BDK.VN - Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 4-11-2024, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về các nội dung quan trọng. Tham gia thảo luận tại hội trường đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã có bài phát biểu về các khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội chiều 4-11-2024.
Trong phần tiếp thu, giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn bày tỏ “sự cảm ơn sâu sắc” vì trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, có khoảng 2/3 các ý kiến có đề cập đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với các mức độ, khía cạnh khác nhau.
Bộ trưởng xin tiếp thu và sẽ nghiên cứu kỹ tất cả các kiến nghị của đại biểu Quốc hội liên quan đến ngành. Bộ trưởng trả lời trực tiếp một số vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đề cập, trong đó có vấn đề mà đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đã nêu.
Bộ trưởng cho biết, vấn đề tháo gỡ “điểm nghẽn” đối với các trung tâm GDNN - GDTX có tổng cộng 6 đại biểu Quốc hội cùng đề cập, trong đó có ý kiến phân tích rất kỹ của đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi.
Bộ trưởng cảm ơn đại biểu Yến Nhi đã quan tâm dành thời gian tìm hiểu và phát biểu phân tích vấn đề này. Bộ trưởng thừa nhận vấn đề “điểm nghẽn” đối với các trung tâm GDNN - GDTX mà đại biểu Yến Nhi nêu là “vấn đề có thực”, hướng cho chúng ta quản lý tốt, nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của các trung tâm này trong bối cảnh đang rất quan tâm đến việc xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
Theo Bộ trưởng, cả nước hiện nay có 92 trung tâm do Sở GD&ĐT quản lý, 526 trung tâm do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quản lý hoặc do UBND cấp huyện quản lý, về mặt chủ thể quản lý hiện nay khá đa dạng.
Về quy định của pháp luật, có Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV của liên bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, GD&ĐT, Nội vụ hướng dẫn việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm GDNN - GDTX; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm GDNN - GDTX.
Đến năm 2019, Luật Giáo dục giao cho Bộ GD&ĐT quy định chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm này, do đó, Bộ đã có Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT ngày 6-1-2023 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDNN - GDTX làm căn cứ pháp lý quản lý hệ thống các trung tâm này.
Thừa nhận là có những điểm vướng giữa hai Thông tư số 39 và Thông tư số 01, Bộ trưởng hứa sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để sửa đổi Thông tư số 39. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đang đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21-9-2018 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, theo đó, sẽ nghiên cứu tham mưu, đề xuất cho Chính phủ xem các trung tâm GDNN - GDTX nên trực thuộc cơ quan quản lý nào là hợp lý nhất.
Bộ đang cân nhắc các phương án, nhưng nếu giao các trung tâm này về cho Sở GD&ĐT quản lý thì theo Bộ trưởng, “có lẽ là phù hợp hơn”. Đây là một vấn đề lớn, Bộ đang xây dựng kế hoạch và dự kiến cuối tháng 11 này sẽ tổ chức hội nghị mời giám đốc các trung tâm GDNN-GDTX cả nước về dự, trao đổi.
Về vấn đề thứ hai mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm là việc thực hiện phân luồng học sinh theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Qua thực tiễn cũng như qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có thể thấy học sinh đang phải đối mặt với áp lực rất lớn khi thi vào lớp 10 THPT do thực hiện việc phân luồng này.
Do đó, theo Bộ trưởng, cũng đã đến lúc cần đánh giá việc triển khai thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg để xem tỷ lệ phân luồng 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS và 40% sau THPT tham gia học tập ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mức độ còn phù hợp đến đâu.
Vì đây là cơ sở để các trường THPT ở các địa phương chuẩn bị trường, lớp. Trong khi các trung tâm GDNN-GDTX thì cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhiều nơi còn gặp khó khăn, không đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận số lượng học sinh sau tốt nghiệp THCS.
Bộ trưởng cũng cho rằng tỷ lệ phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông cần phải mềm dẻo hơn, thực tế hơn, phù hợp với những thay đổi lớn, xu hướng phát triển và đào tạo nguồn nhân lực trong nước và trên thế giới.
Theo số liệu thống kê trong 10 năm của UNESCO cho thấy rằng tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi từ 15 - 24 theo học các trình độ giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam có xu hướng tăng khá, từ 5,2% lên 9,2%, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xấp xỉ mức trung bình của các quốc gia châu Âu và Mỹ.
Trong khi số liệu thống kê từ năm 2021-2023 của Bộ GD&ĐT cho thấy số lượng người học đại học trong số người ở độ tuổi từ 18 - 22 tuổi ở Việt Nam mới chỉ đạt từ khoảng 27,9% - 30%, chỉ tương đương mức bình quân của các nước thu nhập trung bình, thấp hơn nhiều so với một số nước như: Thái Lan 34,8%; Singapore 54,9%; Đức 44,2%; Mỹ 46%, các nước thu nhập trung bình cao là gần 37%...
Như vậy, mô hình giáo dục nghề nghiệp tháp nhọn truyền thống với đáy là đào tạo sơ cấp, trung cấp đang dần dần không còn phù hợp, và mức độ đáy đang dần dần tiệm cận đến việc lấy trình độ đại học làm chuẩn. Do đó, chúng ta cũng phải tính toán lại ở tầm vĩ mô về cơ cấu và các quan điểm về giáo dục nghề nghiệp, cách tiếp cận của chúng ta về giáo dục đại học, về quan niệm giữa “thầy” và “thợ” trong đào tạo nhân lực chất lượng cao ngày càng tiệm cận với nhau, rất khó phân biệt được đâu là “thầy”, đâu là “thợ” trong đào tạo nhân lực cho các ngành công nghệ cao, mới nổi, công nghiệp mũi nhọn.