BDK.VN - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, vào chiều 23-5-2025, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội trường
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương sửa đổi, bổ sung các luật nói trên.
Đại biểu đánh giá, việc điều chỉnh, hoàn thiện các quy định pháp luật này là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; đồng thời, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, quản lý tài chính công, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Bên cạnh sự thống nhất về mặt chủ trương và định hướng chung, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cũng đã đề xuất một số góp ý cụ thể đối với từng dự án luật nhằm bảo đảm tính khả thi, minh bạch và phù hợp với thực tiễn thi hành.
Thứ nhất, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu
Trước hết, tại điểm b khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật, bổ sung điểm i vào sau điểm h khoản 1 Điều 10, quy định như sau: “i)Sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành được sản xuất bởi doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; sản phẩm, dịch vụ công nghệ số do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam sản xuất đáp ứng tiêu chí về nghiên cứu, thiết kế, phát triển do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành”.
Đại biểu cho rằng, quy định trên đã mở rộng phạm vi ưu đãi đối với các sản phẩm đổi mới sáng tạo có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, nội dung này cần được rà soát, làm rõ hơn nhằm đảm bảo tính thống nhất với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Đấu thầu năm 2023, trong đó xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam là một trong những đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.
Hiện nay, Luật Đấu thầu năm 2023 và dự thảo Luật sửa đổi đều chưa quy định cụ thể về tiêu chí xác định điều kiện hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực tế và làm phát sinh cách hiểu, cách áp dụng khác nhau giữa các chủ thể.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung quy định rõ về điều kiện, tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam trong dự thảo Luật. Việc này sẽ góp phần minh bạch hóa cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo trong nước được tham gia hiệu quả vào các hoạt động đấu thầu và đầu tư công.
Tiếp theo, tại khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật, bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 1 Điều 31 quy định như sau: “c) Đấu thầu rộng rãi đối với gói thầu trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông; gói thầu có công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành”. Đại biểu thống nhất với việc bổ sung quy định này, tuy nhiên, đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng tại điểm c bằng cách bổ sung cụm từ “gói thầu xây lắp có quy mô lớn” vào cuối điểm nàyvàđiều chỉnh như sau:“c) Đấu thầu rộng rãi đối với gói thầu trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông; gói thầu có công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành; gói thầu xây lắp có quy mô lớn”.
Việc bổ sung này nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong đấu thầu, góp phần lựa chọn được nhà thầu có năng lực phù hợp, bảo đảm chất lượng thực hiện gói thầu, đồng thời giảm thiểu nguy cơ loại bỏ các nhà thầu có năng lực cạnh tranh về giá.
Cuối cùng, về quy định tại khoản 5 Điều 23 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 liên quan đến chỉ định thầu, hiện quy định cho phép thời hạn thực hiện chỉ định thầu không quá 45 ngày và tối đa 90 ngày đối với “gói thầu có quy mô lớn, phức tạp”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cụm từ “gói thầu có quy mô lớn” chưa được định nghĩa rõ ràng hoặc có hướng dẫn cụ thể trong luật hiện hành.
Việc chưa có khái niệm hoặc tiêu chí xác định rõ “gói thầu có quy mô lớn” không chỉ gây khó khăn trong việc áp dụng nhất quán giữa các đơn vị, mà còn ảnh hưởng đến việc thực thi các quy định có liên quan trong dự thảo luật, ví dụ như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 được nêu ở trên.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần bổ sung phần giải thích từ ngữ hoặc hướng dẫn cụ thể để làm rõ khái niệm “gói thầu có quy mô lớn”. Điều này sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch và thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, giảm thiểu rủi ro trong tổ chức thực hiện các hoạt động đấu thầu.
Thứ hai, về sửa đổi một số Điều của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Tại khoản 9 Điều 2 dự thảo Luật sửa đổi Điều 31 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tưvề lựa chọn nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư quốc tế, trong đó, khoản 4 Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau: “4. Đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia áp dụng lựa chọn nhà đầu tư quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài phải liên danh với nhà đầu tư trong nước hoặc sử dụng đối tác là nhà thầu trong nước. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài có cam kết chuyển giao công nghệ cho nhà đầu tư, đối tác trong nước thì được hưởng ưu đãi khi đánh giá hồ sơ dự thầu”.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đánh giá cao quy định này, việc quy định nhà đầu tư quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài phải liên danh với nhà đầu tư trong nước hoặc sử dụng đối tác là nhà thầu trong nước góp phần thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ và phù hợp với định hướng tăng cường năng lực nội sinh theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của BCHTW.
Chính sách ưu đãi với nhà đầu tư có cam kết chuyển giao công nghệ cũng là hướng tiếp cận tích cực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Tuy nhiên, để tránh gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện, đại biểu đề nghị áp dụng quy định theo hướng linh hoạt, phân loại dự án và xây dựng lộ trình cụ thể. Đồng thời, cần bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí đánh giá, mức độ cam kết và cơ chế giám sát ưu đãi chuyển giao công nghệ, nhằm bảo đảm tính khả thi, minh bạch và hiệu quả trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.