Bình Đại tập trung nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
16/09/2024 - 11:28
BDK - Thực hiện Kế hoạch số 14-KH/HU năm 2020 của Huyện ủy về phát triển kinh tế thủy sản theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm đến năm 2025, UBND huyện Bình Đại đã xây dựng kế hoạch phát triển 2.000ha vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn huyện, giai đoạn 2020 - 2025.
Thu hoạch tôm ứng dụng công nghệ cao ở xã Thạnh Phước (Bình Đại). Ảnh: CTV
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Mai, thời gian qua, huyện tập trung thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản. Dự án hạ tầng vùng nuôi thủy sản xã Định Trung với kinh phí 83,119 tỷ đồng như: nạo vét 5 tuyến kênh, xây dựng 4 tuyến đường, xây dựng 2 cống, hạ tầng điện đã đưa vào sử dụng. UBND tỉnh phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng CNC huyện Bình Đại tại Quyết định số 3161/QĐ-UBND với kinh phí 80 tỷ đồng, đang trong giai đoạn triển khai xây dựng 3 tuyến đường tại xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Bình Thắng. Khảo sát và đang thi công Trạm biến áp 110KV cấp điện cho vùng nuôi tôm CNC trên địa bàn huyện, tập trung tại các xã Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Bình Thắng, Thới Thuận.
Huyện cơ bản đảm bảo tiến độ thực hiện 2.000ha nuôi tôm biển ứng dụng CNC, diện tích nuôi đạt 1.737,07ha. Trong đó, Thạnh Trị 73ha; thị trấn 57ha; Thới Thuận 307ha; Thạnh Phước 429ha; Bình Thắng 98ha; Định Trung 186ha; Thừa Đức 234ha; Bình Thới 62ha; Đại Hòa Lộc 287ha. Tổng diện tích nuôi cuối năm 2023 là 18.241ha, diện tích nuôi tôm biển ứng dụng CNC lũy kế đến nay đạt 1.737,07/1.751ha, đạt 99,2% so với kế hoạch năm 2024; so với kế hoạch nhiệm kỳ 2.000ha, đạt 86,9% kế hoạch.
Theo đánh giá, mô hình nuôi tôm CNC có nhiều ưu điểm, hiệu quả, an toàn hơn so với mô hình nuôi tôm thâm canh ao đất truyền thống như: chủ động kiểm soát được môi trường, nguồn nước, sức khỏe tôm, dịch bệnh, mật độ tôm từng giai đoạn… Năm 2017 có 7 hộ nuôi ứng dụng CNC với diện tích 22ha, đến nay có 509 hộ nuôi với diện tích 1.737,07ha. Quy trình nuôi, từ nguồn nước đầu vào đến các chất thải ra được xử lý khép kín, vừa quản lý tốt mầm bệnh vừa đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năng suất đạt khoảng 50 - 60 tấn/ha/vụ. Lợi nhuận tăng từ 500 triệu đồng/ha đối với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng truyền thống lên 2 tỷ đồng/ha khi áp dụng mô hình nuôi ứng dụng CNC.
Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm biển ứng dụng CNC chưa đảm bảo trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng còn rất hạn chế, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kiểm soát dịch bệnh. Công tác triển khai nhân rộng mô hình gặp khó khăn như vốn đầu tư lớn; kỹ thuật cao; người nuôi còn e ngại về thị trường đầu ra. Một số địa phương chưa quan tâm đến việc củng cố, nâng chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trong khi đây là đầu mối quan trọng trung gian nhằm kết nối hộ sản xuất với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ, cung cấp đầu vào, đầu ra sản phẩm. Diện tích nuôi nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết dẫn đến hiệu quả nuôi còn thấp. Sản xuất theo tiêu chuẩn BAP, ASC, tôm sạch chưa nhiều. Việc thu hút các doanh nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến thủy sản tại huyện. Chưa hoàn toàn chủ động được nguồn giống đảm bảo chất lượng, chủ yếu nhập từ các tỉnh bên ngoài. Giá tôm xuất khẩu gần đây xuống thấp trong khi giá thức ăn, thuốc thủy sản phục vụ nuôi tăng cao phần nào ảnh hưởng đến thu nhập và phát triển mô hình.
Phó chủ tịch UBND huyện Huỳnh Văn Mai cho biết: Thời gian tới, huyện tập trung các giải pháp tổ chức lại sản xuất, phối hợp với các ngành và UBND các xã, thị trấn có liên quan tuyên truyền, vận động thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng CNC. Đầu tư cơ sở hạ tầng trong nuôi tôm CNC, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng địa phương triển khai nhanh dự án hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung trên địa bàn huyện. Phối hợp với Điện lực tỉnh ưu tiên đầu tư hệ thống điện 3 pha cho các vùng nuôi CNC tập trung. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai các chính sách cho vay vốn nuôi tôm công nghệ của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp sản xuất cung cấp đầu vào và doanh nghiệp chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm tôm.