất bại và rút kinh nghiệm, để cho ra sản phẩm đẹp thì phải chăm chút ở từng công đoạn. Một cái chậu đưa ra thị trường phải qua rất nhiều khâu, từ khâu chọn nguyên vật liệu, đúc chậu, sơn chậu. Muốn sản phẩm đạt chất lượng, cần chú trọng khâu rút lòng trong của chậu, tỉ mỉ hơn để tránh vết nứt vỡ. Khi sơn cũng vậy, cần chọn loại sơn phù hợp với loại chậu, thậm chí chọn loại sơn cao cấp để khi chậu ở ngoài nắng, mưa không bị bong tróc và bền theo thời gian.
Anh Thùy sản xuất khoảng chục loại sản phẩm với kích cỡ khác nhau, có giá từ 50 - 500 ngàn đồng. Theo anh Thùy hiện trên địa bàn huyện chỉ có một vài cơ sở làm loại chậu này, nên thị trường khá ổn định. Chậu đẹp, bền, chắc chắn, giá rẻ hơn thị trường nên được nhiều người ủng hộ. Sau thời gian sử dụng, đa số người sử dụng có phản hồi tích cực. Bà Huỳnh Thị Đựng, 50 tuổi ở ấp Quí Thế, xã Quới Điền chia sẻ: “Tôi đã mua vài chậu kiểng ở chỗ Thùy, qua sử dụng tôi thấy chậu bền, đẹp, trồng hoa kiểng trong chậu thì càng tôn thêm vẻ đẹp, giá trị của hoa kiểng”.
Qua tham quan mô hình, anh Phạm Minh Tân, xã Quới Điền có nhận định về chậu kiểng của anh Thùy: “Tôi thấy chậu chắc, đẹp, mẫu mã đa dạng, nhiều kích cỡ để người tiêu dùng chọn, giá cả cũng hợp lý”.
Anh Nguyễn Thành Nam - Phó bí thư Xã đoàn Quới Điền đánh giá mô hình làm chậu kiểng từ khuôn đúc của anh Thùy khá hiệu quả, nếu được mở rộng về quy mô sản xuất sẽ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên ở địa phương.
Hiện sản phẩm của anh Thùy được bán qua các mối quen biết và qua mạng xã hội như: Zalo, Facebook… Mỗi năm anh bán khoảng 300 chậu, đắt hàng nhất là từ tháng 10 âm lịch hàng năm, nhất là thời điểm cận Tết, nhu cầu của người trồng hoa kiểng tăng lên, công việc mặc dù tăng gấp đôi nhưng bù lại anh được thu nhập khá.
Bài, ảnh: Văn Minh