Bến Tre chọn du lịch, dịch vụ làm khâu đột phá

10/07/2009 - 08:44
Du lịch sông nước. Ảnh: T. Long

Trước 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, sở, ngành hữu quan của tỉnh trình bày chi tiết điểm mạnh và hạn chế, quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Tín hiệu khá lạc quan là những năm gần đây, nhận thức của các ngành, cấp và toàn thể xã hội về vị trí, vai trò của du lịch được nâng lên.

Tổng mức đầu tư cho du lịch luôn tăng, bình quân 3,5 tỷ đồng/năm, trong đó chủ yếu nguồn vốn của doanh nghiệp. Chỉ tính từ năm 2001-2005 tổng mức đầu tư là 163,862 tỷ đồng, tăng 9,3 lần so 5 năm trước. Cơ sở vật chất đã được cải thiện đáng kể. Số lượng du khách  đến tham quan tăng, năm 2008 hơn 400 ngàn người, trong đó 40% là khách quốc tế. Doanh thu du lịch tăng bình quân 22,54%. Tuy nhiên, tỉnh đang đứng trước không ít trở ngại. Một số điểm du lịch  xe 50 chỗ chưa đến được, hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập…

Điểm nhấn của hội thảo là Ban tổ chức đã nghe nhiều ý kiến của các nhà đầu tư. Ông Phan Quang Dũng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản Phước Kiển cho biết, hiện công ty có 3 dự án đầu tư tại Bến Tre, quy mô gần 300 ha. Trước tiên, công ty triển khai xây dựng hạ tầng  dự án khu đô thị đại lộ Đông-Tây. Người dân trong vùng dự án được đền bù mức giá thỏa đáng, đảm bảo có nhà ở trong khu đô thị mới và mua đất ở vùng ven để canh tác. Ông Dũng nói: Chúng tôi đầu tư tại Bến Tre do hội tụ các yếu tố như nằm cách TP.HCM chưa tới 90 km và cận vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cầu Rạch Miễu đã hoàn thành, rồi cầu Hàm Luông và tương lai cầu Cổ Chiên đưa vào sử dụng, mở trục giao thông ven biển. Bến Tre còn là một vùng đất giàu tiềm năng hữu hình và vô hình. Còn ông Hồ Quang Minh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, khi đầu tư dự án, các doanh nghiệp thường “vướng” thủ tục hành chính. Một dự án liên quan nhiều ngành phải đi nhiều cửa, có dự án kéo dài 5 năm mới xong thủ tục hành chính. Tỉnh cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, sẵn sàng hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thành thủ tục hành chính, xem thành công của doanh nghiệp là niềm vui của bản thân và ngược lại. Các chính sách ưu đãi phải thể hiện sự đặc biệt để kích cầu đối với nhà đầu tư. Tỉnh tham gia cùng nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng, tốt nhất là giao đất sạch cho nhà đầu tư. Lao động và tranh chấp lao động cũng là trở ngại đối với doanh nghiệp. Địa phương và tổ chức công đoàn  thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tôn trọng thỏa ước cam kết, xảy ra tranh chấp giải quyết rõ ràng. Ông Minh nói: Tỉnh có chính sách tốt là góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp và doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng. Tôi mong Bến Tre rải nhiều lúa để bồ câu (doanh nghiệp-PV) đến đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư nêu ý kiến rằng Bến Tre phải đi vào khai thác nét đặc sắc du lịch sinh thái miệt vườn, tránh copy mô hình của các tỉnh, dễ nhàm chán và tự đánh mất mình. Quảng bá du lịch của tỉnh đang thiếu, tổ chức thêm hội thảo tại hai thành phố lớn, mời tổng lãnh sự, tham tán, thương vụ các nước và cử cán bộ ra nước ngoài xúc tiến kêu gọi đầu tư du lịch. Nguồn nhân lực cũng là yếu tố không kém phần quan trọng, cần thiết có chính sách ưu đãi để con em được vào trường lớp đào tạo về phục vụ địa phương. Phương tiện vận chuyển du khách trên sông nước đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Thanh Thủy-Trưởng bộ phận tư vấn tour của Công ty TNHH thương mại, tư vấn, du lịch văn hóa Việt trăn trở về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Ông nói: Có lần đưa tour đến Cái Mơn (Chợ Lách), khách đề nghị vào một vườn cây vừa tham quan vừa thưởng thức trái cây. Nhưng rất tiếc, đường chật hẹp, xe không vào được, còn đường thủy bố trí phương tiện không kịp. Không vào tham quan, du khách lẫn nhà vườn đều mất cơ hội…

Ông Nguyễn Quốc Bảo-Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Bến Tre kêu gọi nhà đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ hoàn toàn có cơ sở. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 50%, dịch vụ trên 30% còn lại là công nghiệp. Tỉnh cũng đã có chủ trương dành 1.500 ha đất cho công nghiệp, còn du lịch không hạn chế. Ông Bảo thừa nhận: 10 năm qua các điều kiện phục vụ du lịch chưa được đầu tư đúng mức, cơ hội nhiều nhưng nội lực tiếp cận còn hạn chế. Cả tỉnh hiện chỉ có 1 khách sạn 3 sao. Khi các bộ, ngành Trung ương đề xuất tổ chức sự kiện lớn tại tỉnh, địa phương vừa vui và vừa lo chỗ nghỉ. Tỉnh luôn lắng nghe đề xuất, góp ý của doanh nghiệp để vực dậy tiềm năng du lịch, dịch vụ. Trách nhiệm của tỉnh là hỗ trợ nhà đầu tư để các dự án triển khai đúng tiến độ,  không đánh mất thời cơ, xem thành công của doanh nghiệp như là thành công của mình.

Còn ông Nguyễn Thái Xây-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Bến Tre chọn du lịch, dịch vụ làm khâu đột phá phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới. Ông cũng cho rằng, Bến Tre hợp thành bởi ba dải cù lao và ba vùng sinh thái. Từng vùng sinh thái hình thành đặc thù riêng, rất thích hợp phát triển du lịch. Ông nói: Trong cải cách hành chính vẫn còn xảy ra tình trạng trên thoáng dưới chưa thông, sẽ sớm khắc phục và có trách nhiệm với nhà đầu tư. Các bạn muốn về Bến Tre đầu tư, tỉnh sẵn sàng cùng các bạn tháo gỡ khó khăn mà các bạn đặt ra.

Sau vài giờ bàn bạc, hội thảo đã khép lại. Sự sòng phẳng, thẳng thắn đã giúp cho Ban tổ chức và doanh nghiệp cảm thông, thấu hiểu nhau hơn. Điểm đích vẫn là Bến Tre đón nhận nhiều nhà đầu tư đến triển khai dự án, trên tinh thần đôi bên đều có lợi, như thông điệp mà lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã gởi đến doanh nghiệp tại hội thảo: “Chúng tôi rất vui khi các bạn đầu tư vào Bến Tre. Và nhân dân chúng tôi được lợi thông qua giải quyết việc làm, cải thiện cuộc sống, nộp thuế cho ngân sách địa phương”.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN