Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy thảo luận dự thảo Luật Căn cước tại Tổ sáng ngày 10-6-2023.
Tham gia thảo luận tại Tổ số 9, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đã quan tâm góp ý các vấn đề sau:
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật, đại biểu thống nhất việc bổ sung người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch (gọi tắt là người gốc Việt Nam) vào đối tượng điều chỉnh của Luật. Đại biểu cho rằng việc bổ sung nhóm đối tượng này thể hiện quan điểm nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với những người Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa có giấy tờ chứng minh, chưa được công nhận là công dân Việt Nam. Theo đại biểu, tên của dự thảo Luật nên được giữ nguyên như Luật hiện hành là Luật Căn cước công dân sẽ phù hợp hơn.
Về tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các quy định của pháp luật có liên quan như: Luật Hộ tịch, Luật Cư trú để quy định cho thống nhất. Các luật này đều yêu cầu công dân phải cung cấp một số loại thông tin nhất định nhưng mỗi luật có yêu cầu khác nhau, đến dự thảo Luật Căn cước cũng tiếp tục yêu cầu công dân cung cấp thông tin, do đó, cần rà soát để quy định cho chặt chẽ, đồng thời có thể tích hợp các thông tin, tránh yêu cầu nhiều lần gây phiền hà cho người dân.
Về bảo mật thông tin, đại biểu cho rằng dự thảo Luật yêu cầu công dân cung cấp nhiều thông tin cá nhân nhưng quy định về bảo mật thông tin còn sơ sài, chưa chặt chẽ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung quy định về bảo mật chi tiết hơn, quy định rõ những ai được quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận mức độ nào, quyền truy cập…để tránh lộ, lọt thông tin cá nhân của công dân. Đại biểu cũng cho rằng quyền đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân là quyền con người, được Hiến pháp bảo hộ, do đó, các nội dung liên quan đến thông tin cá nhân đề nghị Ban soạn thảo nên đưa vào quy định rõ trong Luật, không giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo công khai, minh bạch.
Về việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi: Theo quy định của dự thảo Luật thì người từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Đại biểu cho rằng trong điều kiện hiện nay, dự thảo Luật nên tập trung vào việc cấp thẻ căn cước cho công dân Việt Nam đủ 14 tuổi trở lên và Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, nên tập trung quản lý tốt hai nhóm đối tượng này, sau đó mới tính đến việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi.
Tin, ảnh: Ái Thi