Cần đột phá trong thực hiện “tam nông”

29/07/2019 - 07:26

BDK - Kiểm tra công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa IX, khóa X gắn với Kết luận số 359-KL/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông dân, xây dựng nông thôn mới (“tam nông”), Tỉnh ủy đã thành lập Đoàn công tác 773, kiểm tra Ban Thường vụ và Bí thư Huyện ủy Chợ Lách, Giồng Trôm, Đảng ủy và Bí thư Đảng ủy, Giám đốc các sở: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đánh giá của Đoàn công tác 773, việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện về “tam nông” tại các địa phương, đơn vị thời gian qua còn nhiều hạn chế.

Tập trung xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực.

Tập trung xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực.

“Nghẽn” khâu tuyên truyền

Một trong các hạn chế chủ yếu được nhận diện tại các địa phương, đơn vị là công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện chủ trương còn chưa đạt hiệu quả. Đối tượng chính của tuyên truyền là người dân, nhưng qua kiểm tra cho thấy, hầu như việc tuyên truyền chưa “chạm” đến người dân. Nguyên nhân một phần là do kỹ năng triển khai của tuyên truyền viên chưa đạt, chưa nghiên cứu và chuẩn bị tài liệu tuyên truyền kỹ lưỡng để người dân dễ nghe, dễ hiểu. Tuyên truyền không đạt mục tiêu như yêu cầu nên chủ trương, chính sách chưa đến được với người dân, không huy động được sự đồng tình của người dân; các phong trào triển khai chưa thực chất, chưa đi vào chiều sâu; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy hiệu quả.

Cụ thể, đối với hoạt động “Ngày Chủ nhật nông thôn mới”, dù đã qua 5 lần triển khai nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đáng nói là lực lượng tham gia chủ yếu vẫn là cán bộ xã, ấp, đa số người dân còn thờ ơ, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính quyền.

Đối với việc cụ thể hóa Nghị quyết số 03 về chuỗi giá trị và Kết luận số 359 của các ngành tại cơ sở còn chậm, chưa có định hướng và triển khai còn nhiều lúng túng. Hầu hết các địa phương chỉ tập trung việc củng cố hoạt động các hợp tác xã. Các hợp tác xã hoạt động chưa thực sự hiệu quả, còn hạn chế về năng lực điều hành, quản lý, vốn góp, liên kết đầu vào, đầu ra không ổn định.

Vai trò của các sở, ngành trong thực hiện chủ trương về “tam nông” của Tỉnh ủy chưa được thể hiện một cách rõ nét, chưa có giải pháp đột phá cụ thể và đi vào chiều sâu. Việc ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất còn gặp khó do chưa có nhiều gắn kết giữa “4 nhà”. Đi kèm với đó là khó khăn về kinh phí, vốn đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, xây dựng giao thông nông thôn, phát triển hạ tầng thương mại, điện nông thôn...

Quán triệt sâu chủ trương, nghị quyết

Theo kiến nghị của Đoàn công tác 773, Tỉnh ủy sẽ xem xét để có những văn bản chỉ đạo các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy tổ chức quán triệt sâu Kết luận số 359-KL/TU của Tỉnh ủy đến toàn bộ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân biết để thực hiện.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi - Trưởng đoàn công tác 773 lưu ý: Để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn, các địa phương, đơn vị cần có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các phần việc xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đồng thời, quán triệt nội dung của Kết luận số 359 trong toàn hệ thống chính trị, có kế hoạch, xác định rõ công việc, lộ trình, có phân công thực hiện một cách cụ thể. Một số nội dung các địa phương cần chọn điểm thực hiện như: tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên nền quy hoạch đất đai và tổ chức dân cư, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp sạch gắn với du lịch...

Đối với công tác tuyên truyền, các địa phương cần có sự thống nhất tài liệu tuyên truyền xây dựng chuỗi giá trị nông sản, sản xuất nông nghiệp hữu cơ để tuyên truyền cho đúng, thống nhất từ cán bộ đến người dân. Xây dựng chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần có sự phối hợp chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở. Đối với việc củng cố hoạt động của các hợp tác xã cần chú trọng đến tăng cường công tác quản lý nhà nước các cấp, nâng cao năng lực điều hành hoạt động các hợp tác xã theo đúng luật định.

Các cơ quan, đơn vị cần rà soát, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để đảm bảo chất lượng công việc.

“Các sở, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình bám sát thực hiện, có giải pháp đột phá, tham mưu chính sách, giải pháp, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoặc phối hợp, hỗ trợ thực hiện có chuyển biến tích cực các nhiệm vụ theo Kết luận số 359. Trong đó, chú trọng khắc phục hạn chế 3 khâu yếu về tuyên truyền, triển khai, giám sát.

Ngành khoa học và công nghệ, nông nghiệp và công thương gắn bó, liên kết với nhau trong nghiên cứu, triển khai - ứng dụng thực tế và thương mại hóa kết quả khoa học công nghệ, quảng bá sản phẩm, thông tin thị trường”.

(Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi - Trưởng đoàn công tác 773)

Bài, ảnh: T. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN