Cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã: công việc, công việc và công việc

12/04/2010 - 08:26

CBTP-HT cấp xã còn là người trực thuộc bộ phận một cửa, đảm nhận việc giải quyết hồ sơ hộ tịch, công chứng, chứng thực cho người dân. Công chức tư pháp cấp xã còn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan: Tòa án, Thanh tra, Công an, Thi hành án dân sự...thực hiện một số công việc như: tống đạt giấy triệu tập đương sự, xác minh lý lịch, phối hợp thẩm tra tài sản để tiến hành thi hành án.... Với những phần việc như trên, trong khi chỉ có một biên chế CBTP-HT cấp xã để đảm trách, liệu rằng có quá tải công việc hay không?

Thông tư liên tịch số 01, ngày 28-4-2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ quy định cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã, phường thị trấn gọi chung là cấp xã (CBTP-HT cấp xã) tham mưu giúp cho UBND cùng cấp tổ chức thực hiện 12 nhiệm vụ, quyền hạn gồm: ban hành, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, quyết định, chỉ thị về công tác tư pháp cấp xã; tổ chức, thực hiện việc tự kiểm tra các quyết định, chỉ thị do UBND cấp xã ban hành; rà soát văn bản pháp luật do HĐND, UBND cấp xã ban hành; tổ chức, thực hiện chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; hoạt động hòa giải; hộ tịch; chứng thực; phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành án dân sự...

Ông Trịnh Minh Chấn - Trưởng phòng Tư pháp thành phố Bến Tre cho biết: “Hiện nay, số đầu việc của CBTP-HT quá nhiều (hơn 12 đầu việc) trong khi đó, hầu hết các phường chỉ có một cán bộ, nên khó đảm đương và hoàn thành tốt công việc theo đúng thời gian quy định. Chẳng hạn như ở phường 2, là một phường trung tâm của thành phố Bến Tre, công tác công chứng, chứng thực đã quá tải. Theo bà Trần Thị Kim So - CBTP-HT của phường, hàng ngày có khoảng 70 đến 80 lượt người dân từ các phường khác đến đây yêu cầu chứng thực giấy tờ. Vào thời gian chuẩn bị diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi đại học và cao đẳng, số lượng người đến chứng thực còn đông hơn nữa. Công việc ở bộ phận một cửa gần như chiếm hết giờ hành chính, CBTP-HT không còn thời gian để thực hiện các công tác khác như: tuyên truyền phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, tổ chức hòa giải,... Trong khi đó, tuyên truyền phổ biến pháp luật và hoạt động hòa giải là hai nhiệm vụ khó, đòi hỏi người cán bộ vừa phải có trình độ kiến thức pháp luật, vừa phải có thời gian, phải đi cơ sở nắm tình hình sự việc cần hòa giải. Hiện nay, ở cấp xã, CBTP-HT thường phối hợp với các ban ngành đoàn thể địa phương tổ chức buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật cho người dân vào ban đêm, đi cơ sở nắm tình hình dân cư vào những ngày cuối tuần. Nhưng đây cũng là phương cách tạm thời, không mang tính hiệu quả lâu dài. Còn công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp xã ban hành, hầu như CBTP-HT thực hiện không nhiều và hiệu quả cũng chưa rõ rệt.

Điều 81 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: “Đối với những xã, phường, thị trấn có đông dân cư, số lượng công việc hộ tịch nhiều, thì phải có cán bộ chuyên trách làm công tác hộ tịch, không kiêm nhiệm các công tác tư pháp khác”. Tuy nhiên, ở tỉnh ta chỉ có xã An Thủy (Ba Tri) và xã Vĩnh Thành (Chợ Lách) là có hai biên chế chính thức ở mỗi xã, trong đó, một người phụ trách tư pháp, một người phụ trách hộ tịch. Hầu hết, các đơn vị tư pháp cấp xã khác, đều chỉ có một người đảm trách tư pháp - hộ tịch. Có một số xã nhờ cân đối được nguồn kinh phí địa phương, nên đã mạnh dạn ký hợp đồng ngoài biên chế để có thêm một cán bộ hỗ trợ công tác hộ tịch. Theo ông Bùi Quốc Khánh - Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Lách (Chợ Lách), đơn vị đã hợp đồng thêm người phụ trách hộ tịch vì công tác tư pháp ở địa phương rất nặng, một người không thể nào thực hiện hiệu quả được. Từ trước đến nay, xã luôn có hai cán bộ phụ trách tư pháp và hộ tịch. Anh Nguyễn Văn Tùng - cán bộ tư pháp thị trấn Chợ Lách nói, bố trí một người làm hộ tịch, tôi có thời gian chuyên tâm làm tốt mảng tư pháp. Nếu chỉ có một người, thì chất lượng công việc sẽ không được đảm bảo tốt như hiện nay. Ở Chợ Lách có 6 xã ký hợp đồng thêm một người phụ trách hộ tịch. Tuy cách làm này cũng tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc giảm bớt áp lực công việc của CBTP cấp xã, nhưng về lâu về dài sẽ phát sinh nhiều bất cập, đáng lo ngại. Thứ nhất, những người này thường không đạt chuẩn (không có bằng Trung cấp Luật trở lên), nên không đáp ứng trình độ chuyên môn để giải quyết công việc. Thứ hai, thời hạn hợp đồng thường rất ngắn, khoảng từ 6 tháng đến một năm, nên không tạo được sự yên tâm, gắn bó làm việc cho người cán bộ. Thứ ba, biến động đội ngũ cán bộ liên tục làm chậm quá trình giải quyết công việc. Trong khi đó, công tác hộ tịch tạo ra sản phẩm liên quan đến quyền nhân thân của công dân (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai tử,...) có giá trị lâu dài, thậm chí là suốt cuộc đời một người. Nếu trong quá trình thực hiện, có sai sót, mà không được phát hiện kịp thời, thì sẽ khó cho việc khắc phục sửa chữa những sai sót đó.

Quá tải công việc tư pháp cấp xã, cũng có nguyên nhân do người cán bộ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực. Hiện nay, số lượng công chức tư pháp cấp xã chưa đạt chuẩn còn cao. Đa số CBTP-HT là người làm việc lâu năm, có kinh nghiệm, chứ không phải là cán bộ đã qua đào tạo,  có trình độ, bằng cấp chuyên môn Luật, dẫn đến việc họ không đủ năng lực, trình độ thực hiện nhiệm vụ được giao, gây tồn động công việc. Ở thành phố Bến Tre, 9 đơn vị CBTP-HT có bằng Đại học Luật, 4 CBTP-HT có bằng Trung cấp Luật, còn lại 3 CB chưa đạt chuẩn. Ở Chợ Lách, những người ký hợp đồng phụ trách công tác hộ tịch, phần đông chưa có bằng Trung cấp Luật.

Được biết, trong quý II-2010, Sở Tư pháp sẽ phối hợp cùng Sở Nội vụ tiến hành rà soát nhiệm vụ, quyền hạn của tư pháp cấp xã; thực trạng đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, từ đó tiếp tục củng cố, kiện toàn tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức đội ngũ này. Đó cũng là một trong nhiều giải pháp làm cho công tác tư pháp cơ sở hoạt động mạnh hơn, góp phần thực hiện cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn.

Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN