Cách giảm nghèo nhanh ở một huyện biển

21/09/2018 - 08:00

Thời gian qua, việc thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể huyện Thạnh Phú xem là nhiệm vụ chính trị gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cùng với ý chí khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo trong nhân dân thì đề án được xem là một “công cụ” tiếp sức kịp thời và khá toàn diện để tạo thuận lợi nhất cho người nghèo, cận nghèo nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Hỗ trợ thoát nghèo từ ngân hàng dê.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư tại địa phương góp phần giải quyết việc làm. Ảnh: Cẩm Trúc

Đồng bộ giải pháp thoát nghèo

Trên cơ sở Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, UBND huyện đã nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn. Đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng tích cực. Đại bộ phận đồng tình với chủ trương, thể hiện sự đồng thuận và thống nhất cao, tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu, phương hướng đề ra.

Qua kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đo lường đa chiều, cuối năm 2015, toàn huyện có gần 6.200 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 17% và có 2.007 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,5%. Về giải pháp hỗ trợ sinh kế, huyện phân theo từng đối tượng có nhu cầu riêng để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp. Theo đó, hỗ trợ thông qua các hoạt động tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, dạy nghề, vay vốn, hỗ trợ con giống… Riêng đối với hoạt động phi nông nghiệp, 6 tháng đầu năm 2018, huyện đã giải quyết việc làm cho hơn 2.700 lao động và giới thiệu 185 người tham gia xuất khẩu lao động.

Nhờ đó, chất lượng hoạt động giảm nghèo từng lúc được nâng lên theo hướng toàn diện, đời sống của người dân nói chung và người nghèo nói riêng  được cải thiện đáng kể. Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vay vốn ưu đãi và hướng dẫn cách làm ăn, lao động được đào tạo nghề miễn phí và giới thiệu việc làm, hàng chục ngàn lượt người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh, học sinh, sinh viên được vay vốn học tập. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Tính đến tháng 6-2018, toàn huyện có trên 4.300 hộ nghèo, tỷ lệ 11,8%, 1.844 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,06%, giảm trung bình 2,61%/năm, đạt và vượt theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra (chỉ tiêu nghị quyết 2%/năm).

Từ kết quả trên cho thấy, bài học kinh nghiệm của huyện là đảng ủy, UBND các xã, thị trấn cần tổ chức thực hiện tốt việc phân công cán bộ hỗ trợ trực tiếp hộ tham gia đề án, tổ chức họp mặt, đối thoại những hộ tham gia đề án nhằm kịp thời nắm được tâm tư, nguyện vọng của hộ để có hướng đề xuất, hỗ trợ. Trong quá trình thực hiện chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo tại địa phương, huyện chú trọng kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực trong và ngoài huyện để tăng cường các loại hình hoạt động trợ giúp thông qua các mô hình giảm nghèo nhằm giúp người nghèo tiếp cận với các loại hình sản xuất, con giống phù hợp với điều kiện địa phương.

Tăng cường tuyên truyền, tư vấn

Ông Nguyễn Ngọc Tân - Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết, hướng tới, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, cận nghèo tham gia đề án. Phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 2% trở lên.

Huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thực hiện tốt dự án phát triển sản xuất đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình năm 2018 và các năm tiếp theo từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để tạo được sự tăng trưởng cao và ổn định, tiếp tục tăng số lượng và cơ cấu vốn đầu tư chung cho cộng đồng để nâng cao đời sống của nhân dân nói chung và của hộ nghèo, cận nghèo tham gia đề án nói riêng.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập được chỉ đạo thường xuyên. Đặc biệt, huyện chú trọng tăng cường hoạt động đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn cách làm ăn và gắn kết tốt với việc cho vay, cung ứng đủ vốn cho người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, nhà ở... Hoạt động trợ giúp pháp lý trên cả 2 phương diện là đầu tư nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Mỹ An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN