Cần tư vấn, định hướng cho học sinh

27/03/2015 - 07:13
Học sinh nên tìm hiểu nghề bằng nhiều thông tin.

Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia có nhiều điểm mới nên áp lực, gánh nặng tâm lý đối với thí sinh và phụ huynh là không tránh khỏi. Ngoài nỗi lo về việc tổ chức thi, đưa đón thí sinh, năng lực học tập, phụ huynh học sinh còn quan tâm chọn trường, ngành học.

Dù biết rằng cánh cửa đại học không phải là con đường duy nhất bước vào đời nhưng làm thế nào để chọn trường, ngành học phù hợp với năng lực bản thân, hoàn cảnh kinh tế gia đình, đáp ứng nhu cầu xã hội là điều khá quan trọng. Để việc hướng nghiệp đạt hiệu quả, phụ huynh và học sinh cần có điểm chung nhất định, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình và năng lực của học sinh. Việc chọn nghề “hot” hay dựa vào mối quan hệ của gia đình đôi lúc trở thành “gánh nặng”, dễ dẫn đến thất bại trên bước đường phấn đấu sau này của các em.   

Bà Bùi Thị Xuân ở ấp Lộc Thới, xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, phụ huynh em Võ Duy Minh, lớp 12C7, Trường THPT Lê Quý Đôn tâm sự: “Năm nay, lấy kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở xét tuyển sinh cao đẳng, đại học. Điều này làm giảm đi chi phí cũng như việc đi lại cho cả thí sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều thí sinh chưa đi xa lần nào, tâm lý ít nhiều bị ảnh hưởng. Đến thời điểm này, việc tổ chức thi, tài liệu ôn tập, cấu trúc đề thi áp lực không nhiều bằng việc tư vấn giúp con chọn trường, ngành học sau khi có kết quả thi. Dù lợi thế hơn so với những năm trước, tôi vẫn băn khoăn tiêu chuẩn đầu vào của các trường năm nay ra sao? Số lượng thí sinh được tuyển là bao nhiêu, điểm tuyển vào cao hay thấp so với năm trước? Học xong ra trường, con của mình có tìm được việc làm hay không?...”

Ông Đoàn Thiên Lương ở Phường 4, TP. Bến Tre chia sẻ: Hiện áp lực lớn nhất đối với các bậc phụ huynh không dừng lại thi ở đâu, thi như thế nào mà là việc chọn nghề, chọn trường cho con. Năm nào cũng thi tốt nghiệp, nội dung thi nằm trong chương trình đã học. Nhưng phía sau kỳ thi là vấn đề hệ trọng, quyết định cuộc đời các em. Phụ huynh không nên can thiệp quá sâu, cứ để con em mình học theo khả năng, đừng gây áp lực nhất là vấn đề thi cử. Điều quan trọng là làm thế nào giúp các em chọn nghề, chọn trường mà xã hội không đào thải, tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp, phát huy kiến thức đã học. Tránh tình trạng cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học phải đi làm công nhân. Ông Lương nói: “Nguyên tắc vàng mà tôi đang thực hiện cho con gái Đoàn Thị Thảo Vy, lớp 122, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu là chọn nghề sao cho phù hợp với năng khiếu, hoài bão, nguyện vọng của bản thân và hoàn cảnh kinh tế gia đình, dung hòa giữa nhu cầu xã hội và năng lực bản thân”.

Em Nguyễn Thị Anh Thư, lớp 126, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Trước mắt, em tập trung học tốt để đạt điểm cao trong năm học 12. Năm nay, quy chế tuyển sinh của một vài trường đại học có thay đổi. Vì vậy, em sẽ cân nhắc thật kỹ trong chọn nghề. Bản thân em hiểu rõ có năng khiếu ở lĩnh vực nào, tìm hiểu về ngành học phù hợp, sau đó mới chọn ngành học. Dù chọn trường sau khi có điểm thi nhưng nếu chọn nguyện vọng không phù hợp thì cơ hội có việc làm rất thấp”.

Ông Đặng Bửu Truyển - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu thông tin thêm: Năm nay, các trường có quy định tuyển sinh rất đa dạng, không theo khối thi nhất định. Do vậy, học sinh phải cập nhật thường xuyên thông tin về các trường dự định sẽ đăng ký xét tuyển. 4 phiếu điểm giống nhau nhưng mã ngạch khác nhau, tương ứng với 4 nguyện vọng. Do vậy, nguyện vọng được xét theo nguyên tắc “1 giấy, 1 đợt, 1 trường”. Khi nguyện vọng 1 đã đỗ thì các nguyện vọng khác không có giá trị. Thí sinh nên hiểu đúng, hiểu đủ về trường mình sẽ chọn để không phải bị sảy chân. Bởi nếu nguyện vọng 1 không đỗ thì nguyện vọng 2 sẽ không trúng tuyển vào trường phù hợp với năng lực của bản thân. Cái khó của phụ huynh là tư vấn thế nào để học sinh chọn ngành, nghề phù hợp với trình độ, năng lực cũng như hoàn cảnh kinh tế gia đình.

Chọn trường, ngành học là khá quan trọng nhưng không nên áp đặt, phụ huynh cần tôn trọng để các em tự quyết định tương lai của mình. Nếu như bản thân con người biết phấn đấu thì nghề nghiệp nào cũng thành công. Vì vậy, gia đình nên giáo dục và xây dựng niềm tin, lý tưởng sống để các em có hướng phấn đấu cho sự nghiệp tương lai. 

Bài, ảnh: P. Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN