Cần có hành động, giải pháp chiến lược đột phá để xử lý vấn đề rác thải

20/11/2023 - 12:56

BDK.VN - Sáng 20-11-2023, tiếp tục Chương trình của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Bến Tre, đã kiến nghị về vấn đề bức xúc được cử tri và chính quyền nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Bến Tre quan tâm là vấn đề xử lý rác thải.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam phát biểu tại hội trường về việc giải quyết kiến nghị của cử tri về xử lý rác thải sáng 20-11-2023

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam phát biểu tại hội trường về việc giải quyết kiến nghị của cử tri về xử lý rác thải sáng 20-11-2023.

Theo đại biểu, qua công tác tiếp xúc cử tri, cử tri bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao sự quan tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, các bộ ngành trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thức 5, Quốc hội khóa XV.

Về phía mình, qua nghiên cứu các Công văn số 8321, 6480 của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi các Đoàn ĐBQH các tỉnh liên quan đến xử lý rác thải và bảo vệ môi trường; qua nội dung trả lời tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 7-11-2023, đại biểu cho rằng: Rác thải, vệ sinh môi trường là vấn đề đang được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.

Bộ trưởng có nêu, cả nước mỗi ngày có 67.110 tấn rác, 96% rác thải được xử lý nhưng có hơn 65% lượng rác được xử lý bằng hình thức chôn lắp, mà chôn lắp thì phải sử dụng diện tích đất lớn gây lãng phí tài nguyên, nếu thời gian xử lý kéo dài thì dẫn đến tình trạng quá tải, ùn ứ ở các bãi rác, một số bãi chôn lấp thực hiện đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thực trạng này đã, đang tồn tại và đặt ra nhiều thách thức ảnh hưởng môi trường nếu không sớm giải quyết triệt để thì không lâu nữa, môi trường sẽ không còn đúng nghĩa như được nêu trong các khẩu hiệu “Xanh - sạch - đẹp” về đô thị văn minh hay xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Xuất phát từ phản ánh, kiến nghị của cử tri về tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải hiện nay nơi đại biểu ứng cử (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) và qua tìm hiểu thực tiễn, có thể nhận diện 5 khó khăn cơ bản mà đa số các địa phương và cử tri đang đối mặt.

Thứ nhất, mặc dù đã có nhiều nghị quyết, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản chỉ đạo khác… Nhưng thực tế cho thấy, một số văn bản pháp luật chưa đi vào thực tiễn cuộc sống, trách nhiệm về quản lý rác thải, nhất là chất thải rắn còn chưa rõ ràng giữa các ngành, các cấp, nhất là công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, việc phân loại rác tại nguồn của người dân mặc dù được Bộ có văn bản hướng dẫn nhưng còn nhiều bất cập, khó khả thi trong thực tiễn. Đa số các tỉnh, thành phố đều thiếu nguồn lực, chưa mời gọi được các nhà đầu tư để thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt.

Thứ hai, tình trạng chậm, nợ ban hành một số văn bản hướng dẫn của Luật Bảo vệ môi trường sau hơn 20 tháng Luật có hiệu lực thi hành, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý, định mức kỹ thuật thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 5, Điều 79 của Luật; quy định về thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn, chưa khuyến cáo công nghệ xử lý rác, đề xuất chủ trương điện rác còn phụ thuộc vào quy hoạch. Từ thực tế đó, các địa phương còn gặp nhiều lúng túng khi lựa chọn công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt, loay hoay với việc kêu gọi đầu tư, xử phạt, thậm chí có nhà máy xử lý rác tiền tỷ nhưng hoạt động không bao lâu lại “đắp chiếu”.

Thứ ba, chủ trương xã hội hoá mời gọi các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần phải nhận diện lại vấn đề là xã hội hoá ở mức độ nào, khâu nào thì khả thi. Và theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì chi phí xử lý rác tại Việt Nam thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, đây cũng là nguyên nhân khiến cho dự án nhà máy xử lý rác thải kém hấp dẫn. Để dự án xử lý rác nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư thì việc xây dựng chi phí cho xử lý rác cần phải có tính toán mức hợp lý hơn.

Thứ tư, số lượng rác thải và tỷ lệ thu gom rác thải tại mỗi địa phương khác nhau và không đồng đều nhau, có nơi đạt đến hàng nghìn tấn/ngày nhưng có nơi chỉ 100 - 200 tấn/ngày; nơi có lượng rác thải thu gom được ít, chi phí vận chuyển xa, phương tiện vận chuyển thô sơ, chưa đáp ứng yêu cầu nhất là khu vực nông thôn, rất khó kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư nhà máy xử lý rác. Nhiều doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất là nguồn rác đầu vào không bảo đảm nhu cầu vận hành nhà máy. Việc tìm kiếm hợp đồng xử lý rác công nghiệp để bù đắp lượng rác thiếu hụt cũng không khả thi. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường với trách nhiệm là cơ quản quản lý nhà nước và các Bộ có liên quan cần xem xét trách nhiệm trong quy hoạch vùng để đầu tư nhà máy xử lý, giải quyết lượng rác thu gom không đủ so với công suất của nhà máy.

Thứ năm, bên cạnh vướng mắc về vốn đầu tư, cơ sở pháp lý, các cơ chế chính sách, hỗ trợ khuyến khích đối với nhà đầu tư trong việc thu gom, xử lý rác thải, thì tại một số cơ quan, đơn vị và cá nhân ở các địa phương chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm, vai trò của mình, còn lơ là, chưa thật tâm huyết trong công tác xử lý rác thải. Tình trạng phân loại rác tại nguồn còn nhiều khó khăn, một số nơi theo hướng dẫn người dân có thực hiện việc phân loại nhưng khi rác được thu gom tập trung thì chỉ còn một loại; một số nơi gom rác một phần, phần còn lại để người dân tự xử lý. Nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường chưa đồng đều, chưa thật sự lan tỏa. Từ đó dẫn đến lượng rác khó xử lý ngày một nhiều hơn dẫn đến tình trạng quá tải, tỷ lệ xử lý rác bằng hình thức chôn lắp chưa thể kéo giảm và chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý .

Đại biểu đánh giá cao sự tâm huyết của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã định hướng 4 nhóm giải pháp quan trọng để thực hiện trong lĩnh vực này thời gian tới. Nhưng vấn đề rác thải gây ô nhiễm môi trường đã và đang từng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và các địa phương đang vẫn rất “loay hoay” trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, đại biểu tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành có liên quan cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý các ý kiến, kiến nghị này của cử tri, sớm có hành động cụ thể để xử lý ngay những vấn đề tồn tại trước mắt và lâu dài trong xử lý rác thải, nhất là rác thải rắn, để bảo vệ môi trường sống cho người dân ở tầm quốc gia bằng những giải pháp chiến lược mang tính đột phá. Chú trọng thực hiện bài toán quy hoạch liên vùng, tập trung đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường góp phần giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, hướng tới một mô hình kinh tế bền vững, một nền kinh tế xanh và phúc lợi cho xã hội.

Tin, ảnh: Kim Hoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN