 |
Các tác giả chia sẻ kinh nghiệm trước khi trại sáng tác văn, thơ kết thúc. Ảnh: H.Thi |
Mảnh đất ba dải cù lao rợp mát bóng dừa luôn là tâm điểm thôi thúc giới văn nghệ sĩ tìm về để khơi nguồn cảm xúc, từ những người chưa từng đặt chân đến cho đến người đôi ba lần về. Nhà thơ Nguyễn Bình Phương – biên tập viên Tạp chí Văn học Quân đội - còn là một cây bút văn xuôi có hạng với 4 cuốn tiểu thuyết gây sự chú ý của độc giả: Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy, Ngồi, và anh là một trong những nhà thơ trẻ “khởi cuộc” khai phá những “miền đất mới” trong thơ đương đại Việt Nam cuối thế kỷ hai mươi. với 3 tập thơ: Lam chướng, Xa thân, Từ chết sang trời biếc… đã chia sẻ với phóng viên Báo Đồng Khởi:
- Hơn hai tuần hòa vào nhịp sống ở Bến Tre, tôi thấy cảnh đẹp, mà cảnh đó không phải do trời phú, nó do mồ hôi công sức của con người làm nên với sự bền bỉ, bất khuất. Đó chính là điều khiến tôi cảm phục và yêu quí Bến Tre. Phải thú thực là trước khi tới đây, tôi không nghĩ mình lại có nhiều thiện cảm đến thế về người và đất Bến Tre. Giờ thì Bến Tre có một chỗ không nhỏ trong tâm trí của tôi. Những ngày qua, tôi được một vài anh em ở Hội Văn học - Nghệ thuật của tỉnh đưa đi thăm một số nơi và tôi cứ ước giá như mình có chút dây mơ rễ má gì ở đây để có cớ thường xuyên quay lại thì tốt quá. Người Bến Tre sống chân tình, cởi mở và rất có cá tính. Tôi nghĩ, sống với nhau như thế có lẽ chẳng cần phải rào đón, đưa đẩy gì hết. Người Bến Tre đối với bạn bè hiền lành như con kênh vậy, chỉ luôn mang tới phù sa.
l Bến Tre là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, vậy đây có phải là một thuận lợi để các nhà văn, nhà thơ khơi nguồn cảm xúc?
- Tất nhiên rồi. Tới Bến Tre mà không viết được cái gì cho ra tấm ra món mới là lạ. Mảnh đất này thực sự màu mỡ cho những ai sáng tác văn học. Tôi nghĩ ngay cả một hòn đất nho nhỏ ở nơi này, nếu cúi xuống nhặt lên, áp tai vào mà nghe cũng sẽ thấy nó chứa bên trong biết bao nhiêu điều đáng phải suy nghĩ… Nhiều nhà văn, nhà thơ tham dự trại, sau khi đi thực tế ở một số nơi đã hăm hở bắt tay vào sáng tác những tác phẩm về con người và mảnh đất Bến Tre. Tôi đã đọc một số những tác phẩm đã hoàn thành, thấy rất có chất lượng. Một số khác, theo tôi được biết, thì còn ấp ủ cho mình những điều mà họ sẽ sáng tác và tôi tin rằng những sáng tác đó sẽ hay.
l Lần đầu tiên tổ chức trại sáng tác ở Bến Tre, theo anh có điểm gì khác biệt so với các trại sáng tác trước?
- Sự quan tâm chu đáo đến cảm kích của lãnh đạo Bến Tre và các anh em văn nghệ sĩ của tỉnh. Những anh ở Hội Văn học - Nghệ thuật như anh Hồ Trường, anh Kim Ba, anh Nguyên Tùng, anh Nguyễn Nhật Nam, Vũ Hồng, Phong Hân... hầu như ngày nào cũng có mặt, trò chuyện, giới thiệu, giải đáp cho các anh em dự trại những thông tin về lịch sử, địa lý, xã hội của tỉnh nhà. Nhìn chung thì các nhà văn, nhà thơ của Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre và các nhà văn, nhà thơ từ những tỉnh khác tới dự trại sáng tác chơi với nhau chan hòa, ấm áp, như anh em, bạn bè thân thiết. Tình cảm chân thành ấy không phải nơi nào cũng có và cũng không dễ gì phai nhòa được.