Bình Đại triển khai chương trình hành động phát triển về hướng đông

10/05/2021 - 06:37

BDK - Bà Phạm Thị Thanh Vân - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Đại cho biết, Chương trình hành động phát triển Bình Đại về hướng Đông vừa được Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua. Chương trình cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Cảng cá Bình Thắng.

Cảng cá Bình Thắng.

Tiềm năng phát triển

Chiếm gần 1/2 diện tích bờ biển của toàn tỉnh, huyện Bình Đại có lợi thế lớn về phát triển nuôi và đánh bắt thủy sản. Vùng nuôi thủy sản của huyện khá tập trung, nhiều vùng nuôi còn giữ nguyên hệ sinh thái kết hợp với rừng ngập mặn, diện tích nuôi thủy sản hơn 18.000ha, trong đó, hiện nay nuôi tôm công nghệ cao đạt hơn 800ha. Đoàn tàu đánh bắt hiện có 1.195 tàu, trong đó, tàu đánh bắt xa bờ có 594 tàu. Cảng cá Bình Thắng hiện là cảng cấp khu vực với lượng tàu neo đậu, bốc dỡ hàng thủy sản ngày càng nhộn nhịp. Năm 2013 đánh dấu mốc quan trọng khi Bình Đại hoàn tất 10 cây cầu, tạo sự thông suốt đến xã biển Thới Thuận. Điện và nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh là hai vấn đề nan giải của huyện nhưng cũng được giải quyết với các trạm biến áp Giồng Trôm - Bình Đại...

Trên các lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo… hiện đã định hình như Khu công nghiệp Phú Thuận, Cụm công nghiệp Bình Thới, du lịch sinh thái kết hợp với rừng ngập mặn ở xã Thạnh Phước, Thừa Đức, du lịch homestay ở cồn Tam Hiệp, dự án điện gió, điện mặt trời… Tất cả là tiềm năng, lợi thế, động lực lớn để huyện mời gọi, thu hút đầu tư phát triển.

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho biết, chương trình là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy, thể hiện quyết tâm và sự đồng thuận, đồng lòng của Huyện ủy nhằm cải tạo, mở rộng không gian phát triển mới. Thúc đẩy, kết nối giữa huyện với tỉnh, giữa huyện với các huyện trong khu vực, là động lực tạo sự đột phá phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của huyện nhà. Khai thác hiệu quả kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là tầm nhìn chiến lược lâu dài nhằm tạo ra quỹ đất để huyện thu hút nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, để từ đó, nâng cao mức sống của người dân trong những giai đoạn tiếp theo ngang bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.

Các lĩnh vực ưu tiên

Huyện đã xác định một số ngành kinh tế biển chủ lực để đột phá gồm kinh tế thủy sản, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, năng lượng, du lịch biển và đô thị. Theo đó sẽ rà soát, điều chỉnh, quy hoạch lại vùng nuôi, hình thức và đối tượng nuôi phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ, với chế biến và xuất khẩu. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng theo hướng công nghệ cao, an toàn, ít rủi ro. Trong khai thác, tránh khai thác gần bờ với các hoạt động đánh bắt lạm sát nguồn lợi thủy sản, đánh bắt có chọn lọc với việc áp dụng công nghệ bảo quản phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ thủy sản. Trước mắt là mời gọi đầu tư vào Khu công nghiệp Phú Thuận và Cụm công nghiệp Bình Thới. Về thương mại - dịch vụ, ưu tiên mời gọi đầu tư các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và các chợ như Thừa Đức, Bình Thới, Châu Hưng, Lộc Thuận… Về năng lượng tái tạo, tiếp tục mời gọi đầu tư vào năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, hoàn chỉnh đầu tư lưới điện trung thế, hạ thế… nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời áp mái.

Về du lịch biển, tiếp tục mời gọi đầu tư với Đề án du lịch biển Thừa Đức, du lịch sinh thái, homestay gắn với du lịch tâm linh, di tích văn hóa - lịch sử. Về đô thị, tập trung phát triển toàn diện đô thị trung tâm và các đô thị ven biển, trọng tâm là đô thị Châu Hưng, Thới Thuận và thị trấn Bình Đại, phấn đấu trở thành thị xã Bình Đại vào năm 2030.

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện  Nguyễn Văn Dũng cho biết, hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển về hướng Đông của huyện. Trước mắt, huyện cần tạo sự đồng thuận của nhân dân để triển khai tuyến đường động lực ven biển giai đoạn I và các tuyến đường kết nối các huyện Giồng Trôm - Bình Đại - Mỏ Cày Nam, tuyến đường từ cảng Giao Long - Khu công nghiệp Phú Thuận, tuyến tránh thị trấn Bình Đại kết nối với xã Thừa Đức, Thạnh Phước và Thới Thuận. Đầu tư khép kín các tuyến đê biển còn lại, âu thuyền An Hóa, đầu tư hạ tầng thủy sản tập trung cho xã Định Trung và các xã tiểu vùng IV. Xúc tiến hoàn chỉnh lưới điện 3 huyện Ba Tri - Binh Đại - Thạnh Phú, các đường tải điện từ Trạm biến áp 110kV Bình Thới về Thừa Đức, Bình Thới - Phú Thuận.

Để đáp ứng sự phát triển bền vững, vấn đề nguồn nhân lực được huyện chú trọng, ưu tiên thu hút nguồn nhân lực có liên quan đến kinh tế biển, cán bộ quản lý, nghiên cứu về các ngành nghề đánh bắt và nuôi thủy sản, chế biến, năng lượng và du lịch.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN