Cần sửa đổi toàn diện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

11/05/2025 - 05:14

BDK.VN - Chiều 10-5-2025, tiếp tục chương trình Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại Tổ. Tham gia thảo luận tại Tổ số 9, góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thống nhất cao với việc cần phải sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu thảo luận tại Tổ chiều ngày 10-5-2025

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu có các góp ý về việc nên sửa đổi, bổ sung một số điều hay sửa đổi toàn diện, quan điểm của đại biểu là cần sửa đổi toàn diện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ nhất, về cách tiếp cận đối tượng quản lý, dự thảo Luật đã tiếp cận đối tượng quản lý theo ngành, lĩnh vực (tất cả các ngành từ nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, chiếu sáng công cộng, sinh hoạt...đều đưa vào quản lý). Về khối lượng năng lượng sử dụng, quản lý theo hai mức: mức sử dụng nhiều năng lượng và mức sử dụng thấp hơn hiệu suất năng lượng tối thiểu. Từ cách tiếp cận trên, dự thảo Luật đưa ra các phương án, chính sách và giải pháp quản lý là đối với các đơn vị sử dụng nhiều năng lượng thì bắt buộc áp dụng một số biện pháp để giảm năng lượng; đối với các ngành, lĩnh vực đang sử dụng ít năng lượng nhưng có nguy cơ gia tăng sử dụng năng lượng, hoặc muốn tiết kiệm năng lượng, thì có các chính sách khuyến khích về vốn, đất đai, thuế và sử dụng các Quỹ để hỗ trợ áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, đại biểu thấy qua bố cục của dự thảo Luật trình bày thì các chính sách này chưa rõ là ngành, lĩnh vực nào thì được ưu tiên; ngành, lĩnh vực nào thì bắt buộc phải áp dụng và lộ trình áp dụng như thế nào; ngành, lĩnh vực nào thì cần khuyến khích...Ngoài ra, qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này về cơ bản toàn bộ dự thảo Luật là xây dựng chính sách ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

So với dự thảo Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 thì các giải pháp, chính sách đề ra trong dự thảo Luật này còn thấp, chưa có nhiều đổi mới, chưa có độ mở. Lộ trình và khả năng cân đối ngân sách để thực hiện các chính sách đề ra cũng chưa bảo đảm, ví dụ như chính sách khuyến khích áp dụng các chủng loại máy móc, thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn, sau khi kiểm toán năng lượng nếu thấy năng lượng tiêu hao quá nhiều thì phải thay thế các chủng loại máy móc, thiết bị có hiệu suất vượt mức hiệu suất sử dụng năng lượng tối thiểu...đại biểu cho rằng khó có thể đảm bảo ngân sách hỗ trợ để thực hiện chính sách này một cách đại trà, thiếu trọng tâm, trọng điểm như dự thảo Luật.

Về các chính sách ưu đãi, dự thảo Luật quy định chính sách ưu đãi về thuế thì sẽ áp dụng theo pháp luật về thuế; chính sách ưu đãi về đất đai thì áp dụng theo pháp luật về đất đai; ưu đãi về vốn thì được vay vốn lãi suất thấp. Quy định như vậy thì chưa hấp dẫn và dường như còn hẹp hơn các chính sách quy định tại dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được Quốc hội cho ý kiến, nhất là đối với quy trình, thủ tục áp dụng chính sách. Hơn nữa, các ngân hàng thương mại thực chất là hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp, để ưu đãi về lãi suất như dự thảo Luật quy định thì Nhà nước phải cấp bù ngân sách cho các tổ chức tín dụng mới thực hiện được việc cho vay ưu đãi này.

Dự thảo Luật cũng đề ra cơ chế thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả “theo hướng xã hội hóa”, nhưng chưa rõ là sẽ thực hiện xã hội hóa như thế nào, chưa rõ về tiêu chí hình thành Quỹ cũng như cách sử dụng Quỹ. Đại biểu cho rằng các quy định như vậy chẳng khác nào chúng ta tự “lấy đá ghè chân mình”. Việc thực hiện các cam kết quốc tế phải phù hợp với điều kiện, khả năng cân đối ngân sách cũng như trình độ phát triển của nền kinh tế trong nước. Nếu như chúng ta đưa ra các giải pháp, chính sách bắt buộc áp dụng ngay đối với doanh nghiệp thì có khi sẽ làm gia tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Ví dụ quy định các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng thì bắt buộc 3 năm phải tiến hành kiểm toán năng lượng một lần, nhưng bước tiếp theo phải làm gì, giải pháp xử lý ra sao... sau khi có kết quả kiểm toán thì Luật cũng chưa nói rõ, trong khi doanh nghiệp phải trả chi phí để thực hiện kiểm toán năng lượng. Hay như quy định về dán nhãn năng lượng, đối với các máy móc, thiết bị khi nhập khẩu đã được dán nhãn năng lượng rồi, hoặc đã được ghi rõ thông tin về sử dụng năng lượng thì có phải dán nhãn nữa hay không cũng chưa rõ.

Thứ hai, đại biểu nhận thấy nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật đa số tập trung vào sửa đổi tên gọi của các cơ quan cho phù hợp với các dự thảo Luật khác cũng đang sửa đổi để sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, hơn là tập trung sửa đổi về mặt nội dung, tức là sửa các quy định để thể chế hóa chủ trương, quan điểm, nghị quyết, định hướng của Đảng về phát triển, sử dụng năng lượng cũng như lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0.

Từ những phân tích trên, đại biểu thấy rằng cần phải sửa đổi toàn diện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vì Luật ban hành năm 2010, có hiệu lực năm 2011, qua 15 năm thực hiện, nhiều quy định đã lạc hậu, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, bổ sung thêm một vài chính sách mới mà chưa đầy đủ, đồng bộ thì có khi chỉ tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp.

Về các nội dung cụ thể, đại biểu quan tâm các vấn đề sau:

Khoản 4, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi Điều 7 có quy định như sau: “Các quy định về thống kê trong lĩnh vực năng lượng được thực hiện theo pháp luật về thống kê” nhưng đối chiếu với pháp luật thống kê thì đại biểu thấy không có quy định chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng. Và theo dự thảo Luật thì mỗi ngành lại có chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng khác nhau, nếu giao cho cấp tỉnh thống kê và đưa chỉ tiêu này vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm thì sẽ không đảm bảo khả thi, thêm gánh nặng cho địa phương.

Tại Khoản 6, Điều 1 sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 13 có quy định: “Đơn vị khai thác, vận chuyển, phân phối than, dầu khí phải có phương án tận thu khí đồng hành và tài nguyên năng lượng khác...”. Đại biểu cho rằng việc tận thu khí đồng hành nên tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp trên lĩnh vực này, xem liệu có khả thi, hiệu quả hay không, nếu tận thu khí mà bán được thì mới yêu cầu doanh nghiệp làm, còn tận thu mà không bán được, không để làm gì thì cũng không nên bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Và thủ tục hành chính để thực hiện cũng chưa được quy định trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật bổ sung khoản 3 vào Điều 13 như sau: “Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ sở sản xuất, vận chuyển, phân phối, sử dụng năng lượng xây dựng và ban hành quy định về định mức sử dụng năng lượng tự dùng trong các cơ sở.”. Đại biểu cho rằng quy định việc Bộ Công thương phải phối hợp với từng cơ sở để xây dựng định mức là không khả thi, nhất là trong điều kiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế như hiện nay thì không đủ cán bộ để thực hiện, và cũng không cần thiết cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ phải thực hiện công việc này. Thay vì phải phối hợp với các cơ sở để xây dựng định mức thì nên đưa ra quy tắc chung khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện. Theo đại biểu, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang có hiệu lực như hiện nay, thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã và đang chủ động triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng để đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu chứ không chờ cơ quan nhà nước phải yêu cầu. Do đó, cơ quan quản lý chỉ nên đưa ra hành lang pháp lý mang tính nguyên tắc nhưng đảm bảo thông thoáng, để khi các cam kết quốc tế có thay đổi, thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ và doanh nghiệp sẵn sàng áp dụng được ngay mà không làm gia tăng chi phí.

Khoản 11 của Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi Điều 32 như sau: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm một năm một lần và gửi Bộ Công Thương tổng hợp.” Tuy nhiên tại Điều 45 quy định trách nhiệm của Bộ Công thương là “Tổ chức hệ thống cơ sở dữ liệu năng lượng quốc gia”, nhưng chưa có quy định cụ thể về cơ sở dữ liệu này cũng như việc xây dựng, ban hành, việc kết nối, cung cấp, chia sẻ, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp...Trong khi chúng ta đang chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, đa số các quy định trong dự thảo Luật lại yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải báo cáo bằng văn bản, không thấy việc trao đổi thông tin, khai thác thông tin thông qua cơ sở dữ liệu, mặc dù có quy định về cơ sở dữ liệu. Điều này là chưa cụ thể hóa đúng, đủ tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số.

Khoản 12, Điều 1 sửa đổi điểm đ khoản 1 Điều 33 như sau: “đ) Áp dụng mô hình quản lý năng lượng theo quy định của Bộ Công thương. Tổ chức duy trì hệ thống đo đếm, đảm bảo tính chính xác của hệ thống đo đếm nhằm theo dõi, giám sát tình trạng sử dụng năng lượng để thống kê tình hình tiêu thụ, sử dụng các dạng năng lượng, lập bảng cân bằng năng lượng của cơ sở”. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc nội dung của quy định để tránh gây ra gánh nặng cho doanh nghiệp. Theo đại biểu, để trụ vững và kinh doanh hiệu quả, các doanh nghiệp luôn luôn phải tính toán để tối ưu hóa các chi phí, trong đó, có tiết kiệm sử dụng năng lượng. Do đó, không nên áp đặt cho doanh nghiệp phải áp dụng mô hình này, hệ thống kia, nhất là khi các tiêu chuẩn, tiêu chí ban đầu của hệ thống, mô hình chưa được quy định rõ…mà nên để họ được tự quyết định áp dụng các giải pháp, mô hình, cách thức quản lý phù hợp với điều kiện của họ, miễn sao mang lại hiệu quả là tiết kiệm được năng lượng.

Về dán nhãn năng lượng, khoản 2 Điều 37 dự thảo Luật quy định về dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sử dụng sử dụng năng lượng và khoản 3 quy định về công bố thông tin cần thiết về sử dụng năng lượng. Đại biểu cho rằng hai quy định này cũng giống nhau, đề nghị xem lại nếu đã có công bố thông tin cần thiết về sử dụng năng lượng của phương tiện, thiết bị rồi thì có cần phải dán nhãn năng lượng nữa không để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh sửa các quy định cho đồng bộ với các quy định của các Luật khác cũng đang được sửa đổi tại Kỳ họp thứ 9 như quy định về chức năng thanh tra của Bộ Công thương (theo Luật Thanh tra đang sửa đổi thì đã bỏ chức năng thanh tra chuyên ngành của các Bộ, trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng); những nội dung quy định là nhiệm vụ của chính quyền cấp xã thì cần phải tương thích với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi…Rà soát và lược bỏ các điều, khoản có giao cho Bộ Công thương hướng dẫn hoặc quy định vì không còn phù hợp với quan điểm xây dựng pháp luật hiện nay là chỉ đưa vào luật những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Rà soát, chỉnh sửa các quy định quá chi tiết, có thể gây khó khăn, vướng mắc trong áp dụng như quy định về các chất liệu xây dựng các công trình để đảm bảo tiết kiệm năng lượng, có thể gây mâu thuẫn với Luât Xây dựng; làm rõ hơn quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia tại Điều 45...

          Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN