Cần có cơ chế hỗ trợ để sớm triển khai Dự án Tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long

01/06/2023 - 17:45

BDK.VN - Chiều 1-6-2023, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về: (1) Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; (2) Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; (3) Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022; (4) Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại Hội trường chiều ngày 1-6-2023.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại Hội trường chiều ngày 1-6-2023.

Tham gia thảo luận tại hội trường, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn quan tâm 3 nội dung: Điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và điều hành ngân sách.

Về điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn, đại biểu tán thành nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách và cho rằng việc điều chỉnh lần này Chính phủ đã tập hợp danh mục các công trình, dự án và phụ lục kèm theo trình Quốc hội rất đầy đủ, phù hợp với đề xuất của các địa phương. Đặc biệt, đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có một công trình mà các tỉnh, thành phố trong khu vực thời gian qua đang theo đuổi và rất mong muốn sớm được triển khai là Dự án tuyến đường ven biển kết nối 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL; qua nghiên cứu các văn bản về điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn lần này, đại biểu thấy Chính phủ đã bố trí nguồn vốn chưa bố trí cho 16 dự án khu vực ĐBSCL. Đại biểu cảm ơn Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã hỗ trợ rất nhiều cho các tỉnh trong việc tiếp cận các nguồn vốn, nghiên cứu các đề xuất để có thể thực hiện dự án này.

Đại biểu bày tỏ tin tưởng rằng tuyến đường bộ ven biển với chiều dài hơn 700km về tới Kiên Giang nếu được thực hiện đồng bộ, quyết liệt cùng với các tuyến đường cao tốc trong khu vực mà Chính phủ đang tập trung triển khai, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực ĐBSCL cất cánh. Để triển khai thực hiện tuyến đường này, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tháo gỡ một số điểm nghẽn, cho phép thực hiện một số cơ chế hỗ trợ như: Cơ chế cho vay lại đối với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, theo tỷ lệ 90-10 (90% vốn cấp phát và 10% các tỉnh vay lại); đối với các hạng mục liên tỉnh (như các cầu lớn nối liền hai tỉnh Bến Tre - Tiền Giang, Bến Tre - Trà Vinh), đề xuất Chính phủ cho tiếp cận vốn theo hướng Chính phủ cấp phát vốn vay 100% (có thể giao Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư) hoặc giao cho UBND một tỉnh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm chủ đầu tư để thực hiện; đối với các nhà tài trợ thì 13 tỉnh ĐBSCL tiếp cận 6 nhóm nhà tài trợ khác nhau, đề nghị trung ương giao cho một bộ chủ trì làm đầu mối, cùng với 13 tỉnh đàm phán vấn đề này để đảm bảo thực hiện cho đồng bộ.

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu cảm ơn Quốc hội đã tạo cơ chế đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành đã tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận chương trình này. Nhưng với thời gian 2 năm (2022-2023) theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, với tiến độ giải ngân như hiện nay, đại biểu cho rằng rất khó cho các tỉnh đến cuối năm 2023 có thể thực hiện xong các chương trình, dự án, nhất là các tỉnh được giao vốn trong năm 2023. Đại biểu kiến nghị đối với các tỉnh được giao vốn trong năm 2023 thì Quốc hội nên ủng hộ đề xuất của Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện qua năm 2024-2025, đồng thời kiến nghị có sự điều tiết linh hoạt giữa hai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và Chương trình đầu tư công trung hạn 2020 - 2025 vì thời gian thực hiện của hai chương trình cũng gần nhau, nhằm khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thu dòng vốn.

Về điều hành ngân sách, đại biểu thấy rằng trong năm 2021-2022 cả nước có nguồn tăng thu rất lớn (hơn 28%), các địa phương cũng có nguồn tăng thu, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu nên tăng chi cho đầu tư phát triển, hiện nay theo cơ chế 70-30, trong đó 30% dành cho đầu tư và rất nhiều nội dung chi khác nữa. Với nguồn lực địa phương hiện nay còn hạn chế, nếu phần ngân sách trung ương còn trong kho bạc hay các nguồn khác, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố được vay rồi trả lại để các địa phương có nguồn vốn đầu tư các chương trình, dự án trên địa bàn, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Ái Thi

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN