Cần cân nhắc bổ sung thành phần phòng hóa vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

16/05/2025 - 08:18

BDK.VN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15-5-2025, Quốc hội thảo luận tại Tổ. Tham gia thảo luận tại Tổ, đại biểu Võ Văn Hội - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre, đã đóng góp ý kiến đối với Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đại biểu khẳng định rằng, việc Quốc hội thông qua dự thảo Luật sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng, là cơ sở để Việt Nam chủ động, tích cực và có trách nhiệm hơn trong việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đại biểu Võ Văn Hội - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận tại Tổ chiều ngày 15-5-2025.

Đại biểu cho rằng, thứ nhất tại khoản 11 Điều 3 về giải thích từ ngữ dự thảo Luật giải thích: “Trường hợp khẩn cấp là tình huống ngoại lệ, bất thường và nguy hiểm do thiên nhiên, con người gây ra, dịch bệnh lây lan trên diện rộng tại địa bàn vượt khả năng ứng phó của Liên hợp quốc, đe doạ gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ của cá nhân, vũ khí, trang bị kỹ thuật của lực lượng Việt Nam hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia - dân tộc và vị thế, uy tín Việt Nam”, đại biểu cho rằng cách diễn đạt này chưa thật sự hợp lý.

Bởi lẽ, thông thường, khi một sự cố, dịch bệnh hoặc thảm họa xảy ra và vượt quá khả năng ứng phó của quốc gia sở tại thì lúc đó mới cần đến sự hỗ trợ của Liên hợp quốc. Do đó, việc quy định rằng tình huống khẩn cấp là khi “vượt quá khả năng ứng phó của Liên hợp quốc” là chưa phù hợp với thực tiễn, vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại cụm từ này, thay bằng: “vượt quá khả năng ứng phó của quốc gia sở tại”, nhằm phản ánh đúng trình tự và bản chất của quá trình ứng phó với tình huống khẩn cấp quốc tế, đồng thời đảm bảo tính khả thi và hợp lý trong thực tiễn áp dụng.

Thứ hai, về vị trí, chức năng của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (Điều 5): Tại Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc là lực lượng được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, có chức năng kiến tạo, duy trì và bảo vệ hòa bình khu vực và trên thế giới nhằm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo ý kiến của đại biểu Võ Văn Hội, quy định như trên tuy đã thể hiện khá toàn diện vai trò và chức năng của lực lượng này, nhưng vẫn còn thiếu một nội dung quan trọng, đó là chức năng hỗ trợ nhân đạo. Trong thực tiễn hoạt động, ngoài nhiệm vụ duy trì và bảo vệ hòa bình, các lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc còn đảm nhận vai trò nhân đạo rất thiết thực như cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ y tế, giúp đỡ người dân tại các vùng xung đột, thiên tai.

Đây là một phần quan trọng, không thể tách rời trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình hiện đại. Vì vậy, để bảo đảm phản ánh đầy đủ, toàn diện và thực tiễn hơn chức năng của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “hỗ trợ nhân đạo” vào sau cụm “duy trì và bảo vệ hòa bình”. Cụ thể, đề xuất sửa lại như sau: “…… tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, có chức năng kiến tạo, duy trì, bảo vệ hòa bình và hỗ trợ nhân đạo tại khu vực và trên thế giới nhằm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam”.

Việc bổ sung này sẽ làm rõ hơn tính chất nhân đạo, nhân văn trong hoạt động gìn giữ hòa bình, phù hợp với định hướng đối ngoại của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Thứ ba, về hình thức và lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (Điều 6): Tại điểm b khoản 2 Điều 6 dự thảo Luật quy định: “Công binh, bộ binh, trinh sát, bảo vệ, vận tải, quân y, kiểm soát quân sự”, đại biểu cho rằng quy định như vậy còn chưa đầy đủ và đề nghị cần bổ sung thêm thành phần “phòng hóa” vào danh mục lực lượng này. Trong thực tiễn gìn giữ hòa bình, đặc biệt tại các khu vực có xung đột vũ trang, nguy cơ sử dụng vũ khí hóa học là hoàn toàn có thể xảy ra.

Lực lượng phòng hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ứng phó với các tình huống liên quan đến vũ khí hóa học, sinh học, cũng như xử lý ô nhiễm môi trường và hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, là những nhiệm vụ thiết yếu trong hoạt động gìn giữ hòa bình hiện đại. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung lực lượng “phòng hóa” vào danh sách nêu tại điểm b khoản 2 Điều 6, và sắp xếp lại thứ tự cho hợp lý như sau: “Công binh, bộ binh, trinh sát, bảo vệ, vận tải, quân y, phòng hóa, kiểm soát quân sự.”

Thứ tư, về quản lý nhà nưóc về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Điều 8): Tại khoản 2 và khoản 4 Điều 8 dự thảo Luật quy định: “2. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; 4. Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, đại biểu Võ Văn Hội nhận thấy nội dung giữa hai khoản này có tính chất tương đồng, cùng thể hiện vai trò điều hành thống nhất của Chính phủ cũng như việc phân công cụ thể trách nhiệm cho các cơ quan liên quan.

Do đó, để tránh trùng lặp, đồng thời tăng tính cô động, rõ ràng và dễ áp dụng trong văn bản luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hợp nhất hai khoản trên thành một khoản duy nhất. Cụ thể, có thể chỉnh sửa như sau: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và quy định chi tiết trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao.” Việc gộp hai khoản thành một sẽ bảo đảm tính logic, rút gọn cấu trúc văn bản mà vẫn đầy đủ nội dung, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo Luật.

 Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 8 dự thảo Luật quy định: “Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, đại biểu Võ Văn Hội cho rằng, quy định trên vẫn chưa làm rõ vai trò chủ chốt của Bộ Quốc phòng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Do đó, đề nghị bổ sung cụm từ “chủ trì” nhằm khẳng định rõ hơn vai trò nòng cốt, đầu mối của Bộ Quốc phòng trong toàn bộ quá trình triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình.

 Cụ thể, đề xuất sửa đổi như sau: “Bộ Quốc phòng chủ trì, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.”. Việc bổ sung này không chỉ bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể trong quy định của luật, mà còn phản ánh đúng thực tiễn hiện nay, khi Bộ Quốc phòng là cơ quan trực tiếp tổ chức lực lượng, huấn luyện, điều động và điều phối hoạt động tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả và kỷ luật trong quá trình triển khai nhiệm vụ quốc tế.

Thứ năm, về đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng; trang bị, trang phục của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Điều 15): Tại khoản 4 Điều 15 dự thảo Luật quy định: “Chính phủ quy định dấu hiệu nhận biết phương tiện của lực lượng Việt Nam tại địa bàn và giao các ban, bộ, ngành, địa phương quy định chương trình, thời gian đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và trang phục đối với lực lượng thuộc quyền”, đại biểu nhận thấy, quy định trên còn mang tính khái quát, phân tán thẩm quyền và chưa thể hiện rõ vai trò chủ trì, điều phối thống nhất giữa các cơ quan. Việc để nhiều cơ quan tự xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện dễ dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ, không bảo đảm tính thống nhất trong chuẩn bị lực lượng.

Trong khi đó, thực tiễn triển khai cho thấy lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam chủ yếu là quân nhân chuyên nghiệp, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn phức tạp như vùng xung đột, thảm họa, dịch bệnh  đòi hỏi tính chuyên nghiệp, kỷ luật và khả năng ứng phó cao. Do đó, rất cần một cơ quan đầu mối thống nhất để bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong công tác chuẩn bị lực lượng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi khoản 4 theo hướng giao Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì, tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng, ban hành thống nhất các nội dung liên quan đến đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và trang phục; các Bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp triển khai theo hướng dẫn và điều phối của Bộ Quốc phòng. Cụ thể, đề xuất sửa khoản 4 như sau: “Chính phủ quy định dấu hiệu nhận biết phương tiện của lực lượng Việt Nam tại địa bàn. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương quy định thống nhất về chương trình, thời gian đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và trang phục đối với lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.”.

Việc quy định rõ ràng như trên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chuẩn bị nhân lực, bảo đảm chất lượng chuyên môn và sự thống nhất khi Việt Nam triển khai lực lượng tại các phái bộ quốc tế.

Cuối cùng, về chỉ đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Điều 17): Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre đề nghị quy định rõ Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì, tham mưu cho Chính phủ trong công tác quản lý, chỉ đạo, chỉ huy và điều hành lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, phù hợp với thực tiễn khi lực lượng này chủ yếu là quân nhân chuyên nghiệp do Bộ Quốc phòng tổ chức và quản lý.

Việc giao Bộ Quốc phòng làm đầu mối sẽ bảo đảm tính thống nhất, kỷ luật và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường. Bên cạnh đó, đề nghị giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao trong công tác tuyển chọn, đánh giá và thẩm định nhân sự, bảo đảm ứng viên đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, phẩm chất, ngoại ngữ, sức khỏe và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Các bộ, ngành có thể đề xuất nhân sự theo lĩnh vực chuyên môn, nhưng việc tuyển chọn cần được thực hiện theo quy trình thống nhất giữa hai cơ quan chủ chốt là Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.

Tin, ảnh: Kim Ngân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN