Bác Hồ trong lòng bà con Việt kiều

01/09/2017 - 08:08

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm với các cháu thiếu nhi Việt kiều Thái Lan về nước chuyến đầu tiên đến chào Người tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, tháng 2-1960. Ảnh: Tư liệu

Tháng 8-1969, ông Đoàn Văn Đức - nguyên Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh Bến Tre (từ tháng 3-1972 đến tháng 4-1975), có chuyến đi công tác đặc biệt sang đất bạn Campuchia. 

Theo lời ông kể lại, trên đường công tác, nhân dân ta chịu cảnh quá đau thương không gì bù đắp được - Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta! Nỗi đau xé lòng. Ở trên đất bạn, khi nghe, nhìn bà con Việt kiều thương khóc, niềm trang trọng, kính yêu vị lãnh tụ càng thấm đậm vô vàn.

Ông Đoàn Văn Đức đã mất nhưng những hồi ức về chuyến công tác lịch sử ấy được ông kể, ghi lại với lòng thành lưu tặng cho các bạn bè, con cháu nhân ngày Quốc khánh 2-9; ngày Bác Hồ vĩnh biệt dân tộc ta.

Theo hồi ức: 5 giờ sáng ngày 3-9-1969, tôi thức giấc lo thu xếp hành trang, bỗng nghe radio của cơ quan vọng lên “Bác Hồ đã vĩnh biệt chúng ta...”. Nghe qua cả trạm giao liên trái tim như ngừng đập. Tiếng khóc kể không ngớt vì Bác không còn nữa! Riêng tôi, nỗi đau không ngăn được nước mắt, song vì nhiệm vụ phải nuốt lệ ra đi. Đúng 7 giờ sáng, chị giao liên đưa tôi đến phà Nietluong của tỉnh Soairieng để sang sông. Phà cập bến, tôi lên trước, mấy cậu lái xe honda, xe lôi chạy lại mời đi tôi nói “châm tit” họ đứng chờ... chị giao liên lên đến, cả hai ra xe khách, hầu hết đi trên xe là người bản địa, họ nói gì không biết, chỉ lâu lâu nghe giọng nói lơ lớ: Ho Chi Minh, Sihanuck... không biết có phải họ nói: Nhà vua nói Bác Hồ đã qua đời không...

Trên đường dài vô tận, ngồi trên xe nỗi buồn thương nhớ Bác sao thấy cảnh vật cũng đìu hiu, ủ rũ như đang chia sớt nỗi đau với “lữ khách”. Mãi suy tư, lo nghĩ là đến 15 giờ, xe qua cầu Kandal vào thành phố Phnôm Pênh, nơi điểm hẹn. Theo quy ước, hai em tổ liên lạc rước tôi lên xe 4 chỗ đưa vô nội thành trao cho cơ sở Việt kiều. Tôi được gia đình cơ sở bố trí nơi ăn, nghỉ khá chu đáo và sinh hoạt việc ứng xử khi có nhà chức trách đến kiểm tra, qua đó tôi an tâm chờ ngày đi.

Vì mới đến nước ngoài lần đầu tiên, trong câu chuyện trao đổi về quê hương, đất nước tôi được anh cơ sở cho biết cảnh quan của thành phố Phnôm Pênh, nếp sống của cư dân, chính sách của Nhà nước đối với ngoại kiều... Câu chuyện chưa kết thúc, tôi thấy bà con từ nhiều ngõ đổ vô gia đình cơ sở lúc chạng vạng tối, đi thẳng vào buồng ngủ, lại nghe tiếng khóc vọng ra. Không biết việc gì, tôi hỏi, được anh cho biết: Ban đại diện vừa nhận được thông báo Bác Hồ đã qua đời, mấy anh lấy nhà tôi làm điểm họp để báo với bà con tin buồn và bàn việc thờ cúng Bác, khi được tin bà con xúc động vì thương nhớ Cha già không còn nữa nên khóc kể nức nở! Nghe qua lòng tôi lại quặn đau vì con em xa quê cha, đất tổ, song mọi nỗi vui, buồn, đau, thương đều quyện chặt vào cộng đồng ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Sáng ngày 4-9-1969, nơi đây chợ trái cây và hoa không đủ bán vì bà con kẻ ít, người nhiều đều mua về dâng Bác. Nhưng không dám tập hợp đông do sợ nhà chức trách sở tại làm khó nên tự gia đình xếp trái cây lên mâm và bình hoa đưa lên bàn thờ đốt hương cúng Bác... Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài đều rất đau buồn, mến thương lãnh tụ Hồ Chí Minh, cụ thể như ở Phnôm Pênh (Campuchia).

Được tin Bác Hồ đã vĩnh biệt, Quốc vương Norodom Sihanuck ra lệnh treo cờ rủ 3 ngày và cấm các cuộc vui chơi để tỏ lòng mến thương, tôn trọng đức độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời vì lý tưởng lo cho nước, cho dân đến lúc ra đi... 5 ngày sau đó, nhà vua tổ chức lễ cầu siêu trước Ngọ Môn của Hoàng cung với 79 vị sư sãi tụng niệm, tượng trưng lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi thọ 79 tuổi.

Từ cách hành xử của Quốc vương Campuchia, ta liên tưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới tuy thái độ chính trị có khác nhau hoặc có định kiến với Việt Nam, song hầu hết nhà cầm quyền đều tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa lớn, là bậc danh nhân trên thế giới, là vĩ nhân của thời đại. Nên khi Bác Hồ từ trần, các vị lãnh tụ, đại diện các quốc gia đến phúng điếu, phân ưu với Đảng ta và nhân dân Việt Nam anh hùng.

Minh Trấn (Lược ghi theo Hồi ức của ông Đoàn Văn Đức)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN