BDK.VN - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 20-11-2024, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bến Tre đã tham gia đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Nhà giáo.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách phát biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo.
Đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu dạy và học trong tình hình mới, đồng thời tạo động lực tích cực để các nhà giáo cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đồng tình với 5 chính sách được cụ thể hóa trong dự án Luật Nhà giáo.
Tuy nhiên, do hiện nay nhà giáo đang chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau như: Bộ Luật Lao động, Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thi đua, Khen thưởng,… Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ, xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nội dung các chính sách để đảm bảo sự thống nhất.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cũng quan tâm đóng góp ý kiến nhiều nội dung vào dự thảo Luật Nhà giáo, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về giải thích từ ngữ: Tại khoản 7 Điều 4 dự thảo Luật Nhà giáo quy định:“Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là người được bổ nhiệm hoặc công nhận giữ chức vụ quản lý, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong cơ sở giáo dục”.
Đại biểu cho rằng quy định trên là chưa thống nhất với các luật có liên quan. Trước tiên, về khái niệm “Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục”là không phù hợp, bởi vì Luật Cán bộ, Công chức cũng như Luật Viên chức đã quy định rõ ai là cán bộ, ai là công chức và ai là viên chức. Theo Luật Cán bộ, công chức đã giải thích: “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.
Còn người làm công tác quản lý ở các cơ sở giáo dục thì theo Luật Viên chức, thuộc nhóm “Viên chức quản lý”. Và giải thích: “Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý”.
Ngoài ra, theo Luật Viên chức, tất cả viên chức quản lý cơ sở giáo dục phải là người được bổ nhiệm theo trình tự, thủ tục theo quy định, chưa có quy định về việc “công nhận giữ chức vụ quản lý” như trong dự thảo Luật quy định. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại nội dung này để quy định cho phù hợp.
Thứ hai,về điều động nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập: tại điểm b khoản 5 Điều 21 dự thảo Luật Nhà giáo quy định về bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo: “Trường hợp điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục thì được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong thời hạn tối đa 12 tháng. Sau thời gian bảo lưu thì thực hiện theo các chế độ, chính sách của vị trí công việc mới”.
Đại biểu cho rằng thời gian qua việc điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục gặp nhiều khó khăn, giáo viên không muốn được điều chuyển mặc dù ở vị trí cao hơn, bởi sau khi được điều động một thời gian sẽ bị mất các khoản phụ cấp.
Do vậy, đại biểu đề nghị nên cho nhà giáo được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên khi được điều động sang công tác tại cơ quan quản lý giáo dục nhằm tạo thuận lợi cho công tác điều động, sắp xếp cán bộ của ngành giáo dục, cũng như đảm bảo quyền lợi của nhà giáo.
Thứ ba, về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo tại Điều 30: Đại biểu thống nhất cao với quy định “Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi”.
Và đại biểu mong muốn Quốc hội ủng hộ việc giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với các nhà giáo cấp học mầm non. Vì tính chất công việc của giáo viên mầm non rất đặc thù, đến một độ tuổi nhất định thì khó đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, mà nếu điều chuyển làm công việc khác thì cũng rất khó có vị trí phù hợp. Chính vì vậy quy định cho họ có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với Bộ Luật Lao động, nhưng không quá 5 tuổi, là phù hợp.
Thứ tư, quản lý nhà nước về nhà giáo: Tại khoản 5 Điều 46 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan chuyên môn chủ trì, tham mưu giúp UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà giáo theo quy định của Luật này gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội”. Đại biểu đề nghị bổ sung Sở Nội vụ và Phòng Nội vụ vào khoản 5 Điều 46 của dự thảo Luật.
Bởi theo quy định thì Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tổ chức bộ máy; vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Kết thúc buổi thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có giải trình, làm rõ những vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu, tiếp thu tối đa, đầy đủ nhất những ý kiến đóng góp của quý đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hầu hết các ý kiến góp ý đều mong muốn tạo ra chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Ngay sau phiên họp này, Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9.