Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Ảnh: T. Đồng
Cải cách TTHC vì nhân dân, doanh nghiệp để phục vụ
Ngày 29-12-2020, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU về CCHC giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó, tập trung cải cách TTHC với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo, đánh giá chất lượng hoạt động; tập trung đổi mới tư duy, tác phong và lề lối làm việc của CBCCVC, xem đây là một trong các khâu đột phá để xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện, cấp xã trong tiếp nhận và giải quyết TTHC. Xây dựng, thực hiện quy chế phối hợp trong nội bộ các cơ quan, đơn vị; đồng thời, ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để phân công và xác định cụ thể trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân CBCCVC trong giải quyết TTHC, tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian giải quyết TTHC, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Việc hướng dẫn, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc: Khi cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ thông báo một lần bằng văn bản về toàn bộ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung; trong thông báo phải nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của yêu cầu này, để người dân thực hiện, không được yêu cầu sửa đổi, bổ sung lần thứ hai.
Đặc biệt, thực hiện tốt việc khảo sát sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi làm việc với cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trên cơ sở kết quả ý kiến đánh giá của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, TTHC, các cơ quan hành chính nhà nước đã nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCHC, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đến tháng 10-2021, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với 1.481/1.758 TTHC. Chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đã được các cơ quan, đơn vị hoàn thành đúng theo tiến độ.
Từ đầu năm 2021 đến nay, để triển khai thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng chống, đẩy lùi, kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, vững chắc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của nhân dân là trước tiên và là cao nhất; vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đội ngũ CBCCVC trong tỉnh với khí thế thi đua “Đồng khởi mới” đã năng động, sáng tạo thực hiện nhiều sáng kiến, giải pháp để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác. Người đứng đầu các đơn vị, địa phương phát huy cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “hết việc, không hết giờ”; quyết liệt, tích cực, chủ động, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, điều hành; tăng cường nắm bắt thông tin cơ sở, kịp thời trong giải quyết các tình huống phát sinh. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương và giữa CBCCVC được chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ. Việc ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong vận hành bộ máy và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp được tăng cường. Qua đó củng cố niềm tin, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về hiệu quả lãnh đạo, điều hành và phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc của CBCCVC
Tỉnh đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh là xây dựng đội ngũ CBCCVC có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực, uy tín, chuyên nghiệp, hợp tác, tận tụy phục vụ nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Công chức hành chính đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự, kỷ cương và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân theo quy định của pháp luật. Do đó, để đẩy nhanh tốc độ CCHC, vai trò của đội ngũ CBCCVC trong hệ thống hành chính nhà nước rất quan trọng.
Thực tế cho thấy, chỉ một vài CBCCVC có hành vi nhũng nhiễu, quan liêu, thiếu tôn trọng nhân dân, thì ngay lập tức sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của cấp ủy và chính quyền các cấp. Do đó, việc đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc của CBCCVC là một trong những việc cần làm ngay trong thực hiện CCHC. Việc xây dựng lề lối, phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp, khẩn trương, giải quyết dứt điểm công việc, không để tồn đọng công việc… là giải pháp mang tính quyết định nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tiếp tục quan tâm, chú trọng lãnh đạo hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác CCHC, xây dựng đội ngũ CBCCVC năng động, trách nhiệm, chuyên nghiệp, hiệu quả “vừa hồng, vừa chuyên” để cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân tiếp tục thực hiện có kết quả mục tiêu vừa phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tinh thần thi đua “Đồng khởi mới” để khơi dậy tính sáng tạo, năng động trong sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện cho họ vượt qua khó khăn, cùng chung sức, đồng lòng, đồng bộ, đồng loạt trong việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung đề cao vai trò người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính đối với chất lượng các hồ sơ công việc, kết quả giải quyết TTHC, các dự thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền, kể cả trong những lĩnh vực đã phân công cho cấp phó để tập trung kiểm soát chất lượng, hiệu quả của công tác CCHC ở cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đó.
Phải coi việc đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc của CBCCVC là công việc không chỉ nhằm hoàn thiện nhân cách của từng cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, mà còn là giải pháp cơ bản để xây dựng tổ chức, cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vững mạnh. Trước hết, đó là tư duy cung cấp dịch vụ hành chính cần thay đổi, từ tư duy “ban, phát”, “xin, cho” sang tư duy “phục vụ” người dân, coi người dân là trung tâm phục vụ của CBCCVC.
Đổi mới lề lối, phong cách làm việc không đồng nghĩa chỉ tập trung sửa chữa hạn chế, mà đó là một quá trình CBCCVC đổi mới cách nghĩ, cách làm, không ngừng hoàn thiện nhân cách, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những CBCCVC có thái độ công tác chưa đúng mực, hành vi, tác phong quan liêu, cách làm thiếu dân chủ phải xem đây là cơ hội để tự sửa chữa khuyết điểm, mang lại hình ảnh mới trước nhân dân, rèn luyện nhân cách và tăng hiệu quả công việc.
Thường xuyên tạo điều kiện cho CBCCVC công tác thực tiễn, gần gũi với nhân dân lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để điều chỉnh hành vi, thái độ ứng xử phù hợp, lắng nghe và tôn trọng nhân dân. Đồng thời, cần tạo nhiều cơ hội, điện đàm trao đổi; giao lưu, học hỏi với các cơ quan Trung ương, các địa phương bạn để CBCCVC trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ và năng lực thực tiễn. Các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, của các doanh nghiệp về tinh thần, thái độ phục vụ của CBCCVC, phát huy vai trò nhân dân tham gia giám sát lề lối, phong cách làm việc của CBCCVC để có hướng điều chỉnh, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời; cải thiện mạnh mẽ các kênh thông tin và các hình thức, phương thức để nhân dân quan tâm và lãnh đạo tốt việc này.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với giáo dục, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ CBCCVC; nhất là CBCCVC thường xuyên tiếp xúc, tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Chú trọng lựa chọn những CBCCVC có năng lực, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, vui vẻ, nhiệt tình, năng động, chuyên nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao để bố trí làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã. Không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết TTHC cho nhân dân; thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với các trường hợp trễ hẹn, sai sót trong giải quyết TTHC.
Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào qua công tác tuyển dụng, bổ nhiệm CBCCVC. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC toàn diện về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và kỹ năng. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức, theo khung năng lực vị trí công việc. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí chủ động, đúng người, đúng việc, phát triển cán bộ, tạo môi trường thuận lợi để CBCCVC phát huy năng lực, sở trường, cống hiến cho công việc. Các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của tỉnh cần khẩn trương, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng tốt phục vụ cho chiến lược, sự nghiệp phát triển của tỉnh. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ CBCCVC và xây dựng đội ngũ CBCCVC tận tụy, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động công vụ.
Đặc biệt, tỉnh cần tập trung bố trí đầy đủ nguồn lực để xây dựng chính quyền số; tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin qua ứng dụng công nghệ số. Tập trung nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ làm công tác công nghệ số, chuyển đổi số, số hóa, quyết tâm xây dựng thành công chính quyền số trong thời gian tới.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đang tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, phấn đấu đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030.
Để đạt mục tiêu trên thì nguồn nhân lực của tỉnh là yếu tố quyết định, trọng tâm là xây dựng đội ngũ CBCCVC có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực và uy tín với nhân dân. Do đó, việc đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc của CBCCVC của tỉnh nói chung và CBCCVC hành chính nói riêng là vấn đề cấp thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững tỉnh Bến Tre trong thời gian tới.
|
Lê Đức Thọ
Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy