Người dân thị trấn Tiệm Tôm (Ba Tri) nhận giấy khen nhân Ngày hội Biên phòng toàn dân năm 2023.
Đẩy mạnh tuyên truyền trong ngư dân
Theo Thượng tá Ngô Duy Bảo - Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 3.432 tàu cá thuộc diện đăng ký cấp giấy phép khai thác thủy sản, tàu có chiều dài 15m trở lên là 2.045 tàu, số tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 1.998 tàu, đạt tỷ lệ 97,7% (còn 47 tàu cá thuộc diện ngưng hoạt động theo khai báo của chủ tàu), hoạt động trên nhiều ngành nghề đa dạng (cào, lưới, chong, câu…).
Trong 5 năm qua, đã phát hiện 45 tàu/311 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ (chủ yếu là Malaysia, Indonesia, Thái Lan). Bên cạnh đó, tổ chuyên trách giám sát tàu cá thuộc BĐBP tỉnh đã phát hiện, ra thông báo, nhắc nhở đối với 181 trường hợp/142 tàu cá của 116 chủ phương tiện có hành vi khai thác thủy sản vượt đường phân định vùng biển Việt Nam ghi nhận bởi hệ thống thiết bị giám sát hành trình. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 21 trường hợp, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Đồng thời, đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 24 trường hợp, với tổng số tiền 20,15 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đã có chiều hướng giảm (chỉ tiếp nhận 1 trường hợp/2 tàu cá do Cảnh sát biển Việt Nam bàn giao).
Xuất phát từ tình hình tàu cá của tỉnh đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài còn diễn biến phức tạp, đơn vị đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo 689 tỉnh triển khai tuyên truyền chống khai thác IUU bằng hình thức gửi tin nhắn SMS. Thành lập 2 nhóm Zalo tuyên truyền cho ngư dân có 135 thành viên. Tuyên truyền trên đài truyền thanh địa phương, xây dựng 3 phóng sự tuyên truyền đặc biệt phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre. Tổ chức tuyên truyền cá biệt riêng lẻ đối với 85 chủ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, buộc viết cam kết không vi phạm.
Phối hợp với địa phương phân công 131 đảng viên phụ trách 93 chủ phương tiện có nguy cơ, nguy cơ cao khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài (riêng BĐBP phân công 11 đảng viên, phụ trách 22 chủ phương tiện). Việc phụ trách, gắn bó thường xuyên với ngư dân làm tăng cường thêm tình cảm gắn bó tự nhiên giữa cán bộ và ngư dân, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động tuyên truyền, để ngư dân góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hàng năm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã cùng UBND các huyện biên giới biển tổ chức tốt hội nghị đối thoại, gặp mặt ngư dân trên địa bàn của các huyện biên giới biển để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng cũng như khó khăn, vướng mắc của ngư dân, làm cơ sở để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như các cấp có liên quan hỗ trợ tháo gỡ, tạo đồng thuận trong nhân dân, nhất là trong phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị gỡ thẻ vàng của EC.
Để bảo vệ tốt địa bàn, chủ động phòng ngừa những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đơn vị đã chủ động làm tốt công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh và chính quyền các địa phương tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trên địa bàn biên giới biển về nghị quyết của Đảng các cấp, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, các chủ trương của địa phương...
Triển khai các mô hình kinh tế
“Xác định niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân không thể chỉ đến từ lời nói, mà phải gầy dựng bằng những hành động thật cụ thể, do đó ngoài việc được tuyên truyền, vận động, người dân các xã, thị trấn biên giới biển còn được hỗ trợ triển khai các mô hình kinh tế, phát triển đời sống. Đơn vị đã duy trì và thực hiện có hiệu quả 5 mô hình dân vận khéo gồm: “Tổ tàu thuyền an toàn Phước Thành 1”, “Tổ tư vấn hỗ trợ thuyền viên”, “Đội tàu thuyền xung kích tìm kiếm cứu hộ cứu nạn”, “Tổ hợp tác khai thác thủy sản không vi phạm vùng biển nước ngoài Tiến đoàn kết 2”, “Đội tàu thuyền xung kích phòng, chống vi phạm pháp luật trên biển””, Thượng tá Ngô Duy Bảo - Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho biết.
Theo Thượng tá Ngô Duy Bảo, trong thời gian tới, để thực hiện tốt việc tăng cường tuyên truyền đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, BĐBP tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp về công tác tuyên truyền đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về chủ quyền biển, đảo trong ngư dân. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức chính trị, hành động cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Kịp thời nắm bắt, xử lý và định hướng thông tin, phát hiện và ngăn chặn những thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch, nhất là các hoạt động chống phá trên không gian mạng về các vấn đề liên quan đến biển, đảo...
Tích cực tham gia phong trào thi đua “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, “BĐBP chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào thi đua “BĐBP tham gia phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
“Thời gian tới, BĐBP tỉnh tiếp tục chỉ đạo Lực lượng 47, cộng tác viên tăng cường phối hợp bám mạng xã hội. Đồng thời, thường xuyên phối hợp nắm bắt tình hình dư luận xã hội trên địa bàn, thông tin liên quan đến các vấn đề chủ quyền biển, đảo Việt Nam, đặc biệt là tình hình Biển Đông để kịp thời định hướng, phản bác, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên không gian mạng, với những hành vi lợi dụng Internet và các trang mạng xã hội nhằm xuyên tạc, kích động dư luận chống phá Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
(Thượng tá Ngô Duy Bảo - Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh)
|
Bài, ảnh: Phạm Tuyết