Bác là tấm gương - Con soi để thấy sức mình lớn lên

01/12/2009 - 09:58
Chị Nguyễn Thị Mãi nhận bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam. Ảnh: TR.Q

Tôi đến Liên minh HTX tỉnh gặp chị Nguyễn Thị Mãi- một điển hình trong thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo sự giới thiệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Chị Nguyễn Thị Mãi sống ở phường 6, thành phố Bến Tre. Tôi biết chị có một gia đình nhỏ bốn người, “ông xã” cũng công tác ở thành phố Bến Tre, hai đứa con đang học đại học, phổ thông. Bây giờ có lẽ là thời gian thảnh thơi nhất để chị toàn tâm toàn ý tham gia hoạt động phong trào, lớp học? Men theo suy đoán của mình, tôi đã có cuộc trò chuyện khá thú vị với chị.
Chị Mãi về Liên minh HTX khi vừa học xong phổ thông. Hành trang để chị bước vào nhiệm vụ mới còn đơn thuần, nhẹ gánh, vì vậy chị quyết tâm “người ta học một, mình học mười”, từ cái nghề đến kỹ năng làm việc. Và, chị đã hoàn thành một khóa học cần thiết cho vị trí công tác như mong muốn lúc bấy giờ. Nhớ lại, đó là quãng thời gian miệt mài không ít trở ngại của hai vợ chồng chị. Chỉ với ai thân quen, chị mới thố lộ sự vất vả trên từng chặng đường chinh phục kiến thức của mình. Có những lúc chị tạm lui vài bước để sinh con, để chồng an tâm học nâng cao; có những lúc phải đấu tranh vượt qua sức ỳ của bản thân, của sự mệt mỏi… “Cuối cùng, song hỷ đã đến: Tôi đã tốt nghiệp ĐH Tài chính kế toán đồng thời sinh cháu bé thứ hai. Đến giờ, tôi vẫn đi học ngoại ngữ đấy. Không những vậy, tôi tác động cho các con ham học từ lúc chúng còn nhỏ. Bằng đại học của tôi là hệ tại chức, nhưng tôi không ngại bởi mình đã làm hết sức mình”. Chị nói với tôi mà như thêm một lần tự nhắc nhở chính mình. Một kinh nghiệm chị rút ra ở cuối chặng đường là phải luôn nỗ lực học tập không ngừng, vì đây là chìa khóa quan trọng nhất để mở cánh cửa tri thức, để phục vụ công việc tốt hơn.
Quay trở lại đề tài chính, chị Mãi không giấu được vẻ tự hào về một trong những việc làm của chi bộ Liên minh HTX hưởng ứng Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà chị với vai trò phó bí thư góp phần vào thành công chung. Thi kể chuyện về Bác không khó nhưng làm thế nào để nâng cao hiệu quả mới là quan trọng. Vì thế, dẫu đảng viên hay quần chúng thì một người phải đảm nhận hai vai trò, thí sinh và giám khảo! Áp dụng hình thức này, cuộc thi kể chuyện của chi bộ thành công như dự đoán. Mỗi thí sinh chuẩn bị một câu chuyện về Bác có ý nghĩa trực tiếp đến chuyên môn, nhiệm vụ được giao và chuyển tải thông điệp đến bản thân, đồng chí, đồng nghiệp thật nhẹ nhàng, gần gũi, bổ ích. Mỗi cái kết chuyện mở ra thêm niềm tin và hy vọng cho từng vị trí từ anh lái xe đến người lãnh đạo. Chị Mãi nói vui, người ta bảo chín người mười ý thật đúng với tổng số người dự thi hôm ấy. Đồng giám khảo của chi bộ suy xét rất “căng”, tranh luận đến bao giờ thống nhất mới ra điểm. Thi xong, ai cũng vui, ai cũng được phần thưởng nhưng cao hơn là tất cả có những giây phút ấm áp tình đồng chí dưới ánh sáng chân lý từ Bác. Không ai bảo ai, mọi người tự đề ra phương hướng để tới đây “làm cho cái tốt sinh sôi” nhiều hơn nữa.. Và trong cuộc thi ấy, chị Mãi về thứ nhì.
Đối với HTX, chị đã xây dựng chương trình hoạt động “tập trung hướng về cơ sở”. Mỗi nội dung đều có kế hoạch thực hiện cụ thể; khi đi công tác thường kết hợp giải quyết theo kiểu “một công đôi ba việc”, “một ngày đôi ba nơi” để tiết kiệm  chi phí cho cơ quan. Phương pháp tư vấn cho HTX thì cụ thể, tận tình đến nơi đến chốn, không làm mất thời gian và kinh phí của HTX; nắm bắt phương thức hoạt động của từng HTX để có biện pháp chấn chỉnh cụ thể. Là một cán bộ có nhiều năm gắn bó với phong trào làm ăn kinh tế hợp tác xã, chị luôn quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, củng cố hoạt động tổ hợp tác, hợp tác xã, mong muốn góp phần nhỏ cho phong trào ngày càng phát triển, đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. “Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là động lực giúp tôi có tinh thần tiến công mạnh mẽ hơn trong công việc. Bởi vì bên cạnh tôi có nhiều đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân cùng hưởng ứng cuộc vận động này”- chị tâm đắc.
Trước khi chia tay, tôi kịp theo chị Mãi đưa vào một góc ngày xưa của chị. Hồi đó, chị mới là đoàn viên thôi, nhưng “máu” lắm. Là kế toán, chị nghĩ ra một cách răn mình… Tôi hình dung, một cô bé Mãi mắt to có hai bím tóc thật xinh, mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo cơ quan cho chi đoàn dán khẩu hiệu lên cửa phòng làm việc; một cô bí thư chi đoàn ngồi tỉ mẩn từng đường kéo để nung nấu “Cần, kiệm, liêm, chính” như Bác hằng mong muốn mỗi con người khắc cốt, ghi tâm. Đó là cách chị Mãi tuyên truyền tư tưởng của Bác những ngày xưa. Chị nói, kết quả của quá trình phấn đấu từ việc nhà đến cơ quan, dù đảm nhận vai trò nào… có những chuyện ngỡ làm như quán tính nhưng thật ra đó là nhờ mình học theo Bác.
Trò chuyện với chị, tôi thấy mình bị “hố” trước những dự  đoán ban đầu nhưng trong lòng chợt vui lạ.. Lời của chị Nguyễn Thị Mãi như thắp thêm một ngọn nến của tình yêu thương, trách nhiệm, tôi xin trích dẫn để thay lời kết bài viết: Việc làm của cá nhân là những việc nhỏ nhưng nhiều cá nhân sẽ hợp thành một tập thể có sức mạnh lớn lao, thực hiện thắng lợi mọi phong trào. Vì vậy, tôi sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, phong cách làm việc, ý thức trách nhiệm để góp phần cùng với chi bộ, Đảng bộ thực hiện thành công Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian tới”!

NG.D

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN