BDK.VN - Chiều 26-10-2024, tham gia thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bày tỏ sự thống nhất cao đối với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực vào thời điểm này.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy tham gia thảo luận dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chiều 26-10-2024.
Về tính thống nhất giữa dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) với hệ thống pháp luật hiện hành, theo báo cáo của Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì soạn thảo khẳng định đã rà soát kỹ và đảm bảo tính tương thích của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật và qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại biểu thấy còn một số quy định của dự thảo Luật chưa tương thích và đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.
Theo Luật Nhà ở quy định có nhà chung cư, nhà ở xã hội và nhiều loại nhà ở khác, nhưng dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chỉ đề cập đến việc phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu thụ ở những khu nhà chung cư mà không đề cập đến các loại nhà ở khác là chưa đồng bộ, trong khi mục đích của việc phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu thụ là ở các khu vực diện tích lớn, tập trung đông người, các khu nhà ở xã hội cũng là một dạng chung cư.
Đối với vấn đề quản lý các nhà máy thủy điện, Luật Tài nguyên nước đã quy định rõ về thẩm quyền điều tiết nước, bảo vệ hành lang an toàn công trình thủy điện… đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chỉ cần dẫn chiếu các quy định đã có của Luật Tài nguyên nước và chỉ nên quy định những vấn đề nào Luật Tài nguyên nước chưa quy định.
Đối với vấn đề dự án đầu tư trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lúc thì áp dụng theo Luật Xây dựng, lúc theo Luật Đầu tư, thậm chí có quy định áp dụng theo Luật Xây dựng nhưng lại giao thẩm quyền cho Bộ Công Thương thẩm tra, thẩm định các nội dung về xây dựng…
Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội cũng đang cho ý kiến dự thảo Luật Dữ liệu, theo đó thì các dữ liệu sẽ được tích hợp vào hệ thống dữ liệu quốc gia, nhưng trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) thì các hệ thống dữ liệu khá rời rạc và được quy định riêng, chưa rà soát, đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Dữ liệu đang được Quốc hội cho ý kiến.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) với các luật hiện hành và các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến hoặc sắp được thông qua như dự thảo Luật Dữ liệu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…
Về tính khả thi của dự thảo Luật, có 130 Điều, thì có 35 Điều giao Chính phủ quy định chi tiết và 18 nội dung giao cho Bộ Công Thương hướng dẫn, trong đó có nhiều vấn đề mới, chưa được tổng kết, đánh giá tác động.
Nhiều quy định còn thiếu tính ổn định dẫn đến tính khả thi không cao, cụ thể như: Một số chính sách khuyến khích đầu tư “phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ” những tồn tại về các dự án điện đã đầu tư chưa được phát điện hiện nay cũng xuất phát từ chính sách thiếu tính ổn định.
Một trong những chính sách của dự án Luật là “xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, cạnh tranh lành mạnh…” “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước”. Tuy nhiên, ở nhiều quy định lại giao quyền khá lớn cho Bộ Công Thương, từng lúc việc thay đổi, điều chỉnh các quy định sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Hầu hết nguồn vốn đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí hydrogen hay LNG đều rất lớn, đòi hỏi phải có những thông số chính xác ngay từ ban đầu để nhà đầu tư tính toán hiệu quả lâu dài 20 - 30 năm mới dám đầu tư, trong khi các quy định như dự thảo Luật sẽ thiếu tính ổn định, dễ làm cho nhà đầu tư lo ngại.
Dự thảo Luật tập trung quy định chủ yếu về thẩm quyền, nhưng ít quan tâm đến trách nhiệm đối với hậu quả của việc ra quyết định. Quy định như vậy dễ dẫn đến tùy tiện, bất lợi, kém an toàn cho cả nhà nước và nhà đầu tư. Trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này, đại biểu cho rằng cần rà soát, bổ sung để tránh việc khắc phục được các tồn tại đã qua nhưng lại gây ra những bất cập, vướng mắc mới.
Một nội dung khác mà đại biểu còn lo ngại về tính khả thi là dự thảo Luật đề ra chính sách “tiến tới làm chủ công nghệ”, trong khi hiện nay công nghệ điện gió, điện mặt trời phụ thuộc rất lớn vào nước ngoài, các trang thiết bị hầu hết đều nhập khẩu, trong nước chưa sản xuất được.
Đại biểu đồng tình cao với mục tiêu là phải cố gắng làm chủ công nghệ trong thời gian ngắn nhưng dự thảo Luật lại chưa đề ra chính sách ưu đãi nào để phát triển công nghệ điện gió, điện mặt trời, hay các công nghệ đối với phát triển các loại năng lượng mới nói chung.
Về chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện, đại biểu cho rằng, những doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa tách bạch được giữa hoạt động kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, nên chưa thể hạch toán chính xác các chi phí thực tế vào giá điện được.
Một trong những chính sách để xây dựng dự thảo Luật là bảo đảm an ninh năng lượng, theo đó dự thảo Luật có đề cập đến một số loại năng lượng mới như: Hydrogen, amoniac xanh, điện hạt nhân, điện sóng biển… nhưng chính sách để phát triển các loại năng lượng này như thế nào thì cũng chưa được quy định rõ trong dự thảo Luật.
Về việc phát triển điện ở khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, theo đại biểu là rất khó xã hội hóa, khó kêu gọi đầu tư ở các khu vực này vì mật độ dân cư thưa thớt, không theo quy hoạch, nếu không đầu tư thì người dân không có điện nhưng nếu đầu tư thì cũng khó cho các đơn vị cấp điện vì chi phí đầu tư nhiều mà hầu như không có lợi nhuận.
Theo đại biểu, đối với các khu vực này, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi riêng để phát triển các loại hình điện hạt nhân quy mô nhỏ, phục vụ vừa đủ cho một cộng đồng dân cư, vừa phù hợp với suất đầu tư có lợi nhuận, vừa có mức độ rủi ro thấp hoặc các loại hình điện gió, điện mặt trời tự sản, tự tiêu thụ có pin lưu trữ… sẽ phù hợp với đặc điểm dân cư phân tán và không bị phụ thuộc vào hệ thống truyền tải, giúp giảm chi phí.
Về việc bảo vệ môi trường trong phát triển điện lực (Điều 31), theo đại biểu, Luật Bảo vệ môi trường và dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đều không có quy định về việc xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời, pin lưu trữ điện mặt trời, điện gió, pin lưu trữ cho xe điện…
Nhiều dự án điện mặt trời đã hoạt động trên 10 năm, sắp tới, chắc chắn sẽ có nhiều tấm pin năng lượng mặt trời không còn sử dụng thải ra. Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nên quy định mang tính nguyên tắc, định hướng bảo vệ môi trường đối với các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Việc khuyến khích đầu tư theo chuỗi chưa được đề cập, dự thảo Luật chỉ nêu từng dự án riêng lẻ như: Dự án phát điện, dự án truyền tải điện, dự án buôn bán điện, chưa có hình thức đầu tư mang tính liên kết cả vòng đời, đại biểu cho rằng chính sách khuyến khích đầu tư các dự án điện như vậy còn mang tính rời rạc, nên có chính sách ưu tiên hơn cho các dự án đầu tư theo hình thức chuỗi, đầu tư cụm dự án hoặc vòng đời dự án từ đầu tư nguồn, ra đến sản phẩm, phát điện, bán điện, xuất khẩu điện và dịch vụ hậu cần ngành điện, xử lý môi trường... thì nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi nhiều hơn khi đầu tư trọn gói, bù chéo rủi ro và lợi nhuận cho nhà đầu tư trong cơ chế điện cạnh tranh như hiện nay.
Về nguyên tắc cấp phép hoạt động điện lực (Điều 47), dự thảo Luật quy định: “Các lĩnh vực hoạt động điện lực phải được cấp giấy phép gồm: Phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện”, đại biểu thấy chưa rõ vì hoạt động điện lực có nhiều loại, khi cấp phép thì giấy phép sẽ ghi như thế nào nếu nhà đầu tư có nhiều hoạt động điện lực cùng một lúc, hoặc có nhiều nhà máy điện khác nhau.
Đây là vấn đề nhà đầu tư quan tâm vì ngoài việc hưởng chế độ ưu đãi đầu tư còn liên quan đến việc kêu gọi vốn đầu tư, nếu được một cụm dự án thì dễ kêu gọi đầu tư hơn là nhà máy riêng lẻ. Vì vậy, cần làm rõ thêm các vấn đề này trong nguyên tắc cấp phép hoạt động điện lực.
Về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực (Điều 104), đại biểu cho rằng việc xử lý chồng lấn đối với hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực chưa rõ. Mỗi luật lại có quy định về hành lang an toàn khác nhau, Luật Đất đai chỉ quy định về đất đai.
Qua lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị ở địa phương, các cơ quan, đơn vị phản ánh hành lang an toàn trụ điện nhiều trường hợp bao trùm gần một nửa diện tích nhà ở của hộ dân, trong hành lang an toàn này người dân không được làm bất cứ hoạt động gì, nếu làm gì phải xin phép ngành Điện lực, điều này đã gây nhiều thiệt thòi cho người dân, hạn chế quyền công dân.
Dự thảo Luật lần này lại còn quy định ngoài hành lang an toàn, nếu người dân có hoạt động gì có nguy cơ ảnh hưởng an toàn điện cũng phải xin phép, những quy định mơ hồ như vậy dễ dẫn đến hạn chế quyền công dân.
Thực tế hiện nay, khi xây dựng các công trình điện quốc gia, người dân chỉ được bồi thường thiệt hại cây trồng trên đất, không bồi thường thiệt hại về quyền sử dụng đất, nhưng khi thi công đào đất lên đổ qua một bên làm cây trồng bị chết thì lại không được bồi thường, sau khi xây dựng xong tạo thành một hàng lang diện tích khá lớn mà người dân không được trồng cây hay làm gì trong hành lang an toàn đó, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân, trong khi dự thảo Luật có quy định nếu người dân làm thiệt hại cho công trình điện thì phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật, nhưng việc đầu tư ngành điện gây thiệt hại cho người dân thì không được bồi thường thỏa đáng theo đúng giá thị trường, điều này chưa đảm bảo công bằng và đi ngược lại chính sách giá điện là phải bảo đảm phản ánh đầy đủ chi phí hợp lý, hợp lệ.