Cần duy trì quỹ quốc phòng, an ninh

26/06/2009 - 13:27
Dân quân tự vệ. Ảnh: P.Y

Ở Bến Tre, những năm trước đây, công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo bằng ngân sách Nhà nước. Đồng thời, nhân dân trong tỉnh cũng đóng góp một phần kinh phí đáng kể để hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như: huấn luyện, tuần tra canh gác, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thông qua quỹ quốc phòng, an ninh.

Quỹ quốc phòng, an ninh ở Bến Tre được thực hiện từ năm 2001, trên cơ sở Pháp lệnh dân quân tự vệ, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1996, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Chỉ thị 06 của UBND tỉnh và hướng dẫn liên ngành giữa Sở Tài chính vật giá, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh.

Theo các chỉ thị và văn bản của tỉnh đã ban hành, UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh được phép lập quỹ quốc phòng, an ninh. Các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và nhân dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh tham gia đóng góp vào quỹ quốc phòng, an ninh một cách tự nguyện.

Hàng năm, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, bằng nhiều hình thức, đã vận động nhân dân đóng góp hàng chục triệu đồng. Từ nguồn thu trên, các địa phương đã hỗ trợ cho hoạt động huấn luyện của dân quân tự vệ, mua sắm dụng cụ hỗ trợ cho lực lượng dân phòng tuần tra canh gác, đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở địa phương, khen thưởng đột xuất… góp phần động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ. Có thể khẳng định quỹ quốc phòng thật sự đem lại lợi ích cho cộng đồng, góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Văn Kiển, Chỉ huy trưởng – Ban Chỉ huy Quân sự xã Sơn Đông, cho biết: “Quỹ quốc phòng, an ninh thật sự đem lại hiệu quả, kích thích, động viên lực lượng dân quân địa phương tham gia huấn luyện, tuần tra, canh gác để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội”.

Do quỹ được xây dựng trên cơ sở tự nguyện, cho nên mỗi địa phương có cách vận động và nguồn thu khác nhau. Ông Phạm Ngọc Thạch ở ấp 4, xã Phước Hiệp chẳng những tích cực hưởng ứng việc đóng góp, mà còn vận động nhiều người trong xóm ấp cùng đóng góp để xây dựng quỹ.

Chỉ thị số 24 ra ngày 1-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định bỏ 4 loại phí, trong đó có phí an ninh trật tự; không quy định bỏ quỹ quốc phòng, an ninh. Nhưng một số địa phương đã tạm dừng thu quỹ quốc phòng, an ninh là chưa đúng với qui định của pháp luật và Điều 29 Pháp lệnh Dân quân tự vệ. Ngày 13-4-2009, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có ý kiến chỉ đạo Bộ Tư lệnh các quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành trong cả nước làm tham mưu cho UBND cùng cấp, tiếp tục thực hiện việc thu quỹ quốc phòng, an ninh. Đây cũng là điều cần thiết đối với các địa phương.

Cùng quan điểm trên, bà Đinh Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách chia sẻ những khó khăn của địa phương khi quỹ quốc phòng, an ninh tạm ngừng thu và mong muốn quỹ quốc phòng, an ninh phải tiếp tục được thực hiện.

Cùng chung tay, góp sức để giữ gìn an ninh trật tự xã hội ở địa phương, đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng là quyền lợi của mỗi người dân. Tuy nhiên, đóng góp như thế nào thì các ngành chức năng cần phải cân nhắc, nhất là đối với những hộ có thu nhập thấp, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.

Huỳnh Dũng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN