BDK.VN - Ngày 1-12-2024, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các ban ngành, đoàn thể tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Hội nghị có sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Lương Cường.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre có Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Huỳnh Quang Triệu, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê, các Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, Nguyễn Thị Bé Mười, cùng với lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương đến điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã trên toàn quốc.
Tại hội nghị, đại biểu đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về“Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; trình bày các chuyên đề “Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế” và “tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”.
Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng.Tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt trên 10% dự toán. Thu hút FDI là điểm sáng và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Trong 11 tháng, thu hút FDI đạt 31 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 7%, cao nhất trong nhiều năm qua.
Phát triển doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng tích cực. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kinh tế số, kinh tế xanh đóng vai trò ngày càng quan trọng.
Các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng. Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá. Công nghiệp phục hồitích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng. Dịch vụ phục hồi tốt; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, du lịch phát triển mạnh…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng cần tìm ra "liều thuốc" để quản lý cán bộ.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng: Việc cải cách mới thể chế phát triển, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ quan trọng không thể chậm trễ hơn nữa. Việc tinh gọn bộ máy không có nghĩa là cắt giảm cơ học mà là giảm vị trí không cần thiết, những bộ phận không hiệu quả. Đây là việc bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước.
“Cần tìm ra “liều thuốc” để quản lý cán bộ nhằm hạn chế tình trạng lười tư duy, lười sáng tạo, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Hơn bất cứ lúc nào cán bộ, đảng viên phải nỗ lực, sáng tạo, cống hiến để đất nước phát triển…”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được rất khả quan vẫn còn một số chỉ tiêu đáng suy nghĩ.
Để tháo gỡ những khó khăn cần giải pháp căn cơ về huy động vốn, ổn định lãi suất cho vay vốn; đồng bộ quy hoạch để phát triển không gian phát triển công nghiệp, du lịch với cảng biển, sân bay, đường cao tốc...