
Lao động tự do ở xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Ảnh: Thạch Thảo
Phóng viên Báo Đồng Khởi ghi nhận tình hình, một số ý kiến xung quanh việc chi hỗ trợ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13-8-2021 của UBND tỉnh quy định hỗ trợ người lao động (NLĐ) không có giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Một số trường hợp cụ thể
Anh Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1977, ngụ xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre cho biết: “Tôi là thợ hồ, là trụ cột kinh tế trong gia đình, có 1 con nhỏ đang đi học, qua 2 tháng giãn cách xã hội, gia đình không có thu nhập. Ngày 10-9-2021, tôi được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng, chúng tôi rất vui mừng vì có khoản tiền xoay sở cho các nhu cầu thiết yếu gia đình trong thời gian chờ người ta kêu đi làm”.
Bạn đọc Báo Đồng Khởi tên Đặng Hồng Đăng, sinh năm 1984, ngụ ấp Thạnh Bình, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri bày tỏ: “Tôi là thợ hàn, tôi có máy và tự làm ở nhà, không đi làm thuê cho chủ. Khi nghe thông tin về chính sách hỗ trợ lao động tự do, tôi có liên hệ làm hồ sơ nộp UBND xã Bảo Thuận nhưng UBND xã từ chối với lý do tôi không phải người đi làm thuê. Theo tôi, người tự làm như tôi thì còn khó khăn hơn người đi làm thuê, vì làm thuê ít nhiều có chủ lo hoặc được chính sách Nghị quyết số 68/NQ-CP hỗ trợ".
Trưởng Ấp 2B, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre Nguyễn Hảo Tâm co biết: Để xét duyệt hồ sơ NLĐ gửi về, ấp có thành lập hội đồng xét duyệt, với thành phần gồm Ban Chi ủy ấp, Chi hội trưởng các đoàn thể, đại diện ban cán sự các tổ nhân dân tự quản. Chúng tôi xét từng đơn, dựa vào hoàn cảnh, kinh tế, thu nhập từng trường hợp, sau cùng lấy ý kiến biểu quyết của hội đồng để duyệt đơn.
Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh (Ba Tri) Lê Văn Nhứt cho hay: Hiện xã đã chi hỗ trợ đợt 1 cho NLĐ. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ duyệt chủ yếu cho người làm thuê, còn đối tượng tự làm (ở 10 nhóm ngành nghề theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13-8-2021 của UBND tỉnh) thì không xét vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Theo cá nhân tôi, các trường hợp tự làm ở nông thôn chủ yếu là đi học nghề về tự mở tiệm, thời gian giãn cách người tự làm cũng mất hoàn toàn thu nhập và cần được hỗ trợ.
Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam) Ngô Thành Nhân nhấn mạnh: Xã vừa chi hỗ trợ cho 243 NLĐ tự do, trong đó, hơn 50% là đối tượng người làm thuê, còn lại là người tự làm như mua bán nhỏ, làm việc trong các lĩnh vực ăn uống, giải khát, làm tóc, vận chuyển, sửa xe… (tự làm một mình không thuê thêm nhân công).
Giám sát chi hỗ trợ
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mỏ Cày Nam Châu Văn Bảy cho biết: Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã lập đoàn giám sát việc thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh tại 4 xã. Sau khi giám sát 2 xã, nhận thấy đối tượng đăng ký hỗ trợ rất nhiều, việc tính thu nhập của NLĐ rất khó khăn (điều kiện được hỗ trợ căn cứ vào việc bị mất thu nhập hoặc có thu nhập nhưng mức thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo trong thời gian bị mất việc làm, cụ thể đối với khu vực nông thôn thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng; đối với khu vực thành thị thấp hơn 2 triệu đồng/tháng). Việc tổ chức họp bình xét hỗ trợ được giao cho xã quyết định, bỏ qua bước họp tổ nhân dân tự quản (do giãn cách xã hội), người dân không thể có ý kiến đóng góp vào việc quyết định đối tượng được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, mỗi xã lại có nhận thức riêng về đối tượng được hỗ trợ (chủ yếu là khó phân biệt mức độ thế nào là lao động tự làm và lao động làm thuê). Việc nhận thức khác nhau, không có quan điểm thống nhất dễ dẫn đến nơi xét gắt, nơi xét dễ, từ đó, có thể gây ra sự so bì, thậm chí bức xúc giữa các đối tượng lao động.
Đại diện Sở Tài chính nêu rõ: Về kinh phí thực hiện hỗ trợ cho lao động tự do, UBND các huyện, thành phố chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách 2 cấp (cấp huyện và cấp xã) và nguồn cải cách tiền lương còn dư để hỗ trợ cho các đối tượng. Trường hợp địa phương không đủ nguồn kinh phí thì gửi văn bản đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ (thông qua Sở Tài chính).
Giải đáp thắc mắc
Trước một số ý kiến thắc mắc của bạn đọc Báo Đồng Khởi về việc thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13-8-2021 của UBND tỉnh, ngày 18-9-2021, Văn phòng UBND tỉnh đã có văn bản trả lời như sau: Theo quan điểm, chủ trương của lãnh đạo tỉnh là chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đặt lên trước hết và trên hết; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho NLĐ bị mất việc làm, mất thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống của NLĐ.
Với quan điểm trên, ngày 13-8-2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND quy định hỗ trợ đối với NLĐ không có giao kết HĐLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bằng nguồn ngân sách của tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, các địa phương nhận thấy có những việc làm của NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng chưa được quy định trong Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh, từ đó các địa phương đã có những đề xuất, kiến nghị gửi đến các sở, ban, ngành tỉnh để xem xét bổ sung đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND. Sau khi nhận được tham mưu đề xuất từ các cơ quan chuyên môn, ngày 16-9-2021, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có Tờ trình số 508TTr/BCSĐ về việc thông qua đối tượng bổ sung hỗ trợ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trong đó những nội dung mà phóng viên Báo Đồng Khởi đề cập đã được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo quyết định.
Thạch Thảo (tổng hợp)