Cân nhắc luật hóa chế độ làm việc trực tuyến trong khu vực công

14/05/2025 - 18:57

BDK.VN - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 14-5-2025, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại Quốc hội tỉnh Bến Tre có ý kiến đối với dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đánh giá cao việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức lần này, cho rằng những nội dung sửa đổi là thiết thực và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Việc điều chỉnh luật không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức mà còn giúp tinh gọn bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu cho rằng vẫn còn thiếu một nội dung quan trọng, mang tính thời sự và thực tiễn cao, đó là quy định về chế độ làm việc từ xa, làm việc trực tuyến. Đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra sâu rộng, việc công nhận và điều chỉnh hình thức làm việc từ xa là một yêu cầu tất yếu.

Đây không chỉ là xu hướng hiện đại mà còn là giải pháp phù hợp nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động điều chỉnh hệ thống pháp luật nhằm hợp thức hóa và thúc đẩy mô hình làm việc linh hoạt, trong đó có làm việc trực tuyến và làm việc từ xa trong khu vực công.

Thực tiễn thời gian qua, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, cho thấy nhiều cơ quan hành chính nhà nước đã chủ động triển khai thí điểm và từng bước mở rộng hình thức làm việc từ xa, làm việc trực tuyến. Mặc dù chưa được luật hóa, nhưng mô hình này đã chứng minh tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Trong nhiều trường hợp, làm việc từ xa không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành, giảm thời gian di chuyển mà còn góp phần nâng cao hiệu suất công việc, tạo sự linh hoạt và thuận lợi cho cán bộ, công chức, nhất là tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có khoảng cách địa lý lớn sau quá trình sáp nhập đơn vị hành chính.

Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, hạ tầng công nghệ thông tin, các phần mềm quản lý công việc, hệ thống văn bản điện tử, nền tảng họp trực tuyến... ngày càng được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện để cán bộ, công chức có thể làm việc hiệu quả mà không bị giới hạn bởi không gian địa lý. Đây chính là cơ sở thực tiễn và kỹ thuật vững chắc để hình thức làm việc từ xa trở thành một phần chính thức trong nền công vụ hiện đại.

Tuy nhiên, Luật Cán bộ, công chức hiện hành chưa có quy định cụ thể và chính thức về chế độ làm việc từ xa. Điều này không chỉ gây lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện, mà còn tạo ra tâm lý e ngại, thiếu mạnh dạn trong việc đổi mới phương thức làm việc trong khu vực công.

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi kiến nghị một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần chính thức hóa hình thức làm việc từ xa, làm việc trực tuyến như một phương thức làm việc hợp pháp trong khu vực hành chính nhà nước. Việc áp dụng cần được thực hiện linh hoạt, có chọn lọc, căn cứ vào vị trí việc làm, tính chất nhiệm vụ, cũng như điều kiện hạ tầng kỹ thuật của từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.

 Thứ hai, để hình thức làm việc từ xa phát huy hiệu quả thực chất, cần xây dựng một cơ chế đánh giá công việc rõ ràng, khoa học và dựa trên kết quả đầu ra. Đại biểu đề xuất Luật cần định hướng xây dựng hệ thống đánh giá đa chiều, bao gồm: (i) mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo tiến độ, chất lượng; (ii) mức độ hài lòng của người dân và tổ chức khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; (iii) nhật ký công tác điện tử, phần mềm giao việc và tuân thủ quy trình xử lý số, tương tác trực tuyến qua hệ thống phần mềm quản lý và báo cáo định kỳ minh bạch, có thể lưu vết, kiểm tra; (iv) mức độ phối hợp, trách nhiệm và sự chủ động sáng tạo trong công việc, kể cả khi không làm việc trực tiếp tại trụ sở; (v) ứng dụng các công cụ số để giám sát, đánh giá công việc mà không cần giám sát trực tiếp.

Thứ ba, cần phân cấp rõ trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc xem xét, quyết định cho phép cán bộ, công chức làm việc từ xa. Việc này phải bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, kỷ luật và khả năng kiểm soát tiến độ, chất lượng công việc. Đồng thời, quy định này cũng góp phần tạo điều kiện linh hoạt hơn cho những cán bộ, công chức có hoàn cảnh đặc biệt mà vẫn đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính, tinh giản biên chế và yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, việc triển khai hình thức làm việc từ xa không chỉ giúp tiết kiệm thời gian di chuyển, giảm chi phí hành chính, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là những người có năng lực nhưng gặp khó khăn về điều kiện công tác tập trung. Đây là giải pháp thiết thực, phù hợp với xu thế quản trị công hiện đại, linh hoạt, lấy hiệu quả làm trung tâm. Nếu chúng ta thực sự hướng tới xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ Nhân dân, thì không thể tiếp tục duy trì mô hình làm việc cứng nhắc, ràng buộc bởi không gian, thời gian mà bỏ qua yếu tố quan trọng nhất: hiệu quả và chất lượng thực chất của công việc. Việc luật hóa hình thức làm việc từ xa, đồng thời đổi mới cơ chế đánh giá công việc trên nền tảng công nghệ số, không chỉ tạo ra hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng, mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, cải cách hành chính và nâng cao năng lực vận hành của bộ máy nhà nước trong giai đoạn mới.

Từ những phân tích nêu trên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu và thể chế hóa nội dung về chế độ làm việc từ xa cùng cơ chế đánh giá phù hợp trong Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức làm việc và nâng cao hiệu quả hoạt động của nền công vụ trong thời đại số.

Tin, ảnh: Kim Ngân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN