Cần cân nhắc việc quy định thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án

21/05/2025 - 11:27

BDK.VN - Tiếp tục chương trình Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 20-5-2025, Quốc hội thảo luận tại Tổ. Tham gia thảo luận tại Tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre có ý kiến về các nội dung: (1) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; (2) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; (3) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bến Tre phát biểu tại buổi thảo luận Tổ.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự: Đại biểu cơ bản đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Ngay từ khi xây dựng chương trình kỳ họp thứ 9 lần này, dự kiến ban đầu là Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về việc sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến từ các cơ quan, cũng như qua quá trình thẩm tra, nhận thấy vẫn còn nhiều nội dung cần được tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa vào sửa đổi một cách toàn diện.

Vì vậy, lần này, Quốc hội chỉ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, với phạm vi điều chỉnh tương đối giới hạn. Tuy nhiên, đại biểu vẫn rất kỳ vọng rằng trong thời gian tới, chúng ta sẽ có một đợt sửa đổi toàn diện hơn. Bởi thực tế áp dụng pháp luật hình sự hiện hành cho thấy các cơ quan thực thi pháp luật vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số quy định còn là điểm nghẽn, cần được tháo gỡ thông qua sửa đổi toàn diện.

Trong lần sửa đổi lần này, nội dung chủ yếu tập trung vào một số điểm như: bổ sung quy định hình phạt tù chung thân không xét giảm án, nâng mức hình phạt tù và hình phạt tiền đối với một số tội danh cụ thể, bổ sung tội sử dụng trái pháp chất ma túy.

Đại biểu đã tham gia góp ý vào các quy định cụ thể.

Thứ nhất, liên quan đến việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Theo dự thảo, trong tổng số 18 tội danh hiện đang quy định mức hình phạt tử hình, có 8 tội danh được đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Mười tội danh còn lại vẫn giữ hình phạt tử hình, nhưng có bổ sung thêm hình phạt tù chung thân không xét giảm án vào khung hình phạt.

Đại biểu đồng tình với lý do được nêu trong Tờ trình. Tuy nhiên, đối với 8 tội danh được thay thế từ tử hình xuống tù chung thân không xét giảm án, đại biểu đề nghị cần cân nhắc thêm. Đây đều là những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có hậu quả lớn, được xã hội và cử tri đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, việc loại bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ, những hành vi được coi là đặc biệt nguy hiểm, có thể làm giảm tính răn đe và chưa thực sự tạo được sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

Tương tự, tội vận chuyển trái phép chất ma túy cũng là một loại tội phạm cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhiều người và tương lai của cả thế hệ sau. Việc thay thế hình phạt tử hình trong trường hợp này cũng cần được đánh giá một cách cẩn trọng.

Đối với 10 tội danh còn lại, tuy vẫn giữ hình phạt tử hình nhưng bổ sung thêm hình phạt tù chung thân không xét giảm án có thể tạo ra cơ hội chuyển khung hình phạt trong quá trình xét xử. Các tội này bao gồm: khủng bố, chống loài người, phản bội tổ quốc, bạo loạn, giết người, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, sản xuất và mua bán trái phép chất ma túy… Đây đều là các tội đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia, sức khỏe, tính mạng của con người.

Về bản chất, hình phạt “tù chung thân không xét giảm án” được quy định tại Điều 39a của dự thảo luật là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm án. Tuy nhiên, vẫn mở ra các trường hợp ngoại lệ như đại xá, ân giảm hoặc áp dụng luật đặc xá. Trong những trường hợp đó, người bị kết án vẫn có thể được giảm xuống tù chung thân và sau đó tiếp tục được xét giảm án nếu đã chấp hành án đủ 30 năm. Như vậy, hình phạt “không xét giảm án” không hoàn toàn mang tính tuyệt đối, điều này có thể làm giảm tác dụng răn đe.

Vì lý do trên, đại biểu đề nghị thay vì loại bỏ hình phạt tử hình với 8/18 tội danh nêu trên, Ban soạn thảo nên bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, nhưng vẫn giữ hình phạt tử hình để đảm bảo tính răn đe cao nhất. Đây cũng là cách để tạo hiệu ứng ngăn ngừa hành vi phạm tội từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội, vì người phạm biết rằng pháp luật có quy định xử lý rất nghiêm khắc.

Thứ hai, dự thảo Luật lần này đã bổ sung lại tội “sử dụng trái phép chất ma túy”. Thực tế, tội này từng được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999, nhưng sau đó đã bị bãi bỏ trong một lần sửa đổi với quan điểm xem người sử dụng ma túy là “người bệnh” cần được chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên, từ thực tế công tác phòng chống ma túy, quan điểm này bộc lộ nhiều bất cập. Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đã và đang trở thành một hiện tượng xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, nòi giống, an ninh trật tự và sự an toàn của cộng đồng. Do đó, đại biểu hoàn toàn đồng tình với việc khôi phục lại tội danh này.

Thứ ba, về việc nâng mức hình phạt tù và hình phạt tiền đối với một số tội danh: Dự thảo luật lần này cũng đã điều chỉnh tăng mức hình phạt nhằm tăng cường tính răn đe, trong đó có các tội liên quan đến môi trường, sản xuất buôn bán hàng giả (đặc biệt hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh), tội phạm về ma túy và tội phạm tham nhũng. Đây là những loại tội phạm gây ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống Nhân dân và trật tự xã hội, do đó việc nâng cao hình phạt là cần thiết và hoàn toàn ủng hộ.

Trong bối cảnh hiện nay, đại biểu hoàn toàn đồng tình với các nội dung sửa đổi, bổ sung được đưa ra trong dự thảo luật, đặc biệt là những quy định nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, riêng đối với quy định thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án, đại biểu bày tỏ quan điểm không đồng tình. Mặc dù quy định này được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc nhân đạo, nhưng chúng ta cần hiểu rằng, nhân đạo với một người phạm tội không thể đánh đổi bằng sự an toàn và ổn định của cả xã hội. Việc bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự bình yên của cộng đồng - đó cũng chính là một biểu hiện cao nhất của tính nhân đạo.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự: Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bến Tre thống nhất với việc sửa đổi và bổ sung, xuất phát từ hai yêu cầu thực tiễn là việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước và từ thực tiễn phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật, đặc biệt là liên quan đến việc áp dụng hình phạt tử hình cũng như hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với các bị can đang bỏ trốn hoặc bị vắng mặt.

Bên cạnh đó, đại biểu có một số ý kiến cụ thể.

Thứ nhất, về quy định tại điểm a khoản 6 Điều 1 của dự thảo Luật: Điểm này sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 110 của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, trong đó quy định một số chức danh có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp khi đang thi hành công vụ. Tuy nhiên, đối chiếu với khoản 3 Điều 1 của dự thảo (sửa đổi khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự), quy định giao cho một số chức danh được phép tiến hành một số hoạt động điều tra. Điều đáng lưu ý là trong số những người được giao tiến hành điều tra này, lại có những chức danh không được trao thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại quy định này nhằm đảm bảo tính thống nhất và phù hợp giữa các quy định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những người được giao tiến hành hoạt động điều tra có thể thực hiện đầy đủ các biện pháp tố tụng cần thiết, trong đó có quyền ra lệnh giữ người khẩn cấp, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ hai, về quy định tại khoản 25 Điều 1 của dự thảo. Quy định này sửa đổi Điều 268 của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, trong đó xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án quân sự cấp quân khu đối với một số vụ án hình sự đặc biệt. Tuy nhiên, cụm từ “cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở chính quyền địa phương” có phạm vi quá hẹp. Cách hiểu này chỉ bao gồm các cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống hành chính nhà nước, mà không bao hàm các cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần sửa đổi lại cụm từ này thành “cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương”, cách diễn đạt này có phạm vi khái quát hơn, đầy đủ hơn và bao trùm cả hệ thống chính trị, đảm bảo phù hợp với thực tế tổ chức bộ máy nhà nước cũng như thẩm quyền xét xử.

                                                                   Tin, ảnh: Kim Ngân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN