Bình Đại phát huy hiệu quả Đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản

25/08/2023 - 06:42

BDK - Thực hiện Đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản tỉnh đến năm 2030, đến nay, huyện Bình Đại đã cơ bản triển khai thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề án đề ra. Khai thác thủy sản của huyện được tập trung phát triển theo hướng xa bờ và duy trì hoạt động ổn định, giảm tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ và đội tàu lưới kéo, xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình liên kết tổ đội đánh bắt gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Đoàn tàu đánh bắt xa bờ của huyện Bình Đại vươn khơi khai thác hải sản.

Đoàn tàu đánh bắt xa bờ của huyện Bình Đại vươn khơi khai thác hải sản.

Xác định khai thác thủy sản là một trong những ngành quan trọng trong phát triển kinh tế biển, thời gian qua, huyện Bình Đại đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản tỉnh đến năm 2030 theo hướng khai thác thủy sản hiện đại đảm bảo an toàn, ổn định, bền vững, phù hợp với nguồn lợi tự nhiên gắn với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh, trên vùng biển theo phương châm “Lấy hiệu quả kinh tế làm động lực, không chỉ nhắm tới lợi ích trước mắt của cá nhân, của ngành, địa phương mà phải đặt trong mối quan hệ tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lâu dài” của huyện nói riêng và tỉnh nói chung, để nâng cao đời sống ngư dân.

Theo lộ trình chuyển đổi của đề án, huyện thực hiện giảm 150 phương tiện tàu đánh bắt để chuyển đổi sang các nghề thích hợp và chia thành 2 giai đoạn thực hiện, phấn đấu đến năm 2030 toàn huyện còn 1.044 tàu đánh bắt. Theo đó, giai đoạn 1, từ năm 2021 - 2025, không còn tàu không đăng ký và cắt giảm 60 phương tiện. Giai đoạn 2, từ năm 2026 - 2030 cắt giảm 70 phương tiện.

Qua thực hiện, đến nay, toàn huyện có 1.166 tàu đánh bắt, đã giảm 29 tàu so với trước thời điểm thực hiện đề án, trong đó có 580 tàu đánh bắt xa bờ. Hiện đội tàu khai thác xa bờ của huyện đã được tiếp cận và ứng dụng các loại máy móc, thiết bị cơ giới hóa trong đánh bắt như sử dụng máy dò ngang, máy thu lưới và được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo diện đủ điều kiện có chiều dài từ 15m đến dưới 24m trở lên. Đồng thời, thành lập được 38 tổ, đội liên kết khai thác thủy sản với 175 chủ tàu, có 500 tàu tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín. Tổng sản lượng khai thác trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 19.250 tấn thủy sản các loại.

Kết quả bước đầu đạt được của đề án, đã thúc đẩy nghề khai thác thủy sản trên địa bàn huyện phát triển mạnh, góp phần gia tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm và thủy sản địa phương trung bình mỗi năm khoảng 5%. 

Để phát triển ngành đánh bắt thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo mục tiêu kế hoạch đề án phân bổ theo lộ trình, Phó chủ tịch UBND huyện Võ Văn Quân cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chủ trương chuyển đổi nghề cho ngư dân; các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Cải hoán, nâng cấp tàu cá hoạt động khai thác xa bờ. Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi sang những nghề có thu nhập cao hơn. Áp dụng các chủ trương, chính sách về chế độ bảo hiểm y tế cho người lao động thuộc hộ ngư dân tham gia chuyển đổi nghề.

Ngoài ra, huyện cũng chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề trên cơ sở tổng hợp kết quả khảo sát nhu cầu chuyển đổi nghề của ngư dân theo lĩnh vực. Khuyến khích ngư dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi, trồng trọt. Tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, chuyển giao kỹ thuật cho ngư dân chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, huyện sẽ tạo điều kiện và có chính sách ưu tiên để ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN