Cảm xúc kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển

01/11/2021 - 06:22

BDK.VN - Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2021) không chỉ là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn mà còn là những ký ức khó quên đối với các nhân chứng lịch sử, cũng như các thế hệ tiếp nối. Nhân dịp Hội thảo khoa học “Phát huy tinh thần tiên phong mở đường, mở bến đường Hồ Chí Minh trên biển, phát triển Bến Tre về hướng Đông”, nhiều đại biểu nhân chứng lịch sử, các thế hệ tiếp nối đã có những phút giây trải lòng về sự kiện này.

 

 

 

 Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức.

 Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức.

* Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Đức - nguyên Thuyền trưởng Tàu không số

Ông là một cán bộ tham gia từ ngày mở đường trinh sát từ Nam ra Bắc, cũng là thành viên của Đoàn 759, sau đó là Đoàn 125 Hải quân. Đi suốt cuộc hành trình trên Biển Đông cho đến miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước trên những con tàu “không số”, ông đã có 14 năm cùng đồng đội lăn lộn trên Biển Đông, trưởng thành từ thủy thủ đến cán bộ, chỉ huy.

Ông Nguyễn Văn Đức cho biết, trong bản thảo lịch sử “Đường Hồ Chí Minh trên biển” rút ra được 4 bài học quý giá, góp phần vào kho tàng lịch sử sáng tạo, độc đáo trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân ta. Đó là luôn xây dựng được lòng trung thành tuyệt đối và có phương châm, phương thức, hoạt động linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả. Bên cạnh đó, còn tích cực xây dựng lực lượng, chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, phát triển phương tiện, trang bị kỹ thuật phù hợp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của bạn bè quốc tế. Điều nữa là nêu cao vai trò của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, tuyệt đối giữ bí mật nhiệm vụ.

Ông nói thêm: “Theo tôi, cần đưa thêm bài học thứ 5 rất quan trọng là được sự ủng hộ, đùm bọc, che chở, giúp đỡ tận tình của đồng bào, đồng chí, kể cả sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ an toàn cho những chiếc tàu vào cất giấu vũ khí cho quân giải phóng ở các bến”.

Ông Đức kể: Khi tàu vào tất cả các bến đậu đều sống chung với dân và được dân che chở, chăm lo, luôn giữ bí mật, không có trường hợp nào rò rỉ bí mật từ dân. Cuối năm 1964, tàu 67 vào Bến Tre bị cạn cách gần bờ gần 10km không có cách nào ra được, lệnh chỉ huy Sở đưa hết hàng vào bờ để phá tàu. Các đồng chí chỉ huy bến huy động ghe xuồng của dân trong xã, hàng chục chiếc thuyền tải vào bờ 3 ngày liền. Hàng trăm người dân trong xã tham gia (cách đồn địch chưa tới 10km, cả tuần lễ không hay biết). Những việc lo toan của người dân đối với đoàn tàu không số đã chứng minh một chân lý “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đó là truyền thống ngàn đời chống ngoại xâm của dân tộc ta.

“Thông qua Lịch sử về đường Hồ Chí Minh trên biển để thế hệ kế thừa, nhất là thế hệ trẻ biết rằng, lớp trước của mình đã có những người anh dũng hy sinh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do đó, thế hệ kế thừa cố gắng làm sao mãi mãi giữ truyền thống này cho đất nước mình. Tôi cảm thấy rất vui vì hiện nay Bến Tre đã có nhiều phát triển, nhà cửa khang trang, đường xá rộng rãi; cán bộ được đào tạo có trình độ. Đây là lực lượng góp sức tích cực vào sự phát triển của tỉnh nhà”, ông Nguyễn Văn Đức nói.

* Đại úy Huỳnh Phước Hải - Thủy thủ đoàn 125 Quân chủng Hải quân, người đã tham gia 16 chuyến tàu đường Hồ Chí Minh trên biển

Đại úy Huỳnh Phước Hải.

Đại úy Huỳnh Phước Hải.

Ngay từ năm 1961, ông đã bắt đầu tham gia các chuyến tàu đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ Cồn Tra vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ. Lần lượt ông đã tham gia, với tổng 16 chuyến, trong đó có nhiều lần đưa vũ khí vào các bến Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Cần Giờ…

Ông chia sẻ: Trong số ấy, có rất nhiều chuyến gặp gian nan, bị địch bắn phá. Đáng nhớ nhất là chuyến tàu năm 1966, ở khu vực Cà Mau, phát hiện địch bao vây nên ta tìm cách quay trở vào. Phía trên có hơn chục chiếc máy bay tập trung pha đèn vào tàu của ta và nổ súng. Các đồng chí trên đoàn tàu đã chiến đấu oanh liệt và nhiều đồng chí hy sinh, chỉ còn lại 6 người và đều bị thương. Đặc biệt, đồng chí Phạm Hải Hồ bị bắn cụt chân ngang đầu gối (nhưng chưa lìa hẳn). Đồng chí đã bảo y tá chặt chân mình. Trong lúc y tá còn ngần ngại, đồng chí Hồ đã tự lấy dao chặt đứt luôn phần còn dính lại để tiếp tục chiến đấu. Sau khi qua được giai đoạn đó, đồng chí Hồ đã được kết nạp đảng tại chỗ vì đã quả cảm chiến đấu. Khi đến rừng đước Cà Mau, địch lại tiếp tục càn quét và bắt đồng chí Hoàng Thanh Loan - Thượng sĩ, lái tàu và chúng đã mổ bụng đồng chí, giết hại một cách dã man. Đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Về tham dự hội thảo nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, ông Hải đã xúc động chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui khi được gặp lại các đồng chí, đồng đội năm xưa và cũng bùi ngùi nhớ về các đồng chí đã hy sinh trên biển khơi và những con tàu bị địch phá hủy. Chúng tôi kỳ vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp tục theo những con đường cha anh đi trước - con đường yêu nước và sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, cố gắng học tập để mang tri thức đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.

* Anh Võ Tuấn Thông - Phó bí thư Tỉnh Đoàn

Về tham dự hội thảo anh Thông chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi được tham dự hội thảo khoa học kỷ niệm 60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển. Tại đây, tôi đã được nghe các ý kiến của các chú, các nhân chứng lịch sử tham gia trực tiếp hoạt động đường Hồ Chí Minh trên biển. Tôi cảm thấy rất tự hào với truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng của quê hương, của dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, trong tháng 10-2021, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng đã chỉ đạo hệ thống đoàn các cấp, từ tỉnh đến cơ sở tổ chức các hoạt động tuyên truyền, định hướng, giáo dục cho đoàn viên, thanh niên. Dịp này, chúng tôi cũng đã tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm tặng quà cho các chú, gia đình của các cựu binh tàu không số. Đặc biệt, chúng tôi cũng có đến viếng khu di tích A101. Đồng thời, trực tiếp đến thăm các cựu binh tham gia trong đoàn tàu không số năm xưa.

Anh Võ Tuấn Thông

Anh Võ Tuấn Thông

Anh Võ Tuấn Thông cho biết, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ chỉ đạo hệ thống Đoàn các cấp trong tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung. Cụ thể, tăng cường tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc, của quê hương Đồng Khởi anh hùng cho thanh thiếu nhi thông qua các sự kiện trọng đại, các ngày lễ của đất nước và của tỉnh. Để hình thành lý tưởng cách mạng, nâng cao ý thức chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng cho thế hệ trẻ. Qua đó, phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ còn tham gia giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử năm xưa để cổ vũ tinh thần đoàn kết, sáng tạo. Từ đó, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên, thúc đẩy thanh niên tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương trong thời gian tới. Thông qua việc xây dựng hình mẫu thanh niên Đồng Khởi mới, với các giá trị “Yêu nước - Bản lĩnh - Hiếu thảo - Tình nguyện” và hình mẫu thiếu nhi Bến Tre “Cháu ngoan Bác Hồ - Không ngại việc khó - Thi đua sáng tạo”, góp phần định hướng văn hóa ứng xử, xây dựng ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống trong thanh thiếu nhi. Hướng đến xây dựng thế hệ trẻ có tri thức, có trình độ chuyên môn cao, có khát vọng vươn xa; có khả năng thích nghi nhanh và làm chủ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại.

Tăng cường tổ chức các phong trào. Qua đó, nâng cao ý thức vì cộng đồng, tạo điều kiện để thanh thiếu nhi được trải nghiệm, cống hiến và trưởng thành. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn muốn gửi gắm đến các bạn đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên là cần tiếp tục ra sức thi đua học tập, rèn luyện, để cống hiến sức trẻ và tài năng, sở trường của mình phục vụ cho quê hương bằng những công trình, phần việc thanh niên thiết thực, hiệu quả, góp phần giữ gìn và tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử mà các thế hệ tiền bối đã để lại, góp phần xây dựng quê hương Bến Tre ngày càng phát triển.

Ánh Nguyệt (ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN