Đồng chí Đào Văn Cảnh (Tư Ri) - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy năm 1968.
Sau 2 đợt tấn công của quân dân ta vào đầu não của địch tại thị xã Bến Tre và bẻ gãy cuộc càn quét phản kích với quy mô lớn vào đầu tháng 5-1969 tại các xã Hữu Định, Phước Thạnh (Châu Thành), Trung đoàn 10, thuộc Sư đoàn 7 chủ lực ngụy đóng tại Bến Tre và bọn Bảo an trong tỉnh đã bị nhiều tổn thất, sa sút tinh thần nghiêm trọng. Để cứu vãn tình thế, địch phải tăng viện thêm bộ binh của Sư đoàn 9 Mỹ, đang đóng tại căn cứ Đồng Tâm (Mỹ Tho), với sự yểm trợ tối đa của không quân, pháo binh, các phương tiện kỹ thuật tối tân nhất và đã liên tục đưa máy bay B-52 đánh vào chiến trường Bến Tre. VPTU thời điểm này cùng với các cơ quan lãnh đạo của tỉnh vẫn bám trụ trên địa bàn Giồng Trôm để trực tiếp chỉ đạo các đợt tiến công tiếp theo vào thị xã. Trong năm 1968, VPTU 3 lần bị máy bay B-52 của Mỹ ném bom trúng điểm.
Lần thứ nhất, từ ngày 23 đến 24-5-1968, máy bay trinh sát L19 của địch quần đảo nhiều lượt trên bầu trời khu vực VPTU đang đóng quân, tại Ấp 2, xã Long Mỹ (Giồng Trôm). Trong đêm 24 rạng 25-5-1968, rất nhiều tàu chiến xuất hiện và quần đảo phong tỏa chặt sông Hàm Luông từ vàm Bến Tre xuống đến vàm Khâu Băng.
Từ kinh nghiệm, ta phán đoán địch đang chuẩn bị đánh vào các xã Nam Giồng Trôm. VPTU cho người túc trực tại đơn vị B2 (bộ phận theo dõi địch tình của Tỉnh Đội) đến gần 12 giờ đêm 25 rạng 26-5 vẫn chưa nắm được tình hình. Lo lắng trước hiện tượng trên, 1 giờ khuya 26-5, đồng chí Đào Văn Cảnh (Tư Ri) Chánh VPTU đến gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Cánh (Bảy Đấu) báo cáo tình hình. Qua các hiện tượng trên, nhận định khả năng địch sẽ đánh vào căn cứ và đề xuất cho di chuyển đến các căn cứ dự phòng. Đồng ý với phương án đồng chí Tư Ri đề xuất, bộ phận nghiên cứu cùng Thường trực Tỉnh ủy di chuyển xuống Ấp 7, xã Tân Hào; bộ phận Văn thư, Điện đài, Cơ yếu chuyển lên Giồng Kè, xã Phước Long. Đồng chí Bảy Đấu giao cho đồng chí Tư Ri ở lại chỗ cũ để giữ quan hệ với các cơ quan. Triển khai ngay phương án, tất cả tức tốc lên đường đến điểm mới, chỉ còn đồng chí Tư Ri và đồng chí Nguyễn Minh Chiến (Bảy Sơn - cán bộ bảo vệ) ở lại.
Việc di chuyển nhanh chóng hoàn tất, nhưng đến 2 giờ sáng 26-5-1968 vẫn chưa có tin tức gì mới từ đơn vị B2 báo về. Hai đồng chí Tư Ri và Bảy Sơn đã thu dọn, cất giấu đồ đạc xong, ngả lưng nằm nghỉ. Bất thình lình một loạt bom do B-52 ầm ầm liên tiếp phát nổ dữ dội, miểng phang rớt xuống rèn rẹt, cây, đất rơi rớt lịch bịch. Vậy là chúng ném bom xuống dọc lộ số 5, cách chỗ VPTU trên dưới 400m.
Dứt đợt bom, đồng chí Nguyễn Văn Cá (Ba Chiến), cán bộ bảo vệ Văn phòng, lái xuồng máy đến. Ba người ngồi ngoài vườn bàn bạc, nhận định hướng địch sẽ đổ quân đánh vào. Lần đầu bị bom B-52, chưa nắm được quy luật đánh của chúng là sau đợt 1, chừng 10 phút sau, chúng sẽ đánh tiếp đợt 2 hoặc có thể thêm đợt 3, đợt 4… theo hướng song song hoặc tiếp nối với đợt 1. Không cảnh giác, liền đó bom đợt 2 lại trút xuống dữ dội, nổ lụp bụp xung quanh 3 người, mặt đất chòng chành, rung chuyển, như đang ngồi trên thuyền giữa cơn sóng dồi, gió dập, đất, nước văng tứ tung, khói lửa bay đầy trời. Chưa ai kịp phản ứng gì thì đợt bom đã dứt. Không ai kịp chun hầm, cũng không kịp ẩn nấp, nhưng rất may cả ba đều vô sự. Đến tối, Tư Ri mới quan hệ được với Tỉnh Đội nắm tình hình, đến báo cáo với đồng chí Bảy Đấu và quay lên Phước Long gặp bộ phận VPTU tại Giồng Kè. Sau đó mới biết, vợ và 2 người con của đồng chí Mười Thi đã mất do bị trúng bom trận này; đồng chí Nguyễn Văn Song (Năm Hỏa), Tỉnh ủy viên, đi cùng đồng chí Trận (bảo vệ), đang ghé nghỉ nhờ tại nhà chị cũng đã hy sinh.
Lần thứ hai, đó là vào đêm 22-7-1968, VPTU đang đóng tại ấp Hòa Lợi và Hòa Thạnh, xã Lương Hòa (Giồng Trôm). Nhận được nguồn tin từ Tỉnh Đội, địch sẽ đánh vào một số xã của Giồng Trôm, có thể B-52 sẽ ném bom dọn đường, nhưng chưa biết rõ mục tiêu cụ thể. Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo VPTU chuẩn bị tư thế sẵn sàng di chuyển. Đến rạng sáng 23-7, nguồn tin chính thức báo chúng sẽ đánh vào Lương Hòa. Đồng chí Tư Ri xin ý kiến và được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý cho toàn bộ cơ động gấp về căn cứ dự phòng tại Cây Da, thuộc Ấp 5, xã Lương Phú. Trên đường đi, vừa tới rạch Ông Nhiễu, thuộc Ấp 1, xã Thuận Điền, bỗng hàng loạt bom B-52 bất ngờ như sấm sét trút xuống, nổ rền, lửa khói khét lẹt mịt mù trời đất.
Chiếc xuồng đồng chí Tư Ri đi sau cùng. Do trúng trong tuyến bom, sức ép của bom đã hất tất cả mọi người văng xuống sông, xuồng bị nhấn chìm. Dứt loạt bom đầu tiên, đồng chí Tư Ri bình tĩnh kiểm tra lại, khi bom trút xuống, đồng chí Bảy Đấu và phần lớn cán bộ, nhân viên VPTU vừa vượt qua khỏi làn bom, nên đã thoát hiểm. Theo quy luật, sau B-52 ném bom đợt 1, sẽ tiếp theo đợt 2, nếu không, thì chỉ mươi phút sau là trực thăng chiến đấu sẽ đến bắn phá, dọn bãi cho trực thăng đổ quân. May mắn là mọi người trên xuồng đi cùng đồng chí Tư Ri không ai bị thương vong, xuồng cũng không bị thủng, nhưng máy “đuôi tôm” Kohler 4 bị ngấm nước, không còn chạy được, dầm thì đã bị trôi đi mất. Không còn cách, giá nào cũng phải tức tốc rời khỏi khu vực này, đồng chí Tư Ri động viên mọi người phải ra sức dùng tay để bơi, đồng chí kéo lục bình lên ngụy trang và ngồi giữa xuồng nghe ngóng, quan sát máy bay địch. Nhờ nước trên sông Tài Phú đang ròng, ngày càng chảy mạnh, xuồng nhanh chóng về đến điểm an toàn.
Lần thứ ba, là cuối tháng 11-1968, thời điểm địch đang ráo riết tiến hành bình định cấp tốc, ngoài quân của Trung đoàn 10 thuộc Sư đoàn 7 và các tiểu đoàn Bảo an tại tỉnh, chúng đã tăng thêm quân của Sư đoàn 9 đến càn quét, đánh phá, yểm trợ bình định các vùng giải phóng còn lại của Bến Tre vô cùng ác liệt. Lúc này, VPTU đang trú đóng phân tán trên một tuyến dài 300m tại khu vực miếu Gò Giá, gần cầu Ba Lạc thuộc xã Long Mỹ (Giồng Trôm). Tại Văn phòng đang có các đồng chí: Nguyễn Văn Chim (Hai Lẽ Hai) - Phó bí thư Khu ủy Khu 2, Nguyễn Văn Khước (Năm Chung) - Khu ủy viên, về công tác tại tỉnh cùng ở chung với đồng chí Bảy Đấu và bộ phận Nghiên cứu.
Từ chiều và trong đêm ngày 1 rạng 2-12-1968, bỗng nhiên bầu trời yên tĩnh vô cùng, không một tiếng súng, tiếng pháo, cũng không có chiếc máy bay nào bay qua, một hiện tượng rất khác lạ. Tình hình đó, dự báo B-52 sẽ đánh vào khu vực, chỉ còn chưa biết rõ cụ thể là đánh vào địa điểm nào. Đồng chí Tư Ri chỉ đạo cho bộ phận B2 (theo dõi địch tình) mở hết các máy PRC-25 trực theo dõi 100%. Đến nửa đêm vẫn chưa nắm được tình hình gì. Khoảng 1 giờ khuya 2-12, lúc này có người còn đang thức trực, phần đông đang say ngủ, bỗng hàng loạt bom B-52 trút xuống nổ long trời lở đất, trúng ngay đội hình đóng quân của VPTU. Bom nổ lụp bụp chung quanh nhà ở của bộ phận Nghiên cứu, cùng các đồng chí Năm Chung, Hai Lẽ Hai, Bảy Đấu, rồi kéo dài lên khu vực kênh Biện Biếc. Không ai kịp hành động tự vệ gì. Đồng chí Năm Chung bị bom hất từ nấp hầm tránh pháo văng xuống đất, đồng chí Hai Lẻ Hai và Bảy Đấu đang nằm trước cửa hầm pháo mà bom giật không bò vô được, đồng chí Tư Ri, các cán bộ nghiên cứu và em Thanh bảo vệ đang nằm dưới đất, chỉ kịp ôm nhau, cùng che chở cho nhau.
Thật may mắn vô cùng, mọi người chỉ bị xây xát ngoài da, không có thương vong. Riêng bộ phận Văn thư, Điện đài, Cơ yếu nằm ngoài tuyến bom bừa nên an toàn. Sau đó Thường trực Tỉnh ủy và anh em Văn phòng nhanh chóng di chuyển đến khu vực khác, phòng địch sáng sớm sẽ đánh vào.
B-52 của địch ném bom ở Bến Tre, một đợt 3 chiếc, địch gọi là một phi vụ, trung bình mỗi chiếc B-52 mang theo và ném xuống 100 quả bom, mỗi quả trên 200kg. Xong phi vụ thứ nhất, nếu tiếp theo, khoảng mươi phút sau là phi vụ thứ hai, cũng 3 chiếc. Ở Bến Tre có những trận địch ném liên tiếp 6 phi vụ, sử dụng 18 máy bay B-52.
Bị B-52 đánh trúng là dội một trận bom khổng lồ. Trong năm 1968, Văn phòng Tỉnh ủy đã bị đánh trúng 3 trận, nhưng không ai bị thương vong, quả là hy hữu. Nhưng không phải bao giờ cũng may mắn như vậy, hàng ngày, hàng giờ luôn đối mặt với kẻ thù và bom đạn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên 30 cán bộ, nhân viên Văn phòng Tỉnh ủy đã hy sinh.
|
(Ghi theo lời kể của đồng chí Đào Văn Cảnh (Tư Ri) - nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy
và đồng chí Bùi Văn Á (Tám Tiến) - nguyên Trưởng ban Cơ yếu Tỉnh ủy)
Vũ Hồng Thanh
Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy