Cần có Nghị quyết đặc thù về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn để phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long

24/05/2024 - 05:17

BDK.VN - Sáng 23-5-2024, bước sang ngày làm việc thứ tư của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại Tổ về 3 nội dung gồm: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 và kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng ngày 23-5-2024

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng ngày 23-5-2024

Tham gia thảo luận tại Tổ số 9 (gồm đại biểu của 4 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị, Phú Yên và Bến Tre), đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Đại biểu cho rằng ở kỳ họp này, Báo cáo của Chính phủ trình bày ngắn gọn, súc tích và các nhận định, đánh giá đều có số liệu minh chứng, có so sánh với số liệu ước đạt được đã báo cáo Quốc hội vào cuối năm 2023 và so sánh với cùng kỳ năm trước nên rất thuận lợi cho các đại biểu theo dõi, nghiên cứu.

Về tình hình kinh tế - xã hội cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, đại biểu cho rằng một trong những “điểm sáng” là các gói tín dụng kịp thời đã giúp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có gói tín dụng dành cho lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù chỉ có 15.000 tỷ đồng nhưng trong cuối năm 2023 đã giải ngân được 13.000 tỷ, với 5.200 lượt khách hàng được tiếp cận, thể hiện tính hiệu quả của chính sách, gói tín dụng rất kịp thời, đúng đối tượng. Trong khi gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng thì giải ngân kém. Do đó, đề nghị Chính phủ trong quá trình áp dụng các giải pháp cần có những điều chỉnh kịp thời, tiếp tục bổ sung nguồn vốn cho gói tín dụng được giải ngân nhanh, yêu cầu cao và tác động tích cực đến phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, trên lĩnh vực tín dụng, đại biểu cho rằng có vấn đề cần quan tâm là nhìn chung nguồn vốn dồi dào nhưng nhu cầu vay khá thấp. Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu là thị trường tiêu thụ giảm, tồn kho lớn. Đồng thời, cũng có một phần nguyên nhân từ thể chế, vướng mắc từ quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5-11-2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó quy định về xác định chi phí để tính thuế khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30%, giới hạn trên tổng lợi nhuận thuần của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn tiếp theo trong khi nhu cầu vốn để phục hồi sau đại dịch Covid-19 là rất lớn.

Đại biểu cũng đồng tình với nhận định cho rằng Nhà nước vẫn còn đang lúng túng trong việc quản lý, điều phối thị trường vàng. Các giải pháp đã đề ra vẫn còn mang tính thụ động, đi sau thị trường, thậm chí có những giải pháp “đi ngược” với mục tiêu đề ra. Cụ thể như việc giá vàng đang cao, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lớn, muốn thu hẹp khoảng cách chênh lệch thì lại cho đấu thầu vàng, khi đấu thầu giá lại tăng cao hơn giá thị trường, đã đấu thầu giá cao thì doanh nghiệp phải bán ra với giá cao hơn nên càng không thể hạ nhiệt thị trường vàng. Kết quả là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lại càng cao thêm, trái với mục tiêu chính sách. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp can thiệp kịp thời hơn, có thể thành lập sàn giao dịch vàng, chống độc quyền kinh doanh vàng trong khuôn khổ kiểm soát của Nhà nước.

Điểm sáng thứ hai theo đại biểu chính là kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Trong các báo cáo trước đây, giải ngân vốn đầu tư công luôn là vấn đề tồn tại, hạn chế, nhưng báo cáo lần này cho thấy năm 2023 giải ngân đầu tư công đạt 93% so với kế hoạch. Kết quả này cho thấy nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương trong thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công đã thật sự mang lại hiệu quả.

Điểm sáng thứ ba theo đại biểu là kết quả xuất siêu hàng nông thủy sản, với tổng giá trị đạt 28,3 tỷ USD, trong đó, riêng nông sản là 12,07 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo đạt 4,68 tỷ USD. Đại biểu cho rằng việc thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng sạch và bán tín chỉ cacbon là định hướng rất khoa học, phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ quan ngại về tính bền vững của sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát như hiện nay, đại biểu dẫn ra ví dụ về việc người dân ồ ạt trồng sầu riêng để xuất khẩu khi thấy nhu cầu thị trường sầu riêng tăng cao, việc sản xuất không theo quy hoạch này dễ dẫn đến việc “giải cứu” sầu riêng như đã từng xảy ra với các mặt hàng nông sản khác. Đại biểu cũng đề nghị nên sớm thành lập sàn giao dịch tín chỉ cacbon để việc giao dịch được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản và đúng giá trị.

Về các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu cho rằng cần đánh giá khách quan hơn về một số vấn đề như: Việc thu hút vốn FDI mặc dù kết quả đạt được cao nhất từ trước tới nay (tăng 3,5% với 3,18 tỷ USD) nhưng chất lượng mới là vấn đề cần quan tâm, chưa kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực mới, công nghệ cao như chip bán dẫn, AI…Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm được Chính phủ đánh giá là “được kiểm soát” nhưng thời gian qua vẫn còn xảy ra nhiều vụ mất an toàn thực phẩm, vì vậy, cần phải đánh giá kỹ hơn để có các giải pháp kịp thời. Ngoài an toàn thực phẩm thì tai nạn lao động, người chết vì tai nạn lao động, thời gian gần đây cũng cần được quan tâm. Bên cạnh đó, ngập úng đô thị cũng là vấn đề ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều người dân; trong điều kiện dân số tăng, đô thị hóa ngày càng cao, hạ tầng đô thị, hạ tầng thoát nước lạc hậu không đáp ứng kịp thời tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải nghiên cứu xây dựng và kiểm soát tốt quy hoạch đô thị, nhất là quy hoạch không gian ngầm để chống ngập úng.

Vấn đề an ninh nguồn nước lần đầu tiên được đề cập rất sâu và chi tiết với nhiều giải pháp được Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn chưa có giải pháp thật sự căn cơ. Như ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hơn 90% nguồn nước xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ, các nước thượng nguồn cũng tận dụng khai thác tối đa nguồn nước này phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia mình, chúng ta cũng không có giải pháp nào khác ngoài giải pháp ngoại giao. Đại biểu cho rằng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống hạn mặn phức tạp, lâu dài mà cứ để từng tỉnh ứng phó riêng lẻ như hiện giờ sẽ không hiệu quả. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện tình hình biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng, mang tính đặc thù về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn để phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Nghị quyết này sẽ đề ra các giải pháp căn cơ, mang tính liên kết vùng về quy hoạch, nguồn lực… để các địa phương trong khu vực có cơ sở pháp lý đầy đủ triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ. Bên cạnh đó, để ứng phó với hạn mặn, ngành Nông nghiệp cần định hướng cho người dân các giải pháp phù hợp để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ cho phù hợp.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN