Cảnh báo đuối nước ở trẻ em

15/12/2021 - 06:14

BDK - Một vụ đuối nước thương tâm tại xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú xảy ra vào ngày 28-11-2021 đã khiến hai cháu nhỏ là chị em ruột tử vong. Sự việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tai nạn đuối nước ở trẻ trong những ngày nghỉ do dịch Covid-19.

Chính quyền địa phương và mạnh thường quân đến thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho gia đình có trẻ bị đuối nước tại xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú.

Chính quyền địa phương và mạnh thường quân đến thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho gia đình có trẻ bị đuối nước tại xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú.

Thiếu sự quản lý, giám sát

Căn nhà của hai cháu nhỏ tử vong do đuối nước ở ấp An Ngãi A, xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú nằm sâu trong một khu đất nuôi tôm. Hiện trường vụ đuối nước là ao nuôi tôm sâu gần 2m, không được rào chắn xung quanh, cách nhà nạn nhân chừng 60m. Được biết, vào ngày 28-11-2021, bé gái (sinh năm 2014) và bé trai (sinh năm 2016) đến ao để chơi. Một lúc sau, hai em đi xuống xuồng và không may trượt té. Khi mọi người xung quanh phát hiện vớt đưa lên bờ, hai em đã tử vong.

Gia đình của hai cháu nhỏ tử vong do đuối nước là hộ cận nghèo, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chị Đinh Thị Nê, mẹ nạn nhân cho biết, hàng ngày, chị chạy xe ôm, chồng đi cắt cỏ nuôi bò. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cả hai con vẫn chưa thể đến trường. Khi cha mẹ đi làm, hai em ở nhà với anh trai 14 tuổi. Chỉ một chút lơ là trông coi thì xảy ra sự việc đau lòng.

Đây chỉ là một trong 7 vụ đuối nước ở trẻ em tại tỉnh tính từ đầu tháng 7-2021 cho đến nay. Qua các vụ đuối nước ở trẻ trong thời gian qua cho thấy, nguyên nhân chủ yếu do trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng thiếu kỹ năng xử lý tình huống khi xuống nước. Ngoài ra, môi trường sống của trẻ chưa thực sự an toàn, nhiều nhà sống gần ao, hồ, sông, kênh, rạch… nhưng không có hàng rào chắn hay nhà có những vật chứa nước không có nắp đậy. Đặc biệt, người lớn tập trung cho công việc nên chủ quan, thờ ơ, thiếu sự quản lý, giám sát để cho trẻ em tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như: ao, hồ, sông, rạch.

Có thể phòng ngừa được

Để tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, UBND tỉnh đã có nhiều công văn về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước, xâm hại trẻ em; tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống đuối nước trẻ em ở các cấp, các ngành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật và huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ.

Nói về các biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ, thầy Nguyễn Văn Hận, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trường Sinh, huyện Thạnh Phú bày tỏ quan điểm: Hiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, học sinh vẫn chưa thể đến trường. Trong thời gian này, phụ huynh cần tăng cường quản lý con em, không để các em đi tắm ở ao, hồ, sông, rạch mà không có sự giám sát, quản lý của người lớn. Đối với trẻ nhỏ, khi cha mẹ đi làm phải nhờ người trông coi cẩn thận. Bên cạnh đó, phụ huynh nên dành thời gian tập bơi cho trẻ. Đối với nhà trường, giáo viên, trong các buổi học trực tuyến nên tăng cường nhắc nhở phụ huynh, học sinh về cách phòng tránh tai nạn đuối nước để nâng cao cảnh giác phòng ngừa.

Tai nạn, thương tích, trong đó có tai nạn đuối nước ở trẻ là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các ngành, đoàn thể trong việc quản lý, dạy kỹ năng phòng ngừa đuối nước, tạo môi trường vui chơi an toàn và lành mạnh cho trẻ.

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm, tình trạng đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam, tập trung vào những tháng hè. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các em không thể đến trường nên kỳ nghỉ lại kéo dài hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc những nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích, trong đó có tai nạn đuối nước còn nhiều rình rập đối với trẻ. Đặc biệt là ở vùng nông thôn, môi trường xung quanh có nhiều ao, hồ, kênh, rạch và sân chơi cho trẻ còn thiếu thốn, hạn chế.

Bài, ảnh: Thanh Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN