Cần được phân cấp, phân quyền đủ mạnh để TP. Hồ Chí Minh phát triển đúng tầm

30/05/2023 - 21:13

BDK.VN - Chiều 30-5-2023, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ với các nội dung: (1) Dự thảo Nghị quyết (NQ) về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội (QH), HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); (2) Dự thảo NQ của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại buổi thảo luận Tổ chiều ngày 30-5-2023.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại buổi thảo luận Tổ chiều ngày 30-5-2023.

Tham gia thảo luận tại Tổ số 9, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn thống nhất cao về sự cần thiết phải trình QH xem xét ban hành NQ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, TP. Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, sự phát triển của thành phố sẽ tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó lan tỏa ra các khu vực khác và cả nước. Vì vậy, thành phố cần có những cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội để có thể thu hút tổng thể các nguồn lực, giúp thành phố phát triển đúng tầm. Qua nghiên cứu dự thảo NQ, đại biểu có một số góp ý như sau:

Thứ nhất, đề nghị bổ sung vào Điều 2 giải thích từ ngữ các cụm từ “Doanh nghiệp dẫn đầu”, “Nhà đầu tư chiến lược”. Đại biểu cho rằng các doanh nghiệp dẫn đầu, các tập đoàn lớn thực hiện các chương trình, dự án lớn sẽ tạo sức lan tỏa cho các ngành, lĩnh vực khác, từ đó tạo động lực cho TP. Hồ Chí Minh phát triển. Đồng thời, dự thảo NQ cũng cần làm rõ ngay từ đầu khái niệm “Nhà đầu tư chiến lược” vào các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, ưu tiên thu hút đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới cho cụ thể.

Thứ hai, đại biểu đề nghị trọng tâm của chính sách đặc thù là cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để tạo cơ chế đột phá cho TP. Hồ Chí Minh phát triển. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể nghiên cứu giao về cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh quyết định với phạm vi, mức độ phù hợp. Trước đây cơ chế phân cấp, phân quyền thực hiện theo hướng việc lớn thì Trung ương chịu trách nhiệm, việc nhỏ mới giao về cho địa phương, đại biểu đề xuất, đối với TP. Hồ Chí Minh nên làm ngược lại, cần xác định rõ những việc nên giao cho thành phố tự quyết định và chịu trách nhiệm trên cơ sở quy định của pháp luật mà không cần phải xin ý kiến và chờ đợi trả lời của các bộ, ngành Trung ương, để tăng tính chủ động, năng động, sáng tạo cho chính quyền thành phố trong nắm bắt các cơ hội phát triển.

Thứ ba, về tổ chức bộ máy của thành phố, đại biểu cho rằng “điểm nghẽn” của thành phố là dân số đông nhưng số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn phải theo quy định chung áp dụng cho cả nước, số lượng người dân mà mỗi cán bộ, công chức của thành phố phải phục vụ là lớn nhất cả nước. Để giải quyết “điểm nghẽn” này, đại biểu đề nghị nên cho thành phố cơ chế được tự quyết định số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức dựa trên khả năng cân đối ngân sách của thành phố. Về quy định cho phép thành phố bố trí ngân sách để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ, đại biểu thống nhất và đề nghị xem xét cho các cán bộ, công chức của một số cơ quan Trung ương thuộc ngành dọc đóng trên địa bàn thành phố có đóng góp vào sự phát triển của thành phố cũng được hưởng chế độ này.

Thứ tư, đại biểu thống nhất cao việc TP. Hồ Chí Minh được để lại 100% nguồn tăng thu ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.  Đại biểu cho rằng để tạo nguồn lực cho thành phố phát triển thì nguồn tăng thu ngân sách là rất quan trọng vì đây là nguồn hiện hữu và có thể huy động nhanh nhất, còn các nguồn thu khác phải phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Thứ năm, về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự thảo NQ quy định “Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% trong tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn, HĐND thành phố được quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án”. Đại biểu cho rằng đặc thù của TP. Hồ Chí Minh là các dự án phải tốn kém chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, nếu quy định cụ thể tỷ lệ như dự thảo rất khó làm, đại biểu đề nghị nên chỉnh sửa quy định theo hướng thành phố sẽ chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, phần còn lại sẽ do nhà đầu tư thực hiện.

* Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng: TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết ngân sách về Trung ương nên rất cần có cơ chế, chính sách vượt trội tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển không chỉ TP. Hồ Chí Minh mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu thảo luận tại Tổ chiều ngày 30-5-2023.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu thảo luận tại Tổ chiều ngày 30-5-2023.

Đại biểu kiến nghị dự thảo NQ nên được thiết kế bao gồm các nhóm cơ chế, chính sách từ NQ số 54/2017/QH14 của QH đã triển khai thực hiện ổn định, khả thi thì nên được tiếp tục duy trì, có điều chỉnh theo hướng có lợi nhất cho sự phát triển của thành phố; bổ sung các chính sách mới phù hợp với đặc thù và thực tế của thành phố như: Quy định về chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, thành lập Sở An toàn thực phẩm…; đồng thời, đại biểu đề xuất nên mạnh dạn tạo cơ chế đột phá cho thành phố bằng cách thí điểm cho phép thành phố không phải nộp ngân sách về trung ương trong khoảng 1-2 năm để tập trung nguồn lực thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Đối với dự thảo NQ về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Lam đã quan tâm đóng góp một số nội dung như: Đề nghị rà soát lại những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để đưa ra lấy phiếu tín nhiệm cho đầy đủ (hiện trong dự thảo NQ còn thiếu chức danh Phó trưởng Ban HĐND do HĐND bầu).

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam phát biểu tại buổi thảo luận Tổ chiều ngày 30-5-2023.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam phát biểu tại buổi thảo luận Tổ chiều ngày 30-5-2023.

Đối với quy định một người đồng thời giữ nhiều chức vụ được lấy phiếu tín nhiệm một lần đối với tất cả các chức vụ đó, nếu kết quả lấy phiếu tín nhiệm có sự khác nhau giữa các chức vụ thì cần hướng dẫn sẽ sử dụng kết quả như thế nào.

Về quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên, đại biểu cho rằng: Hiện nay chưa có văn bản riêng quy định về danh mục các bệnh hiểm nghèo mà chỉ có một số nghị định, thông tư quy định một số bệnh hiểm nghèo riêng lẻ, vì vậy, cần làm rõ là bệnh hiểm nghèo áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật nào để thực hiện cho thống nhất. Đề nghị đổi tên Điều 12 từ “Hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm” thành “Sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm”; đổi tên Điều 17 từ “Hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm” thành “Sử dụng kết quả bỏ phiếu tín nhiệm” cho phù hợp với Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN