|
Cán bộ, chiến sĩ thu gom bom mìn trên địa bàn huyện Thạnh Phú. Ảnh: Đặng Thạch |
Việc rà phá và thu gom bom mìn được Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh quan tâm hàng đầu. Không ngại hiểm nguy, gian khổ, những cán bộ, chiến sĩ công binh (Bộ CHQS tỉnh) đang ngày đêm dò tìm, xử lý bom mìn, vật liệu nổ rơi vãi sau chiến tranh, làm sạch mặt bằng, phục vụ cho phát triển kinh tế và dân sinh.
Bến Tre là một trong những tỉnh có số lượng bom mìn, vật nổ
còn sót lại sau chiến tranh nhiều nhất trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có bom, mìn,
vật nổ còn sót lại trong lòng đất. Trong đó tập trung ở các huyện: Châu Thành,
Giồng Trôm và TP. Bến Tre. Số bom mìn, vật nổ rất đa dạng về chủng loại, cỡ,
kiểu, do nhiều nước sản xuất phục vụ chiến tranh, mức độ nguy hiểm cao. Các
loại bom mìn, vật nổ thường nằm ở độ sâu từ 0,3m đến hơn 5m, trong đó các loại
bom bi thường ở độ sâu từ 0,3 - 0,7m, vì thế khi người dân lao động cày, cuốc,
làm các công trình xây dựng thường gặp phải. Đặc biệt, đối với trẻ em, nhận thức
còn hạn chế, khi nhặt phải và đùa nghịch gây nhiều tai nạn thương tâm. Năm
2014, các chiến sĩ công binh tỉnh đã thu gom hơn 2,5 tấn bom đạn các loại.
Có dịp tận mắt chứng kiến công việc “đặc biệt” của cán bộ,
chiến sĩ công binh, chúng tôi mới thấy hết những vất vả, hiểm nguy của họ. Mỗi
khi bước vào thực hiện nhiệm vụ dò gỡ, công tác an toàn được chỉ huy các cấp
đặc biệt quan tâm. Trung úy Lê Văn Thiệu - Trợ lý Ban Công binh (Bộ CHQS tỉnh)
cho biết: “Việc trước tiên là phải kiểm tra, trang bị bảo hộ an toàn, phương
tiện dò tìm, tập trung quán triệt những quy tắc, quy định an toàn của ngành.
Bên cạnh đó, chúng tôi động viên, nhắc nhở anh em phải hết sức cẩn trọng, tập
trung cao độ cho công việc”... Có những chủng loại đặc biệt nguy hiểm như: đầu
đạn M79, bom bi Blu-3B. Khi xử lý các loại này rất nguy hiểm, chỉ cần sơ suất,
một va chạm nhỏ hoặc làm thay đổi tư thế của nó cũng có thể gây mất an toàn
ngay, nên khi phát hiện, đòi hỏi người cán bộ phải có trình độ chuyên môn cao,
có cơ sở khoa học, xác định chính xác, tỉ mỉ phán đoán và có biện pháp xử lý
phù hợp với từng đặc điểm của từng chủng loại.
Xuất phát từ đặc thù
công việc, Trung tá Nguyễn Văn Phết - Trưởng Ban Công binh cho biết: “Dò gỡ,
thu gom bom mìn, vật nổ là công việc rất nguy hiểm, sẽ không cho phép rút kinh
nghiệm nếu để xảy ra sai sót, mất an toàn. Do vậy, đòi hỏi bộ đội phải được
huấn luyện thuần thục, sát thực tiễn. Hàng năm, Ban Công binh tỉnh đều tổ chức
huấn luyện chuyên sâu các nội dung về kỹ thuật rà, phá bom mìn, vật nổ cho từng
cá nhân. Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ được Bộ CHQS tỉnh giao, đơn vị đã lựa chọn
những cán bộ, chiến sĩ có trình độ chuyên môn cao, bản lĩnh vững vàng để đi làm
nhiệm vụ với tinh thần khẩn trương, hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối”.
Để đem lại hiệu quả cao trong công việc đặc biệt này bảo đảm
an toàn, tiết kiệm, những người lính công binh thuộc Bộ CHQS tỉnh Bến Tre phải
chịu nhiều vất vả, hiểm nguy khi làm nhiệm vụ, trong điều kiện phương tiện máy
móc phục vụ việc rà phá còn lạc hậu, thiếu thốn. Đặc biệt, những nơi vùng sâu,
vùng xa dân cư, đường vận chuyển hết sức khó khăn, điều kiện sinh hoạt thiếu
thốn đủ bề, song những cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm
vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người.