Bến Tre đề nghị xem xét việc thành lập Quỹ dữ liệu quốc gia

25/10/2024 - 17:04

BDK.VN - Chiều 24-10-2024, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự thảo Luật Dữ liệu.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) tham gia thảo luận tại Tổ 9 về dự thảo Luật Dữ liệu chiều 24-10-2024.

Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre đánh giá cao công tác chuẩn bị, tính nghiêm túc cũng như sự chuyên nghiệp của cơ quan soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội lần này. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu có một số góp ý.      

Vấn đề thứ nhất về sự cần thiết ban hành dự thảo Luật: Hiện nay, các nước đều đang quan tâm đặc biệt đến việc thu thập và làm chủ dữ liệu, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới. Như chúng ta được biết, việc ứng dụng Big Data, công nghệ AI và nhiều công nghệ khác đã tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm thủ tục hành chính... Do vậy, việc xây dựng Luật Dữ liệu mặc dù chậm nhưng hết sức cần thiết, cấp thiết để đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn hiện nay.

 Vấn đề thứ hai về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, có phương án xử lý để phân định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này với các luật khác có liên quan, đặc biệt là với Luật Giao dịch điện tử, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số và dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân... bảo đảm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh trùng lắp, chồng chéo, xung đột với các luật khác.

Vấn đề thứ ba về cách tiếp cận của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng dữ liệu là một trong ba trụ cột nền tảng để phát triển công nghiệp công nghệ số là dữ liệu, công nghệ và nguồn nhân lực. Do đó, quản lý và quản trị dữ liệu phải đảm bảo tổng hợp, toàn diện và xem tất cả các khâu từ thu thập, xây dựng, phát triển, bảo đảm an ninh an toàn và khai thác hiệu quả dữ liệu đều quan trọng như nhau. Tuy nhiên, cách tiếp cận để quản lý và quản trị như dự thảo Luật là chưa toàn diện, còn đặt nặng một số khâu và xem nhẹ một số khâu khác. Cụ thể, về phân loại dữ liệu; về phương thức quản lý dữ liệu; về kinh phí quản lý dữ liệu; về hợp tác quốc tế về dữ liệu.

Vấn đề về áp dụng Luật Dữ liệu (Điều 4), đại biểu thấy chưa phù hợp và mâu thuẫn với quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản vi phạm pháp luật..., do Luật Dữ liệu không quy định chi tiết nhưng lại không cho áp dụng dẫn chiếu theo các luật chuyên ngành. Vấn đề thứ năm về nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu (Điều 5), đại biểu đề nghị bổ sung thêm hai nguyên tắc quan trọng đó là: (1) nguyên tắc đồng bộ; (2) nguyên tắc kế thừa.

 Vấn đề thứ sáu về Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia, đại biểu đề nghị cân nhắc khi thành lập Quỹ này. Nguyên tắc là nhà nước đảm bảo ngân sách cho việc thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu và bảo quản dữ liệu, có thu phí khi khai thác dữ liệu này nhưng lại thành lập quỹ ở cấp quốc gia để phục vụ việc phát triển dữ liệu Quốc gia và nếu việc thu thập dữ liệu có chất lượng, việc khai thác các dịch vụ về dữ liệu sẽ mang lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước nên không nhất thiết phải thành lập quỹ này.

Vấn đề thứ bảy về các khái niệm, đại biểu cho rằng, có nhiều khái niệm ở các luật khác đã quy định cụ thể, rõ ràng rồi thì dự thảo luật này nên tiếp tục kế thừa. Đối với những khái niệm còn mới hoặc chưa được định nghĩa nên bổ sung giải thích như “phần mềm lớp giữa”, “ảo hóa”, hay một số giải thích từ ngữ còn chung chung, chưa rõ nghĩa, như: giải thích “siêu dữ liệu là dữ liệu phân tích chi tiết”, nên nhiều định nghĩa rất mơ hồ và nhiều cụm từ mang tính chuyên ngành chưa được định nghĩa. Vì vậy đại biểu đề nghị rà soát lại các khái niệm để dễ tiếp cận khi luật có hiệu lực.

Vấn đề thứ tám về các điều khoản chuyển tiếp, đại biểu thấy nhiều lĩnh vực chuyên ngành có dữ liệu phục vụ cho việc điều hành quản lý của ngành đó được quy định trong các luật khác nhau, đề nghị ban soạn thảo xem xét nếu áp dụng theo luật này thì có những ảnh hưởng gì đến hệ thống cơ sở dữ liệu này, nhất là đối với các loại dữ liệu được thu thập, xử lý để giúp ra quyết định theo thời gian thực như dữ liệu về tài nguyên nước, thủy lợi...

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN