Bài học từ câu chuyện “Các chú làm cho Bác xa dân”

19/05/2023 - 05:14

BDK - Trong rất nhiều những tác phẩm, bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai trong chúng ta được đọc cũng đều cảm thấy thật dễ hiểu, dễ nhớ, sâu sắc và đầy đủ. Từ những mẩu chuyện rất nhỏ trong cuộc sống đời thường cho tới những tác phẩm lớn, Bác đều thể hiện rất chân thật, gần gũi với một phong cách giản dị như chính con người Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954. Ảnh tư liệu

Bài học “gần dân”

Quyển sách “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, tập IV (1946-1954) đã ghi lại một câu chuyện về Bác:

Bắc Cạn là thị xã đầu tiên ở miền Bắc giải phóng khỏi sự quản lý của thực dân Pháp và bè lũ tay sai (ngày 9-8-1949). Ngân Sơn là một huyện thuộc tỉnh Bắc Cạn. Một ngày tháng 8-1949, trên đường đi Ngân Sơn, Bác Hồ đã dừng lại nghỉ tại thôn Nà Phạc. Lúc này, dân ở đây đi sơ tán chưa dọn về.

Do hoàn cảnh lúc bấy giờ, cán bộ địa phương và đoàn công tác chỉ nghĩ tới việc bảo vệ an toàn và giữ gìn sức khỏe của Bác nên đã dựng tạm lán cho Bác ở qua đêm. Chỉ tay vào căn lán mới dựng, Bác hỏi: “Nhà này là nhà của ai, hả chú?”. Cán bộ địa phương thưa “Thưa Bác! Cách đây năm, ba cây số mới có lán ở của dân, chúng cháu dựng tạm lán này cho Bác nghỉ chân”.

Bác nghiêm sắc mặt phê bình: “Thế là các chú làm cho Bác xa dân! Chỉ có năm, ba cây số, nhân dân đi lại được, sao Bác không đi được”. Anh em cán bộ địa phương lúng túng nhìn nhau trước lời trách nhẹ nhàng của Bác. Và ngay sáng sớm hôm sau, Bác yêu cầu đưa Người đi bộ vào thăm hỏi đồng bào ở nơi sơ tán.

Từ câu chuyện trên, tuy chỉ là một cử chỉ nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày của Bác nhưng đã nói lên tư tưởng lớn “dân là gốc”, toát lên phong cách “gần dân”, “thường xuyên gắn bó với nhân dân” của Người một cách rất rõ nét. Cũng từ mẩu chuyện trên, chúng ta thấy hai điểm đặc biệt của Bác Hồ chính nhờ sự tin dân, gần dân, lắng nghe dân mà Bác có được.

Điểm thứ nhất, trong đường lối lãnh đạo của Bác, phải là người có những hành động như tìm đến nhà chị Chín lao động, nghèo khổ giữa thủ đô trong đêm giá rét của 30 Tết, thì Hồ Chí Minh mới có thể nói: Nước độc lập mà dân không hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì. Dân chỉ biết được giá trị của độc lập, khi dân được ăn no, mặc ấm.

Rồi phải là người gần gũi, thâm nhập đời sống cơ sở như Bác đến tận nơi đồng bào sơ tán ở Bắc Cạn để thăm hỏi, xuống tận đồng ruộng tát nước cùng nông dân ở Hà Tây, hiểu thấu hoàn cảnh nhân dân nhiều nơi khác nữa ở Hà Đông, Thanh Hóa, Thái Nguyên… thì ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến chưa đầy một năm, Người đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và ở đó Người đã vạch ra hàng loạt các thứ bệnh vì xa dân, khinh dân mà nên.

Trong tác phẩm Dân vận, Bác vạch rõ “khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận” và Bác đòi hỏi “tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả các hội viên của các đoàn thể nhân dân… đều phải phụ trách dân vận”; “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Điểm thứ hai, trong lối dùng văn từ, Bác thường dùng những lời văn dung dị, mộc mạc phù hợp với trình độ, nhận thức của đại đa số nhân dân. Cũng như thường làm thơ ca, hò vè phù hợp tâm lý nhân dân; nêu các khẩu hiệu để cho dân dễ nhớ, dễ làm như: “Cách mệnh trước hết phải có Đảng. Nước có độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì”. Hay “Dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ”, “Dân chủ là làm cho dân được mở miệng ra nói”, “Chủ nghĩa xã hội là cơm no, áo ấm; là lấy nhà máy, xí nghiệp làm của chung, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít”.

Học và làm dân vận theo Bác

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự trở thành việc làm tự nguyện, tự giác trong toàn xã hội, đặc biệt là đối với người cán bộ, công chức làm công tác dân vận cần thực hiện tốt tác phong, cách làm dân vận của Bác.

Trước tiên là nhận thức đúng thì mới hành động đúng. Mỗi cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị phải tin dân. Tin vào vị trí, trách nhiệm cũng như vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Vì sự nghiệp cách mạng này là của nhân dân như Bác thường nhắc “dễ trăm lần không dân cũng chịu/ khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải xem công tác dân vận là trách nhiệm của chính mình. Đảng ta là Đảng mang bản chất giai cấp và dân tộc sâu sắc; sức mạnh của Đảng là ở sự liên hệ mật thiết với nhân dân. Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ; đường lối, chính sách đúng là đường lối, chính sách xuất phát từ nguyện vọng nhân dân. Do đó, gần gũi với nhân dân, lắng nghe nhân dân, vận động nhân dân… là trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả của mỗi cán bộ, đảng viên.

Thực hành tốt công tác dân vận theo phong cách của Bác. Bác dạy “cán bộ, đảng viên là đày tớ của nhân dân”, vì vậy tinh thần phục vụ là chính, phục vụ tận tình, phục vụ hết mình. Đặc biệt, cán bộ dân vận càng phải là người gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, thường xuyên đi cơ sở, đến tận nhà, tận đồng, tận vườn… như chính sự gần gũi mà chúng ta được thấy ở Bác. Phải gần gũi và gắn bó với nhân dân chúng ta mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và khả năng của nhân dân. Từ đó mới đề ra được đường lối đúng đắn. “Gần dân” ở đây không chỉ nói về mặt khoảng cách địa lý gần hay xa, mà còn thể hiện ở sự sâu sát, thấu hiểu những khó khăn, nguyện vọng của dân.

Phải thực hiện việc nêu gương trước dân. Một tấm gương sống bằng cả trăm bài diễn văn. Công tác dân vận không chỉ có nói hay, làm tốt, mà phải làm dân vận bằng chính những con người thật, việc thật. Do đó, ngoài đường lối, chính sách đúng đắn, sát hợp với nhân dân, thì cán bộ làm công tác dân vận phải là tấm gương tốt, tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác.

Những lời dạy sâu sắc, chỉ dẫn đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Bác cho đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị thực tiễn. Phong cách của Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần có giá trị to lớn của Đảng, của dân tộc ta. Học tập và làm theo phong cách của Người, nhất là phong cách giản dị, gần dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay. 

Nguyễn Diễm

 (Ban Dân vận Tỉnh ủy)

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN