Trong những năm qua, hệ thống Trung tâm Văn hóa (TTVH) tỉnh Bến Tre đã góp phần tích cực trong việc đưa đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch cho nhân dân tỉnh nhà. Đồng thời, thông qua các hình thức hoạt động, hệ thống TTVH tỉnh đã góp phần kéo giảm khoảng cách hưởng thụ văn hóa, thể thao, du lịch giữa nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa với khu vực đô thị. Mặc dù hệ thống TTVH toàn tỉnh đã rất nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, nhưng theo nhìn nhận của ngành chuyên môn, hoạt động hiện tại của hệ thống TTVH nhìn chung chưa toàn diện và đa dạng so với chức năng, nhiệm vụ qui định của TTVH.
Nhìn nhận thực tế
Hệ thống TTVH toàn tỉnh đã và đang hoạt động trong điều kiện “thiếu và yếu” về cơ sở vật chất lẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực tế, toàn tỉnh hiện chỉ mới xây dựng được 4/9 TTVH (Châu Thành, Chợ Lách, Thạnh Phú, Bình Đại), các trung tâm còn lại vẫn tận dụng các cơ sở cũ. TTVH tỉnh cũng mới được khởi công xây dựng giai đoạn I, phải mất một thời gian nhất định mới đưa vào khai thác sử dụng đúng chuẩn. Một số TTVH đã được xây dựng nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa khai thác và phát huy hết những thuận lợi vốn có. Hệ thống TTVH toàn tỉnh hoạt động chưa đều tay. Trong đó, nổi rõ là các hoạt động tại chỗ ở một số nơi còn đơn điệu, sáo mòn, chưa tạo ra được nhiều mô hình mới và chất lượng để nhân rộng. Công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cơ sở còn hạn chế, ít hiệu quả, chưa thể hiện vai trò trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao và du lịch của cộng đồng dân cư trên địa bàn một cách rõ nét.
Một số loại hình nghệ thuật quần chúng sẵn có đang được khơi dậy và phát triển khắp nơi như: đờn ca tài tử, văn nghệ quần chúng và các loại hình nghệ thuật khác tuy được quan tâm nhưng chưa đề ra được giải pháp để nâng cao chất lượng, cũng như chưa có hướng đào tạo hạt nhân nòng cốt cho địa phương. Một số câu lạc bộ, đội nhóm còn mang tính hình thức, chưa phát huy tính sáng tạo của quần chúng, nhân dân, do vậy, chất lượng nghệ thuật hoạt động không cao. Đặc biệt, hầu hết các đơn vị TTVH chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc tìm kiếm tạo nguồn thu từ các dịch vụ, cũng như huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch một cách thường xuyên.
“Thiếu và yếu”
Từ thực tế cho thấy, tình trạng cán bộ thiếu nghiệp vụ, yếu chuyên môn diễn ra khá phổ biến. Một số nơi bố trí cán bộ chưa đúng chức năng, nhiệm vụ, nhất là trong quá trình sáp nhập ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Một số đơn vị chưa kịp thời xây dựng kế hoạch trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên môn.
Bên cạnh đó, định mức kinh phí hoạt động cho TTVH-TT các huyện được tính trên số dân từ năm 2004 đến nay vẫn không thay đổi nhiều. Trong khi đó, kế hoạch hội thi, hội diễn, liên hoan và nhu cầu các hoạt động phong trào khác ngày càng phát triển, tăng lên. Từ định mức kinh phí cũ, không còn phù hợp đã dẫn đến việc đầu tư cho các hoạt động không đảm bảo số lượng và chất lượng, không thu hút được tài năng. Một bộ phận cán bộ trong ngành còn tư tưởng trông chờ, thụ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa cũng đạt hiệu quả chưa cao.
Ngoài những nguyên nhân khách quan do khó khăn về kinh phí hoạt động, về chế độ thù lao, về cơ sở vật chất, trang thiết bị… còn có những nguyên nhân chủ quan, như: cán bộ thiếu và yếu, một số chưa được đào tạo đúng mức về chuyên môn, nghiệp vụ. Một số cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc, có những công việc được phân công không đúng với ngành nghề đào tạo (do yêu cầu công việc vì thiếu nhân sự).
Ý nghĩa quan trọng của đề án
Đề án Nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống TTVH giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 được ra đời với mục tiêu trọng tâm là hướng đến việc hoàn chỉnh cơ sở vật chất và tổ chức bộ máy hệ thống TTVH toàn tỉnh; đẩy mạnh hoạt động hệ thống TTVH, nhà văn hóa ở cơ sở theo hướng đa dạng hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, để thật sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao cho các tầng lớp nhân dân. Đề án đã được UBND tỉnh Bến Tre ra Quyết định phê duyệt ngày 10-4-2012, với tổng kinh phí đầu tư là 577,1 tỷ đồng (trong đó, Trung ương hỗ trợ là 180 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 397,1 tỷ đồng).
Theo tinh thần Quyết định trên, UBND tỉnh giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm và phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch phân kỳ triển khai thực hiện. Một trong những nội dung chính của Đề án là tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tại chỗ, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với công chúng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Phấn đấu đến năm 2020, tất cả các huyện, thành phố có TTVH-TT, xe thông tin lưu động với đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng đạt chuẩn (mỗi năm khởi công xây dựng một TTVH-TT). Một nội dung quan trọng nữa của Đề án là hướng đến hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy 3 cấp: tỉnh, huyện - thành phố, xã - phường với chất lượng chuyên môn cao; tổ chức bộ máy các TTVH-TT huyện và thành phố, nhà văn hóa cơ sở đủ sức hoạt động.
Có thể nói, từ thực tế còn nhiều khó khăn của hệ thống TTVH toàn tỉnh, sự ra đời của Đề án là điều hết sức ý nghĩa, cần thiết. Đề án góp phần thúc đẩy hệ thống TTVH tiến tới tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính…, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bài 2: Đề án và phần việc cốt lõi