Cần làm rõ hơn một số quy định trong dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

20/06/2023 - 21:34

BDK.VN - Sáng 20-6-2023, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đại biểu Đặng Thuần Phong thảo luận dự thảo Luật Lực lượng tham gia  bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Tổ sáng 20-6-2023.

Đại biểu Đặng Thuần Phong thảo luận dự thảo Luật Lực lượng tham gia  bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Tổ sáng 20-6-2023.

Tham gia thảo luận tại Tổ số 9, đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre ủng hộ việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật, đại biểu thấy còn một số vấn đề cần làm rõ về chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cũng như nguồn lực đảm bảo thực hiện.

Về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn để tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an xã, các lực lượng tình nguyện khác như: Thanh niên tình nguyện tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh nông thôn…Đại biểu cũng đặt vấn đề định hướng chiến lược đối với hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Hiện tại ở cấp xã đã có lực lượng Công an xã chính quy, Công an xã bán chuyên trách, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, nếu thêm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nữa thì một xã có trên 10.000 dân sẽ có tổng cộng khoảng 20 người làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, tương đương số lượng biên chế của một xã loại 2. Trong khi đó, khuynh hướng dân số ở nước ta ngày càng già hóa, thanh niên trong độ tuổi lao động rời vùng nông thôn đến khu vực đô thị để làm việc, ở nông thôn trong tương lai gần dân số phần lớn chỉ có người già và trẻ em…Do đó, đại biểu đề nghị cần làm tốt công tác dự báo về phát triển dân cư để tính toán lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cho phù hợp, ổn định về số lượng, đảm bảo chất lượng.

Về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, tại Điều 21 dự thảo Luật quy định “Người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh thì được giải quyết như sau: Trường hợp không tham gia bảo hiểm y tế, nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí. Trường hợp bị thương thì được xét hưởng chính sách như thương binh, nếu hy sinh thì được xét công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật”. Đại biểu đề nghị làm rõ nếu không tham gia bảo hiểm y tế thì hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh chi từ nguồn nào; nếu không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì các chế độ trợ cấp khi bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động, tiền tuất, tiền mai táng phí…sẽ được chi từ nguồn nào để đảm bảo tính khả thi của quy định. Đại biểu cũng cho rằng các nội dung này Ban soạn thảo cần phải trao đổi, thống nhất với các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội.

Về nguồn lực đảm bảo, đại biểu đề nghị cần tính toán kỹ về ngân sách để đảm bảo thực hiện đúng, đủ các chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở quy định trong luật như: Các chế độ tiền bồi dưỡng, hỗ trợ, tiền tàu xe, tiền ăn, trang bị hồ sơ, sổ sách, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ được giao, công cụ hỗ trợ, trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu…Ngoài ra, vấn đề chổ ở cho lực lượng này cũng phải tính toán, vì có những địa bàn phường ở khu vực đô thị diện tích trụ sở khá chật hẹp, rất khó bố trí đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Đề nghị nên giao về cho địa phương xem xét, chủ động bố trí theo khả năng của địa phương.

 Tin, ảnh: Ái Thi

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN