Cần cù lao động, vươn lên thoát nghèo bền vững

28/04/2022 - 19:36

BDK - Ông Văn Công Sơn (sinh năm 1974) và bà Phan Thị Sáng Nhỏ (sinh năm 1971), ở ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc cần cù lao động, vươn lên thoát nghèo bền vững từ năm 2020.

Ông Văn Công Sơn chăm sóc đàn bò của gia đình.

Ông Văn Công Sơn chăm sóc đàn bò của gia đình.

Tích góp từ chăn nuôi và trồng trọt, gia đình quyết định đăng ký thoát nghèo để nhường phần hưởng thụ chính sách cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn ở địa phương. Hiện gia đình ông bà phát triển chăn nuôi dê, bò cùng trồng dừa, bưởi.

Vợ chồng ông Sơn được cha mẹ hai bên cho gần 3 công đất. Ông bà xây dựng căn nhà, chăn nuôi và trồng trọt. Trước đây, ông Sơn cải tạo đất để trồng bắp, dưa leo, đậu bắp mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Vợ chồng ông Sơn có người con trai duy nhất là Văn Trường Âu, 17 tuổi, tốt nghiệp THCS và nghỉ học đi phụ bán quán ở tỉnh Cà Mau để giúp gia đình hơn 1 năm nay. Khi con còn nhỏ, ông Sơn và bà Sáng Nhỏ lại vướng bệnh (đau bao tử, thiếu máu cơ tim) liên miên nên gia đình khó khăn về mặt kinh tế, thuộc hộ nghèo. Giờ bệnh tình có phần thuyên giảm nên ông Sơn có thể đi cắt cỏ về chăn nuôi bò, dê và canh tác vườn để cải thiện cuộc sống.

Ông Sơn được địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà tình thương và gia đình đóng góp thêm kinh phí để hoàn thành, với tổng kinh phí 90 triệu đồng. Ông bà đăng ký cùng địa phương xin thoát nghèo. Hiện ông Sơn đang nuôi 3 con bò sinh sản và 1 con vỗ béo từ 1 con bò cái được hỗ trợ từ Dự án “Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Bến Tre”. Ông bà mướn thêm 3 công đất ở địa phương để trồng cỏ làm thức ăn cho bò.

“Muốn vươn lên trong cuộc sống thì cần phải kiên trì và không được nản lòng, quyết tâm, nỗ lực mới đạt được kết quả như kỳ vọng. Đi từng bước từ cái nhỏ lên cái lớn, tích góp để phát triển kinh tế gia đình”, ông Sơn bộc bạch.

Hiện tại, chuồng thỏ mới được gầy dựng lại sau tác động của dịch Covid-19 được 50 con, gồm: thỏ mẹ và thỏ thương phẩm. Lúc mới bắt đầu nuôi thỏ, ông Sơn dùng số tiền 300 ngàn đồng của người con trai được hỗ trợ ở trường do hoàn cảnh khó khăn để mua 4 con thỏ sinh sản, với giá 270 ngàn đồng về nuôi và gắn bó với việc chăn nuôi đến nay.

Ông Sơn còn nuôi thêm trăn, chuột kiểng giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Ông sử dụng 1 công đất để trồng dừa đã được khoảng 6 năm, khoảng 100 trái dừa khô/lứa thu hoạch. 2 công trồng bưởi, do ảnh hưởng của hạn mặn nên thu nhập không được nhiều. Hướng tới, ông Sơn dự định triển khai mô hình chăn nuôi lươn do Hội Nông dân xã giới thiệu để tăng nguồn thu nhập cho gia đình.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Bình Huỳnh Văn Trương cho biết: Mặc dù sức khỏe ông Văn Công Sơn và bà Phan Thị Sáng Nhỏ không được tốt như mọi người nhưng chí thú làm ăn, thoát nghèo bền vững. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình dễ nhân rộng.   

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN