Áo xanh đi chợ

04/08/2021 - 06:12

BDK - Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã triển khai có hiệu quả mô hình “Shipper áo xanh xứ Dừa”. Hàng ngàn lượt đoàn viên, thanh niên đã tham gia vận chuyển hàng hóa, đi chợ giúp người dân trong khu vực bị phong tỏa, cách ly, góp phần giúp cho cuộc sống trong tình hình dịch bớt được chút khó khăn.

“Shipper áo xanh” giao hàng tận nhà cho người dân.

“Shipper áo xanh” giao hàng tận nhà cho người dân.

Cẩn thận từng đơn hàng

Tìm được đầu mối liên lạc với Xã Đoàn Phú Nhuận, TP. Bến Tre vào cuối ngày, chúng tôi tranh thủ liên hệ ngay vì nắm được thông tin xã Phú Nhuận là một trong các đơn vị có lực lượng hỗ trợ đi chợ giúp người dân mỗi ngày và hoạt động khá hiệu quả. Nhận được tin nhắn hồi âm từ bạn Phan Hồng Thái - Phó bí thư Xã Đoàn Phú Nhuận vào tối muộn, chúng tôi có phần áy náy vì liên hệ trễ nhưng Hồng Thái chỉ nhẹ nhàng nói: “Em còn trong ca trực ở chốt nên còn thức, chị đừng ngại!”.

8 giờ sáng hôm sau, chúng tôi trở thành “Shipper áo xanh”, cùng tổ đi chợ của Xã Đoàn Phú Nhuận vào siêu thị mua hàng hóa cho người dân. Chúng tôi có 9 đơn hàng, gồm: thực phẩm, sữa và thuốc phải mua và chuyển đến người dân trong buổi sáng. Cầm tờ giấy ghi các loại hàng hóa cần mua, mỗi người chúng tôi đẩy xe đi, khẩn trương soạn hàng. Vì theo thông báo của siêu thị, mỗi người cố gắng đi tối đa 30 phút để tránh việc tập trung đông người.

Bạn Hồng Thái cho biết, tiền hàng đi chợ do người dân tạm ứng trước, khi thanh toán thiếu, các bạn trong tổ sẽ tạm ứng và người dân trả lại sau. Việc chọn mua hàng hóa thực phẩm, nhất là rau, củ, quả đúng với yêu cầu của người dân cũng chỉ tương đối. Những loại nào không có, không mua được thì người đi chợ ghi chú lại rõ ràng. Đối với các đơn hàng mua sữa, thuốc thì cố gắng mua đúng theo đơn, thậm chí đúng nhà thuốc người dân yêu cầu. “Tổ đi chợ sau khi tiếp nhận đơn hàng sẽ tổng hợp và phân chia ra nhóm hàng nào thì mua ở đâu để di chuyển hợp lý. Ví dụ thực phẩm tươi sống, thịt heo thì tổ sẽ đặt hàng ở một đầu mối chuyên thịt heo, sau đó phân ra các đơn hàng. Việc bố trí giao các đơn hàng thực phẩm tươi sống tranh thủ giao sớm để tránh hư hỏng”, bạn Hồng Thái cho biết.

Xã Đoàn Phú Nhuận gồm 5 thành viên “Áo xanh đi chợ”. Ngoài ra, còn có lực lượng của các đoàn thể ở xã tham gia. Em Đặng Nguyễn Hoàng Lâm, 16 tuổi, đang học trung cấp công nghệ chia sẻ: “Gia đình ủng hộ em việc làm này. Em nghĩ mình có sức khỏe tốt thì tham gia phụ giúp. Bản thân em trang bị các biện pháp giữ an toàn cho mình. Khi mua hàng, cái nào không biết thì em nhờ các anh chị ở siêu thị giúp, còn lại thì soạn theo đơn”. Không chỉ tham gia đi chợ, Hoàng Lâm còn cùng các anh chị ở UBND xã nấu cơm cho các chốt trực trên địa bàn.

Tổ chức hợp lý, an toàn

Ngoài cách tổ chức tự đi chợ theo đơn hàng như Xã Đoàn Phú Nhuận, lực lượng “Áo xanh đi chợ” của Thành Đoàn TP. Bến Tre còn quy về một đầu mối để mua và phân phối tập trung. Anh Mai Văn Phú - Phó bí thư Thành Đoàn TP. Bến Tre cho biết, Thành Đoàn có đứng ra ký nợ với siêu thị để các cơ sở Đoàn lấy hàng và thu tiền người dân sau; hạn chế việc gặp và tiếp xúc với người dân ít chừng nào tốt chừng ấy, vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng tình nguyện viên.

Việc đi chợ được quy về một đầu mối là Thành Đoàn, sau đó phân bổ về các xã, phường. Anh Mai Văn Phú cho biết: “Người dân thông qua số điện thoại địa phương cung cấp để đặt hàng. Các đơn hàng được tổng hợp và chuyển siêu thị Co.opmart soạn hàng trước. Lực lượng đoàn viên, thanh niên tiếp nhận và chuyển về địa phương để giao cho người dân. Xã, phường nào có nhiều đơn hàng thì chúng tôi nhờ mạnh thường quân dùng xe chở đến”.

Chiều hôm đó, tổ “Áo xanh đi chợ” của Đoàn phường An Hội, TP. Bến Tre còn 3 đơn hàng cần giao cho người dân. Sau khi tiếp nhận hàng từ siêu thị, 2 bạn trẻ vừa kiểm tra vừa gọi điện thoại cho người dân để báo số tiền, sau đó khẩn trương đi giao. Cầm sẵn trên tay chai dung dịch sát khuẩn, anh Liêu Hoàng Vũ - Phó bí thư Đoàn phường An Hội, TP. Bến Tre nói: “Mình luôn xịt khuẩn túi đựng hàng hóa rồi mới giao cho người dân để đảm bảo an toàn”.

Người dân nhận được hàng hóa, còn lực lượng “Shipper áo xanh” thì nhận lại niềm vui vì những công việc mình làm giúp được người khác trong thời điểm khó khăn. Ở khoảng cách của các biện pháp bảo hộ mùa dịch, chúng tôi vẫn kịp nhìn thấy những ánh mắt chân thành của bà con. “Tụi con vất vả rồi, cảm ơn tụi con nghen…”. Chỉ bao nhiêu thôi cũng khiến cho những tấm áo xanh ướt mồ hôi trong chiều nắng trở nên ý nghĩa.

“Cùng với các đội hình cấp xã, phường, lực lượng “Áo xanh đi chợ” của Thành đoàn TP. Bến Tre có 45 tình nguyện viên. Từ khi bắt đầu giãn cách xã hội và triển khai hoạt động đến nay, gần 900 lượt đơn hàng đã được các lực lượng chuyển đến tay người dân trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt các yêu cầu trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch”.

 (Phó bí thư Thành Đoàn TP. Bến Tre Mai Văn Phú)

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN