Cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính

29/07/2022 - 06:02

BDK - Từ trước đến nay, theo nhiều người, hai khái niệm cải cách hành chính (CCHC) và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn được đánh đồng trong nhận thức. Thật ra, hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Trong 6 nội dung cơ bản của CCHC thì ở nội dung thứ hai là cải cách TTHC, ngoài ra còn có 5 nội dung khác nữa… Như vậy, về khái niệm, có thể nói cải cách TTHC là một tập hợp con của CCHC.

Cuộc thi Chủ tịch UBND cấp xã với công tác cải cách hành chính năm 2022 tại huyện Ba Tri.

Cuộc thi Chủ tịch UBND cấp xã với công tác cải cách hành chính năm 2022 tại huyện Ba Tri.

Cải cách hành chính

Từ nhiều năm nay, CCHC đã là một vấn đề mang tính tương đối phổ cập của xã hội Việt Nam. Người dân, tổ chức cảm nhận được kết quả, tác động của CCHC một cách trực tiếp nhất khi có việc phải tiếp xúc, giải quyết công việc với các cơ quan hành chính nhà nước.

Vậy CCHC là gì? CCHC là một chủ trương, công cuộc có tính đổi mới nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Nhà nước. CCHC là vấn đề diễn ra ở tất cả các quốc gia và được coi là yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là trọng tâm của công việc cải cách bộ máy nhà nước nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, thống nhất, có đủ quyền lực, năng lực để thực hiện đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ đắc lực cho nhân dân.

Nói đầy đủ thì phải gọi là CCHC nhà nước. Thêm từ nhà nước vào là để phân biệt với CCHC không chỉ diễn ra ở khu vực công, mà còn ở các tổ chức, cơ quan, nhất là doanh nghiệp (DN) tư nhân, tức là khu vực tư nhân. Yếu tố quản trị, hành chính trong các DN khu vực tư cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các DN và nếu không đổi mới, cải cách thì hoạt động của DN sẽ bị ảnh hưởng, hiệu quả thấp.

Như vậy, có thể hiểu: CCHC là một sự thay đổi có kế hoạch, theo một mục tiêu nhất định được xác định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm tạo ra những thay đổi trong các yếu tố cấu thành của nền hành chính, làm cho các cơ quan hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn.

Theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 ban hành kèm theo Nghị quyết số 76/NQ-CP thì nhiệm vụ của CCHC bao gồm 6 nội dung: cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.

Ngoài ra, còn một nội dung không kém phần quan trọng khi triển khai thực hiện công tác CCHC, đó là công tác chỉ đạo và điều hành. Chỉ đạo điều hành bao gồm: công tác triển khai quán triệt, lập kế hoạch; thông tin tuyên truyền; thanh tra kiểm tra; phân tích, đánh giá; báo cáo, thống kê… Công tác chỉ đạo điều hành sẽ được triển khai bao trùm trên cả 6 nội dung của CCHC.

Cải cách thủ tục hành chính

Theo khoản 1, Điều 3 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP  của Chính phủ, TTHC là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức. Thông qua TTHC, người dân có thể dễ dàng thực hiện được quyền của mình.

Một TTHC bao gồm các bộ phận tạo thành cơ bản sau: tên TTHC; trình tự thực hiện (bao gồm cả thời gian, địa điểm thực hiện TTHC); cách thức thực hiện; thành phần, số lượng hồ sơ; thời hạn giải quyết; đối tượng thực hiện TTHC; cơ quan giải quyết TTHC; kết quả thực hiện TTHC; phí, lệ phí (nếu có); tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (nếu có, đính kèm ngay sau TTHC); yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC (nếu có); căn cứ pháp lý của TTHC.

Một TTHC phải đảm bảo đủ các nội dung nêu trên. TTHC càng được quy định rõ ràng, cụ thể bao nhiêu sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân.

Như vậy có thể hiểu: Cải cách TTHC là cải cách các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền; cải cách các quy định về các loại TTHC; cải cách việc thực hiện các TTHC.

Ý nghĩa của cải cách TTHC, nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính; loại bỏ những rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân và DN.

Nội dung của cải cách TTHC bao gồm những vấn đề sau đây: Cơ chế một cửa và một cửa liên thông; kiểm soát TTHC; đánh giá tác động TTHC; rà soát, đánh giá TTHC; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị.

Cải cách TTHC là tiền đề để thực hiện các nội dung cải cách khác như: nâng cao chất lượng thể chế; nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm, nếp nghĩ của cán bộ, công chức; phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc của người dân, DN của bộ máy hành chính; thực hiện chính phủ điện tử…

Bài, ảnh: Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN