Tờ trình số 11/TTr-CP của Chính phủ ngày 11-2-2011 nêu: Để tiến tới chuẩn bị cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết nhằm chỉ đạo, quán triệt các cơ quan liên quan, các cấp có thẩm quyền về công tác nhân sự và bầu cử đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp đạt 30% trở lên, chú ý những đại biểu nữ tái cử… Làm thế nào để Bến Tre đạt được tỷ lệ nữ nhất định trong cuộc bầu cử sắp tới là chủ đề chính được phóng viên Báo Đồng Khởi trao đổi với bà Võ Thị Thủy - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Phó Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Bến Tre.
* Trong những ngày này, Bến Tre cùng cả nước đang vào giai đoạn nước rút chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Là cơ quan đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh làm gì để hỗ trợ ứng cử viên của giới mình tham gia ứng cử, thưa bà?
- Là thành viên của Ủy ban Bầu cử tỉnh, với vai trò tham mưu, Hội LHPN tỉnh đã chủ động lập danh sách giới thiệu nhân sự làm căn cứ cho Ủy ban bầu cử bố trí, sắp xếp nhân sự nữ trong quy trình hiệp thương; tổ chức các hoạt động tập huấn cho nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Theo quy định, các ứng cử viên phải tiếp xúc cử tri nơi ứng cử, vận động bầu cử, thông qua các chương trình hành động nếu mình trúng cử và trả lời những câu hỏi của cử tri. Vì vậy, các cấp Hội cung cấp cho nữ ứng cử viên về tình hình kinh tế - xã hội, tình hình phụ nữ, những mối quan tâm, những nguyện vọng chính đáng của phụ nữ tại địa phương. Hội Phụ nữ các cấp cũng sẽ cử cán bộ lãnh đạo Hội đi dự các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của ứng cử viên, giúp các nữ ứng cử viên có đủ tự tin trong các cuộc tiếp xúc, vận động bầu cử. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh cũng đã và đang vận động hội viên, phụ nữ tham gia đợt sinh hoạt hội viên đặc biệt với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam sáng suốt lựa chọn các ứng cử viên nam, nữ đủ đức, đủ tài để bầu làm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp”; vận động cử tri, đặc biệt là cử tri nữ tích cực tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri, họp tổ nhân dân tự quản và các đoàn thể; trực tiếp đi bầu cử và vận động các cử tri khác đi bầu cử…
* Trước nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh có đạt yêu cầu đề ra?
- Ở nhiệm kỳ trước, theo Nghị quyết, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp phải đạt ít nhất là 25%, nhưng thực tế chỉ có tỷ lệ nữ trong Quốc hội của đơn vị tỉnh Bến Tre đạt 33,33%, còn HĐND các cấp đều không đạt. Cụ thể, HĐND cấp tỉnh đạt tỷ lệ nữ: 19,3%, cấp huyện: 12,6% và cấp cơ sở là 15,97%. Tại cuộc bầu cử này, sau hội nghị hiệp thương lần 3 công bố danh sách chính thức, tỷ lệ nữ trong ứng cử viên đại biểu Quốc hội là 27,27%; HĐND tỉnh: 31,18%; HĐND cấp huyện: 33,06%; HĐND cấp xã 29,9%. Như vậy, Bến Tre cơ bản đạt tỷ lệ nữ ứng cử viên theo yêu cầu đặt ra.
* Qua mỗi lần bầu cử, tỷ lệ nữ trúng cử của Bến Tre luôn thấp hơn so với dự kiến (chưa đạt tỷ lệ 30%). Theo bà, nguyên nhân vì sao?
- Nguyên nhân có phần do nhận thức của nhân dân về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí, sự đóng góp của phụ nữ chưa đầy đủ. Một bộ phận nhân dân còn quan niệm phụ nữ chỉ phù hợp với công việc nội trợ, chăm sóc gia đình… Dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhưng việc tổ chức thực hiện còn hạn chế, còn thiếu những biện pháp giúp phụ nữ cân bằng giữa công việc và gia đình. Bản thân người phụ còn thiếu tự tin, cho rằng mình không đủ năng lực ứng cử vào Quốc hội và HĐND. Một số ít nữ ứng cử viên chưa nhận được sự ủng hộ từ những người thân trong gia đình. Một bộ phận cử tri chưa nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của bản thân trong bầu cử, về sự cần thiết phải có tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, HĐND đại diện cho phụ nữ trong cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước và địa phương; chưa ủng hộ phụ nữ tham gia các cơ quan dân cử.
* Với tư cách là người đứng đầu tổ chức đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của giới nữ Bến Tre, bà muốn nói điều gì với nữ ứng cử viên và cử tri, trước khi cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra?
- Để thực hiện được vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của phụ nữ, các nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải có mối liên hệ chặt chẽ với cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, mối quan tâm của phụ nữ. Từ đó, tập hợp, phản ánh với Quốc hội, với HĐND thông qua hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, hoạt động chất vấn; việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Với cử tri nữ, tôi mong muốn và kêu gọi tất cả chị em là hội viên hoặc chưa là hội viên Hội LHPN hãy ý thức và nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia các hoạt động bầu cử. Cử tri nữ hãy tranh thủ thời gian tham gia các cuộc tuyên truyền do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể - đặc biệt là đợt sinh hoạt chính trị do Hội LHPN tổ chức theo chủ đề “Phụ nữ Việt Nam sáng suốt lựa chọn các ứng cử viên nam, nữ đủ đức, đủ tài để bầu làm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp”. Chị em hãy trực tiếp đi bầu cử và vận động người thân của mình trực tiếp chọn và bầu những đại biểu đủ đức, đủ tài làm người đại diện cho mình tham gia vào cơ quan quyền lực của Nhà nước.
* Xin cảm ơn bà!