Cần chuyển biến tích cực về chất trong công tác phòng cháy, chữa cháy

12/09/2022 - 17:26

BDK.VN - Ngày 12-9-2022, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Đại  biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bến Tre.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị, cùng với sự tham dự của các bộ ngành Trung ương và các điểm cầu trực tuyến 63 tỉnh thành cả nước. Tại Bến Tre, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cùng lãnh đạo Công an tỉnh, các sở ngành tham dự.

Nhấn mạnh tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: “Cần có sự chuyển biến tích cực về chất trong công tác PCCC và CNCH trên phạm vi toàn quốc”. Đồng thời Thủ tướng cũng cũng phê bình và đề nghị thủ trưởng các đơn vị, bộ ngành, địa phương cần xác định trách nhiệm, chấn chỉnh công tác chỉ đạo về PCCC, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật nghiêm minh. Ngăn chặn và chấm dứt tình trạng chết người, hậu quả dẫn đến chết người do nguyên nhân chủ quan từ các vụ việc cháy nổ. Nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân trong công tác phòng chống cháy nổ. Tiến hành tổng kiểm tra toàn quốc về công tác PCCC.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi  lời chia sẻ sâu sắc đối với gia đình, thân nhân người bị nạn, những người đang phải điều trị, những người mang thương tật từ hậu quả các vụ cháy, nổ. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan, địa phương có trách nhiệm tổ chức thăm hỏi, chia sẻ, động viên tinh thần, vật chất phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, chia sẻ với các gia đình bị nạn.

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Công an, trong 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, 149 vụ nổ, thiệt hại do cháy gây ra làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính trên 7 ngàn tỷ đồng và 7.548ha rừng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 532 tỷ đồng và 39ha rừng. Các vụ cháy, nổ chủ yếu xảy ra ở khu vực thành thị (chiếm 60,37%), các trường hợp cháy nhà dân (chiếm 34,59%), cháy cơ sở (chiếm 31,84%). Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, chiếm trên 45% tổng số vụ.

Thời gian qua, lực lượng PCCC được xây dựng và củng cố với trên 80 ngàn đội dân phòng, trên 325 ngàn đội PCCC cơ sở (95,35%), 460 đội PCCC chuyên ngành, cùng với lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH được huấn luyện nghiệp vụ tinh nhuệ. Tổng kinh phí đầu tư cho công tác PCCC và CNCH trên 9,6 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 1,5 lần so với giai đoạn trước đó.

Các lực lượng, đơn vị, cơ quan, tổ chức đã xây dựng, tổ chức thực tập nhiều phương án chữa cháy, CNCH, tổ chức thực tập, diễn tập thường xuyên. Đồng thời triển khai kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại cơ sở, phát hiện thiếu sót, xử phạt nhiều trường hợp, hướng dẫn khắc phục hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH được triển khai đến cơ sở bằng nhiều hình thức.

Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy nhận thức, ý thức, thói quen PCCC của người dân, các cơ quan, đơn vị còn có những hạn chế, kỹ năng xử lý, ứng phó với sự cố còn chưa cao, việc thực thi các quy định của pháp luật của Nhà nước về PCCC và CNCH còn bất cập, thiếu chặt chẽ. Những vụ việc nghiêm trọng về cháy, nổ xảy ra thời gian gần đây là sự cảnh báo, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới trong công tác PCCC, ứng phó với các sự cố tai nạn để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trước hết, trên hết.

Tin, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN