Bảo tồn Nói thơ Vân Tiên trong học đường

24/06/2022 - 05:28

BDK - Nói thơ Vân Tiên phổ biến tại miền Nam, trong đó có Bến Tre từ cuối thế kỷ XIX. Loại hình diễn xướng này minh chứng sống động cho giá trị, tầm vóc văn hóa mà Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để lại cho hậu thế. Những lời thơ của ông đi vào lòng dân bằng lối biểu đạt hết sức mộc mạc, tự nhiên. Tuy nhiên, sự hiểu biết của giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng đối với giá trị văn hóa người xưa để lại còn hạn chế. Do đó, Nói thơ Vân Tiên cần được bảo tồn, nhất là trong môi trường học đường.

Học sinh tìm hiểu các tác phẩm văn học Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ở hội thảo khoa học do ngành giáo dục tổ chức tại Ba Tri.

Học sinh tìm hiểu các tác phẩm văn học Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ở hội thảo khoa học do ngành giáo dục tổ chức tại Ba Tri.

Thực trạng trong nhà trường

Tên gọi thể loại Nói thơ Vân Tiên dựa trên truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên dài 2.082 câu thơ lục bát được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác vào khoảng đầu những năm 1850. Tác phẩm là bài ca ca ngợi đạo đức, nhân nghĩa, nhằm truyền bá những bài học về đạo làm người. Các nhân vật Vân Tiên, Nguyệt Nga, Hớn Minh, Tử Trực, Tiểu Đồng... là những con người hiếu thảo, trung nghĩa, thủy chung, chính trực, dũng cảm, yêu ghét rõ ràng; sống trong xã hội có người tốt, kẻ xấu luôn đấu tranh chống bất công, bằng tất cả dũng khí. Những giá trị sống mà Lục Vân Tiên chuyển tải không chỉ phù hợp với dân tộc Việt Nam mà còn phù hợp với nhiều dân tộc trên thế giới.

Trong công trình nghiên cứu Tìm hiểu dân ca Nam Bộ, nhóm tác giả Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Lê Anh Trung nhận định: “Nói thơ Nam Bộ có lẽ xuất xứ từ lối nói thơ trong Hát sắc bùa, lối Hô bài chòi, lối Nói phường quân... du nhập theo những đợt sóng di cư từ Trung Bộ vào phương Nam của đất nước”.

Trong quyển “Các hình thức diễn xướng dân gian ở Bến Tre”, cố tác giả Lư Hội - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh nhận định: “Nói thơ là hình thức âm nhạc gồm nhiều chu kỳ - tức là nhiều điệp khúc. Mỗi điệp khúc giống nhau về cơ bản, nhưng vì thanh điệu các câu thơ không trùng lặp nên có thể biến hóa nhiều chi tiết”. Lối Nói thơ Vân Tiên không sử dụng tiếng đệm lót, không giậm vào tiếng đưa hơi. Cấu trúc của hình thức diễn xướng dựa trên nhịp của câu thơ lục bát kết hợp cảm xúc và lối ngân của từng nghệ nhân.

Trong chương trình Ngữ văn cấp THCS, học sinh được tiếp cận với truyện thơ Lục Vân Tiên và tìm hiểu đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga. Trong chương trình THPT hiện hành, học sinh được học về tác giả Nguyễn Đình Chiểu và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Học sinh không được tìm hiểu loại hình diễn xướng Nói thơ Vân Tiên.

Nhận thức được giá trị của việc bảo tồn hình thức văn nghệ - Nói thơ Vân Tiên, năm 2018, Trường THPT Phan Liêm (Ba Tri) tiến hành Dự án Dạy học kết nối cuộc đời, sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu với Nói thơ Vân Tiên. Dự án này có sự hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn của cố nghệ nhân Lư Hội - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh.

Để phục vụ cho Dự án Dạy học kết nối với di sản, giáo viên Trường THPT Phan Liêm khảo sát 300 em học sinh khối 10 tại trường (phiếu khảo sát ngày 28-12-2018). Khi trả lời cho câu hỏi “Anh/chị có biết hoặc có được nghe giới thiệu về Nói thơ Vân Tiên?”. Câu trả lời “Không biết/ không được nghe giới thiệu” chiếm tỷ lệ 95% trong phiếu khảo sát. Cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Phan Liêm cho biết: Những con số thống kê trên mang tính cá nhân nhưng phần nào phản ánh sự am hiểu của giới trẻ đối với loại hình nói thơ. Kết quả này đã làm cho giáo viên trường trăn trở với tư cách là những người giảng dạy và góp phần truyền bá giá trị văn hóa, tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu tại nơi ông có 26 năm gắn bó.

Cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai mong muốn thông qua sợi dây kết nối là thầy cô giáo để Nói thơ Vân Tiên đến với học sinh không phải để các em trở thành nghệ nhân, hay chỉ biết nói thơ Vân Tiên mà ít ra khi rời ghế nhà trường, những giá trị tinh thần của người xưa thấm vào các em một cách tự nhiên nhất. Từ đó, các em thêm thấu hiểu, tự hào về một con người đã vượt qua cảnh ngộ sống, cuộc đời đầy trách nhiệm, đầy nghị lực và học tập không ngừng nghỉ. Không có một minh chứng nào về Nguyễn Đình Chiểu sống động hơn những đứa con tinh thần của ông đi vào lòng dân, “được đại chúng hóa, phổ cập hóa” và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Giải pháp bảo tồn

Hiện nay, phương pháp dạy học phổ biến nhất ở các trường là khi giảng dạy về truyện thơ Lục Vân Tiên, giáo viên chủ yếu hướng dẫn học sinh đọc sách giáo khoa, tìm hiểu thông tin về tác giả, tác phẩm. Quá trình tìm hiểu đoạn trích trong truyện thơ bắt đầu bằng việc đọc văn bản, xác định bố cục, tìm hiểu nội dung, nghệ thuật. Sau đó, học sinh ghi nhận bài học, học thuộc. Sứ mệnh của bài học về tác giả trong chương trình, về tác phẩm từng làm say đắm tâm hồn người Nam Bộ là kết thúc.

Dựa trên kinh nghiệm tổ chức của mình, cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai đề xuất kết hợp nói thơ với hoạt động trải nghiệm trong môn học. Để thay thế việc truyền thụ kiến thức thông thường, giáo viên có thể kết hợp lồng ghép qua hình thức trải nghiệm kết hợp nói thơ. Hoạt động này tiến hành qua các bước: Xây dựng kế hoạch, mời nghệ nhân truyền dạy, chọn không gian tổ chức, dự trù kinh phí, xây dựng chương trình tổng thể cho hoạt động, mời học sinh tham gia. Học sinh không đơn thuần chỉ học nói thơ mà còn được trải nghiệm các trò chơi tìm hiểu về tác giả Nguyễn Đình Chiểu, về truyện thơ Lục Vân Tiên. Theo cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai, đây là cách lồng ghép tự nhiên vừa có tác dụng giáo dục đạo đức, vừa truyền bá, giới thiệu văn hóa truyền thống đến học sinh.

Ngoài ra, theo cô Huỳnh Mai, các trường có thể thành lập Câu lạc bộ Nói thơ, khuyến khích các em tham gia như là một hình thức để phát triển năng khiếu, năng lực. Đây là hoạt động hoàn toàn tự nguyện dựa trên sự yêu thích và ý thức muốn góp phần giữ gìn giá trị truyền thống ở tuổi trẻ. Câu lạc bộ có tiêu chí hoạt động, lịch trình hoạt động dưới sự hỗ trợ của nghệ nhân, quản lý của giáo viên. Việc học sinh tham gia câu lạc bộ của các em cũng sẽ thuận lợi khi có công cụ hỗ trợ không biên giới là Internet. Qua phòng họp trực tuyến, học sinh được nghệ nhân hướng dẫn học nói thơ. Việc ghi âm, hỗ trợ chỉnh sửa kỹ thuật nói cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều trên một số ứng dụng bổ trợ.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 xây dựng nội dung giáo dục địa phương, gồm môn: Ngữ văn, Lịch sử, Âm nhạc, Mỹ thuật... Với nội dung giáo dục này, trường quan tâm nhiều hơn đến việc đưa các loại hình diễn xướng dân gian vào môn Âm nhạc như một giải pháp tích cực trong đổi mới giáo dục. Việc tổ chức dạy các loại hình diễn xướng dân gian như Nói thơ Vân Tiên - trong chương trình giáo dục địa phương mới sẽ mang ý nghĩa tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống trong đời sống văn hóa xã hội hiện đại.

“Bằng tất cả sự kính yêu, ngưỡng mộ một “người con quang vinh của dân tộc” vừa được UNESCO vinh danh, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc, thiết thực hơn việc giữ gìn văn hóa phi vật thể người xưa để mỗi bạn trẻ khi tròn 18 tuổi không chỉ mơ ước đến Nhật Bản, Hàn Quốc... mà còn mơ ước ngày trở về. Sẽ thật tuyệt vời nếu một ngày không xa đâu đó tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan hay nước Đức xa xôi, tiếng đàn cò vẫn vang lên trên đôi tay bạn trẻ Việt Nam cùng “Trước đèn xem truyện Tây minh/Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le…”. Trân quý cụ Đồ Chiểu, các cơ sở giáo dục hãy biến điều trăn trở thành hành động, đừng để Nói thơ Vân Tiên mai một”, cô Nguyễn Thị Huỳnh Mai bày tỏ.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN