Vì sao xã Lương Hòa (Giồng Trôm) có biệt danh là “làng Môn-ca-da”? Tên gọi này có từ bao giờ?
Ông Mười Ẩn (Dương Văn Ẩn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh) cho biết xuất xứ của sự kiện này như sau:
Vào giữa tháng 5-1983, bà Men-ba, đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba, Chủ tịch Hội Cuba - Việt Nam đến Bến Tre. Cùng đi với bà Men-ba, có đồng chí Nguyễn Thị Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba và một số cán bộ ở Trung ương, trong đó có cán bộ công tác ở Ban Đối ngoại Trung ương.
Mục đích của chuyến về Bến Tre lần này là bà Men-ba muốn gặp lãnh đạo tỉnh Bến Tre để bàn chọn một nơi đặt tên “làng Môn-ca-da” nhân dịp Cuba tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày tấn công pháo đài Môn-ca-da, vì ở Cuba đã có tên “làng Bến Tre” rồi.
Tại Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre, lãnh đạo tỉnh tiếp và làm việc với khách hôm ấy có các đồng chí: Nguyễn Văn Trung - Bí thư Tỉnh ủy; Lê Minh Đào - Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Văn Phẩm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Văn Châu - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy; Nguyễn Nam Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Đoàn Văn Đức - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Văn Ẩn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kinh tế Tỉnh ủy…
Bà Men-ba cho biết: Cuộc tấn công pháo đài Môn-ca-da do Phi-đen Cax-tơ-rô trực tiếp lãnh đạo, bà Men-ba cũng là một chiến sĩ tham gia trận này. Tuy không tiêu diệt được căn cứ của địch, nhưng cuộc tiến công đã gây tiếng vang lớn, mở đầu phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ ở Cuba, tiến tới cách mạng thành công (1-1-1959)…
… Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến ngày 26-7, kỷ niệm 30 năm cuộc tiến công pháo đài Môn-ca-da. Sau đó, sẽ tổ chức kỷ niệm 25 năm Quốc khánh Cuba (1-1-1959 – 1-1-1984). Điểm đặc biệt của lịch sử là, sau khi cách mạng Cuba thành công hơn một năm thì Bến Tre nổ ra phong trào Đồng khởi (17-1-1960), mở đầu cao trào đánh đế quốc Mỹ vang dội ở miền Nam Việt Nam. Lúc đó, nhân dân Cuba phấn khởi lắm, nên chọn một làng đặt tên là “làng Bến Tre” để cổ vũ phong trào cách mạng. Nhân dân Cuba hình dung Bến Tre là nơi có nhiều tre, nên bứng tre trồng khắp làng. Sau này mới biết Bến Tre có nhiều dừa, nên bứng bớt tre trồng dừa nhiều hơn… Bà Men-ba nói chuyện bình thường, dung dị, nhưng qua câu chuyện gợi lên tình cảm và sự mến mộ thật sự của bạn đối với Bến Tre, đối với Việt Nam. Và, bạn yêu cầu chọn một làng ở Bến Tre để đặt tên “làng Môn-ca-da” là một yêu cầu bức xúc, có ý nghĩa văn hóa, lịch sử.
Đáp lại thịnh tình của bạn, các đồng chí lãnh đạo Bến Tre có mặt hôm ấy đồng tình nêu lên ba xã tiêu biểu để xét chọn, vì các xã còn lại ở Bến Tre không có xã nào giống ba xã này: Tân Xuân (Ba Tri) - nơi ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bến Tre; Định Thủy (Mỏ Cày) - nơi mở màn phong trào Đồng Khởi; Lương Hòa (Giồng Trôm) - nơi sinh nữ tướng Nguyễn Thị Định, nơi nổi tiếng đánh chìm nhiều tàu Mỹ.
Trên cơ sở phân tích của tập thể, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chốt lại, làm rõ đặc thù truyền thống, thành tích của từng xã qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Riêng xã Lương Hòa, thành lập Đảng sau Tân Xuân, nhưng khi có chi bộ Đảng thì phong trào phát triển nhanh, trong kháng chiến có nhiều thành tích. Đặc biệt, thời kỳ chống Mỹ, tuy bị giặc rải chất độc hóa học tàn phá nặng nề, nhưng lực lượng vũ trang vẫn bám dân, bám đất, kiên trì chiến đấu, nổi bật là chiến công đánh tàu Mỹ, có ngày tiêu diệt hàng chục chiếc, tạo nên huyền thoại “Bạch Đằng giang thời đại”. Đây cũng là nơi sinh “chị Ba Định” - nữ tướng đầu tiên của Việt Nam thời hiện đại… Sau hòa bình, Lương Hòa là một trong những xã khôi phục kinh tế nhanh, khôi phục giao thông nhanh… Chọn Lương Hòa đặt tên “làng Môn-ca-da” là xứng đáng.
Kết quả làm việc ở Tỉnh ủy giúp bà Men-ba có cơ sở điện về Cuba báo cáo, và Lương Hòa - “làng Môn-ca-da” tại Bến Tre, Việt Nam đã được chính thức công nhận nhân dịp Cuba tổ chức kỷ niệm 30 năm cuộc tấn công pháo đài Môn-ca-da.
Hơn 5 tháng sau đó, vào ngày 9-1-1984, lần đầu tiên “làng Môn-ca-da” tại Bến Tre tổ chức mít-tinh trọng thể kỷ niệm 25 năm Quốc khánh Cuba. Một cuộc mít-tinh chưa có tiền lệ, kéo dài từ 9 giờ đến gần 13 giờ. Ta và bạn đều “say sưa” nói, khiến đồng bào quên cả “đói” và “xế trưa”! Cho đến bây giờ, có người vẫn còn nhớ câu nói của đồng chí Trương Vĩnh Trọng tại cuộc mít-tinh: “Cuba ngày nay là Tây bán cầu ngày mai”! Lúc đó, đồng chí Trương Vĩnh Trọng là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trực tiếp làm Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm.
Chỉ còn trên 4 tháng nữa là đến ngày kỷ niệm 54 năm Quốc khánh Cuba. Nhắc lại tên “làng Môn-ca-da” để mọi người hiểu rõ hơn về một biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Cuba, một di sản văn hóa cần được trân trọng, bảo tồn và phát huy tích cực trong thời kỳ hội nhập và phát triển.