Mô hình trồng màu giảm nghèo tại xã Thừa Đức.
Theo kế hoạch của UBND huyện Bình Đại, giai đoạn 2021 - 2025, huyện đầu tư trên 157,9 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững. Trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư hơn 68,7 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 8,9 tỷ đồng và các nguồn vốn huy động trong cộng đồng 80,250 tỷ đồng.
CTMTQG giảm nghèo bền vững với mục tiêu giảm dần tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất và nâng dần tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao mức sống, thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo chỉ tiêu thực hiện quy định tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới. Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng cho biết: Huyện chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo hàng năm với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế, tiềm năng, lợi thế từng địa phương, khu vực và từng nhóm đối tượng thụ hưởng. Thông qua các hoạt động, triển khai đồng bộ các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông, dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nhân rộng mô hình sinh kế, giảm nghèo hiệu quả, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức họp mặt đối thoại với người nghèo… Đồng thời, tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân các nội dung của CTMTQG giảm nghèo bền vững, nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, giúp người nghèo tiếp cận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và kịp thời rà soát, hỗ trợ, định hướng giảm nghèo đảm bảo phù hợp theo từng nhóm đối tượng hộ nghèo, hiện nay, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả nhất định. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã nhân rộng mô hình giảm nghèo đến các hộ nghèo, kết quả có 6 mô hình giảm nghèo được thực hiện với 53 hộ đăng ký tham gia, kinh phí 850 triệu đồng. Đến nay đã khảo sát 4 xã có 33 hộ tham gia với kinh phí 550 triệu đồng, tập trung chủ yếu là mô hình trồng trọt và chăn nuôi, giải quyết việc làm mới cho 1.787 lao động, tổ chức họp mặt đối thoại với 930 người nghèo, người cận nghèo tại 20 xã, thị trấn, đưa 58 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng 32 căn nhà tình thương, hiện đang xây dựng 10 căn và tiếp tục rà soát 120 hộ nghèo khó khăn về nhà ở báo cáo về tỉnh để tạo nguồn hỗ trợ mới và nhiều hoạt động thăm, tặng quà động viên hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống...
Theo Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng, thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình sinh kế, giảm nghèo hiệu quả, các mô hình thoát nghèo bền vững trên địa bàn, đẩy mạnh vận động nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên của người nghèo. Hướng dẫn thực hiện mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả, tăng cường vận động người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu việc làm thực tế, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, các đề án, dự án về phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể thực hiện giảm nghèo cho từng nhóm đối tượng thông qua các giải pháp hỗ trợ về vốn, tập huấn kiến thức sản xuất và lồng ghép các mục tiêu giảm nghèo với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu trung bình mỗi năm giảm nghèo từ 1% đến 1,5%.
Bài, ảnh: Thanh Hương