Đại biểu Trần Thị Thanh Lam thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Tổ sáng ngày 9-6-2023.
Tham gia thảo luận tại Tổ số 9, đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH đơn vị tỉnh Bến Tre trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, đã quan tâm góp ý các vấn đề sau:
Tại khoản 29, Điều 3, dự thảo Luật quy định: “Hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình có quyền sử dụng đất nông nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà trực tiếp sản xuất và có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác”. Tương tự như vậy cần rà lại quy định khoản 7 Điều 3 quy định “cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp” đại biểu cho rằng quy định “không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước” là chưa rõ và chưa hợp lý.
Theo đại biểu, một hộ gia đình có thể có nhiều thành viên nhưng quy định chưa rõ là toàn bộ thành viên của hộ gia đình đều không hưởng lương từ ngân sách hay chỉ một thành viên của hộ có hưởng lương từ ngân sách thì xem như cả hộ gia đình đó đều không được tính là hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Thực tiễn không hợp lý ở chổ: theo quy định trên thì đối tượng là cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách không được xem là hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp, do đó, không thể có quyền nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Trong khi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhiều vùng nông thôn khác trên cả nước hiện nay, nhiều cán bộ, công chức ở cơ sở có đất nông nghiệp do thừa kế, đã và đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, mang lại nguồn thu nhập chính đáng cho bản thân và gia đình nhưng lại không được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này để đảm bảo quyền lợi của người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng như phù hợp với tình hình thực tế.
Liên quan đến chính sách đối với đất trồng lúa, khoản 2, Điều 182 dự thảo Luật quy định: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao”. Đại biểu cho rằng quy định trên chỉ phù hợp với vùng chuyên canh sản xuất lúa, còn đối với các hộ gia đình canh tác đất lúa nhỏ lẻ thì hầu như chưa có chính sách phù hợp.
Trên thực tế, nhiều hộ gia đình do sản xuất lúa nhỏ lẻ không hiệu quả nên đã tự ý chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi khác, ảnh hưởng diện tích đất lúa, chính quyền cũng khó quản lý. Do đó, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu có chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình sản xuất lúa dạng nhỏ lẻ để giúp họ sản xuất hiệu quả, ổn định đời sống, hạn chế tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Liên quan đến quy định về xây dựng và ban hành bảng giá đất tại Điều 159, khoản 1 quy định: “UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất lần đầu để công bố và thực hiện từ ngày 1-1-2026. Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cấp tỉnh để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung áp dụng từ ngày 1-1 của năm đó”. Khoản 2, Điều 159 quy định: “Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với nơi có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.” Đại biểu cho rằng quy định trên tính khả thi không cao, khó trong quá trình thực thi pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại về thời điểm, khả năng tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương, chu kỳ bảng giá đất, giá đất ở khu vực giáp ranh…để đảm bảo tính khả thi.
Tại điểm d, khoản 2, Điều 79 dự thảo Luật quy định Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình sự nghiệp gồm: “Cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội: bệnh viện, phòng khám; phòng chẩn trị y học cổ truyền; cơ sở dịch vụ cận lâm sàng; cơ sở cấp cứu ngoại viện; nhà hộ sinh, điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, dưỡng lão; trạm y tế; cơ sở phòng chống dịch bệnh; cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm chuyên ngành y tế; các cơ sở y tế khác; khu nuôi dưỡng người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động;”. Đại biểu cho rằng quy định như trên có một số nội dung trùng nhau như “dưỡng lão” và “khu nuôi dưỡng người già” trong khi lại chưa liệt kê đầy đủ cơ sở y tế, nhà tạm lánh đã quy định tại Điều 3, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, cơ sở cai nghiện ma túy quy định tại khoản 2, Điều 36 của Luật Phòng chống ma túy, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập quy định tại Điều 31 Luật Người khuyết tật, Trung tâm Điều dưỡng người có công với cách mạng…Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát các Luật này để bổ sung, chỉnh sửa tên các cơ sở dịch vụ xã hội cho chính xác và đầy đủ.
Tại khoản 1, Điều 16 về trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, dự thảo Luật quy định: “Có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.” Đại biểu đề nghị bổ sung, chỉnh sửa như sau: “Có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề và giới thiệu việc làm ổn định, ưu đãi vay vốn giải quyết việc làm”.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại khoản 10, Điều 171; điểm h, khoản 2, Điều 10 và Điều 212 quy định về “đất nghĩa trang, đất nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cơ sở lưu giữ tro cốt” để quy định cho thống nhất giữa các điều khoản.
Tin, ảnh: Ái Thi