Sự khởi đầu của một huy hiệu
Ban đầu chỉ là một biểu tượng hay biểu trưng mà thôi, nói chính xác hơn là tranh cổ động thường phổ biến lúc bấy giờ. Đó là thời điểm năm 1982, Bến Tre lần đầu tiên tổ chức hội thảo khoa học về thân thế sự nghiệp của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài công tác chuẩn bị nội dung hội nghị, vấn đề hình thức cũng được đặt ra rất nghiêm túc, tức là phải có biểu tượng tương xứng với hai câu thơ:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”…
Từ ý tưởng này và theo ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đ/c Đoàn Tứ, Trưởng Ban Tuyên huấn lúc bấy giờ trực tiếp làm việc với đ/c Võ Văn Long, Trưởng Ty VH-TT và Tổ Mỹ thuật Bến Tre tiến hành như là một “công trình văn hóa đầu tiên” có tầm cỡ ở tỉnh ta.
Với tôi, đây có thể là câu chuyện thời xưa, vì đã hơn 27 năm rồi chứ ít ỏi gì, nếu như không tình cờ tìm lại trong vô số giấy tờ, ký họa, phác thảo. Đó là phác thảo gốc, tiền thân của huy hiệu Nguyễn Đình Chiểu bấy giờ do họa sĩ Dương Tấn Hồng sáng tác còn đượm màu tươi rói và nét bút phê duyệt của đ/c Đoàn Tứ như mới vừa ráo mực vậy. Mặc cho thời gian phôi pha, tự nó hóa thân theo kiểu “tam sao thất bản”.
Sự hình thành về một huy hiệu
Tháng 10-1981, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, tôi được phân công làm Tổ trưởng Tổ Mỹ thuật Bến Tre. Nói tổ là khiêm tốn chứ thực tế Mỹ thuật là tổ “số một La mã” mới đúng, vì dưới tổ đã hình thành tổ sáng tác, tổ trang trí kẻ vẽ và tổ mỹ nghệ. Tôi kiêm luôn tổ sáng tác và phân công như sau: Họa sĩ Dương Tấn Hồng sáng tác về biểu trưng Nguyễn Đình Chiểu. Vì họa sĩ Hồng rất có khả năng vẽ makét và phác thảo tranh cổ động; đặc biệt là vẽ các biểu tượng, biểu trưng gần như là sở trường. Riêng tôi và họa sĩ Đặng Văn Long chia nhau vẽ và trình bày 5 đầu sách gồm: Văn thơ yêu nước chống Pháp, Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Nguyễn Đình Chiểu thân thế và sự nghiệp…
Người có công nhất để biến ý tưởng thành hình tượng thực là đ/c Võ Văn Long. Đ/c luôn “bám sát” các họa sĩ, thậm chí đ/c vẽ ra hình tượng nguệch ngoạc. Sự nhiệt tình “quá đáng” đôi lúc làm cho họa sĩ “bực mình”, nhưng bản lĩnh của người làm công tác văn hóa lão luyện đã giúp cho sự thành công của họa sĩ đối với huy hiệu Nguyễn Đình Chiểu.
Sự dần biến dạng của huy hiệu
Ở Bến Tre, từ khi có khái niệm về phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới, huy hiệu Nguyễn Đình Chiểu đã là một hiện thân ăn sâu vào lòng tất cả mọi tầng lớp ở Bến Tre. Từ đó, ấp văn hóa, xã văn hóa lần lượt ra đời, đặc biệt hơn vào năm 2010 huyện Châu Thành là huyện văn hóa đầu tiên của Bến Tre và có thể cả khu vực ĐBSCL…
Việc đã nói thì cũng đã đến. Đó là sự biến dạng của một huy hiệu theo kiểu “tam sao thất bản”, nhất là việc sao chép, phóng, vẽ một cách quá tùy tiện, thêm bớt, gọt giũa không tuân thủ theo nguyên bản và thực tế chả có một qui chuẩn nào (tức bản gốc). Vì vậy, có thể nói trên 100 xã, ấp văn hóa đều có biểu tượng khác nhau, kể cả về kích thước, hình tượng và các tỷ lệ “vàng” đều mất dạng chỉ còn lại đơn thuần là chiếc thuyền buồm, bút nho, quyển sách, lượn sóng chỉ na ná tượng trưng mà thôi. Các thứ rất quan trọng như hình tượng (mang tính đặc tả, đặc trưng) thậm chí nó gắn liền với nội dung đủ nghĩa, đúng nghĩa thì lại không lưu ý, trong lúc huy hiệu là một biểu tượng mang ý nghĩa tập trung tiêu biểu, khái niệm rộng nhưng rất rõ ràng, cụ thể cả về tính nghệ thuật và kỹ thuật, kể cả màu sắc và bố cục cũng nói lên tất cả. Mọi thứ đều được họa sĩ cân nhắc bỏ nhiều công sức khi phác thảo.
Cụ thể, huy hiệu Nguyễn Đình Chiểu được họa sĩ cùng lúc bố cục hai nội dung trong tác phẩm. Trước hết nói về bố cục:
Xem phác thảo bố cục của Dương Tấn Hồng thấy rõ là họa sĩ rất có bản lĩnh về chuyên môn khi áp dụng hai phối cảnh phù hợp với hai nội dung của hai câu thơ, gần như “vẽ đối”. Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm… Họa sĩ bố cục theo lối phối cảnh dưới nhìn lên. Đập vào mắt là hiện rõ chiếc thuyền to đặc trưng cho thuyền ghe Nam bộ, mũi và lái hơi bầu bầu chứ không thẳng như mũi tàu, trên là cánh buồm xòe rộng dang ra bên dưới và vút thẳng nhọn như đỉnh tháp rẽ ra thành 3 cánh như tượng trưng cho 3 dải cù lao, ở dưới là 3 lượn sóng nước (hai lượn cuốn tròn vào mạn thuyền, còn một lượn cuốn cong ngược xuống mặt nước. Ba lượn sóng tượng trưng cho ba con sông lớn: Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Đây là bố cục theo phối cảnh dưới nhìn lên (dưới tầm mắt). Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Họa sĩ bố cục theo phối cảnh trên nhìn xuống (trên tầm mắt), do vậy chẳng lạ gì khi thoạt nhìn đã thấy rõ ngòi bút rất to và sắc nhọn phối hợp nhịp nhàng với quyển sách mở rộng ra ở bên trên càng nhìn trở xuống càng thấy như nhỏ lại, kể cả cán bút. Những đặc điểm mang tính bí quyết này chỉ có những nhà chuyên môn mới nhận ra, do vậy không lạ gì khi sao chép dễ bị bỏ qua các chi tiết quý giá mang tính học thuật trên.
Cần nói thêm, trong rất nhiều xã, ấp văn hóa của 9 huyện, thành phố đều có biểu tượng Nguyễn Đình Chiểu (biểu tượng văn hóa). Chỉ lấy đơn vị huyện thôi đem so sánh đều rất khác nhau. Có huyện khi vẽ cây bút nho trở thành bút chì thậm chí như chiếc… hỏa tiễn, hoặc giống như trái đạn B.40! Có huyện vẽ theo tỷ lệ lùn, tất cả đều lùn tè ra, nhưng ngược lại có huyện vẽ theo tỷ lệ cao kều làm mất cân đối của bố cục. Có huyện vẽ chiếc thuyền thành chiếc tàu trong lúc “chở bao nhiêu đạo (thuyền) không khẳm, chứ tàu đâu?”. Khi vẽ ba lượn sóng, có nơi chỉ vẽ ba sọc thẳng và cắt đứt hai đầu trông giống như lá cờ ba que của chế độ cũ vậy. Rồi có nơi vẽ sóng biển như chùm nho…Thậm chí như trong huy hiệu Bến Tre có lồng ghép chiếc thuyền buồm (huy hiệu Nguyễn Đình Chiểu) là khi vẽ ba cánh buồm không dính vào cột buồm mà cắt rời ra trong không trung. Nói tóm lại sư biến dạng không bao giờ dừng lại nếu như không thống nhất một mẫu qui chuẩn.
Cần đặt ra công tác quản lý tác quyền:
Theo tôi, việc quản lý nhà nước về tác quyền cụ thể như huy hiệu Nguyễn Đình Chiểu của họa sĩ Dương Tấn Hồng không khó, một khi chúng ta đã xác định được bản phác thảo gốc của tác giả, đặc biệt là có lời phê duyệt của đ/c Đoàn Tứ, lúc bấy giờ là Trưởng Ban Tuyên huấn, là cơ sở pháp lý rõ nhất.
Cần qui chuẩn rõ mẫu huy hiệu Nguyễn Đình Chiều trên cơ sở quy hình: hình vuông, chữ nhật, tròn… hoặc qui thành tỷ lệ “vàng” trong bố cục hoặc chia thành các ô vuông, để việc sao, phóng một cách dễ dàng và chính xác.
Có vậy tức là chúng ta đã góp phần tôn tạo giá trị nghệ thuật cũng như tính năng sử dụng của một huy hiệu mang tên nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu; luôn xứng tầm thời đại trên quê hương văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, mà người giữ và cung cấp mẫu quy chuẩn không ai khác hơn là Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Bến Tre.