Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản

10/05/2017 - 07:24
Người dân đến Phòng Cảnh sát hình sự trình báo việc bị lừa đảo.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Đáng chú ý là phương thức giả danh cán bộ cơ quan công quyền để thực hiện hành vi lừa đảo. Sập bẫy lừa của bọn xấu, có nạn nhân bị thiệt hại số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

 

Nhiều chiêu lừa tinh vi

Chiều 24-4-2017, anh T. A. Th. (sinh năm - SN 1982, đăng ký thường trú - ĐKTT huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), đang tạm trú ở Khu phố 3, phường Phú Khương, TP. Bến Tre đến cơ quan công an trình báo việc mình bị lừa đảo mất 27 triệu đồng. Trước đó, anh Th. thấy quảng cáo trên mạng ZALO có bán chiếc xe mô tô SH giá 27 triệu đồng nên muốn mua xe. Anh Th. liên lạc với một người có tên là Dũng qua 2 số điện thoại:  0935274161, 0964846641 để tiến hành các thủ tục mua xe qua mạng. Hai bên thỏa thuận khi bên mua chuyển đủ số tiền đến tài khoản 234606198 của người có tên là Nguyễn Thanh Luân thì bên bán sẽ giao hàng tận nơi. Sau 2 lần đến Ngân hàng Á Châu chuyển đủ số tiền 27 triệu đồng cho bên bán, anh Th. điện thoại tới người có tên Dũng để yêu cầu giao xe thì các số điện thoại trên không còn liên lạc được.

Trong thời gian chưa đầy một tháng (từ nửa cuối tháng 3 đến 19-4-2017), địa bàn tỉnh xảy ra liên tiếp 5 vụ lừa đảo bằng hình thức giả danh cán bộ công an, Viện Kiểm sát nhân dân để lừa đảo. Bọn chúng gọi điện đến nhà nạn nhân nói nạn nhân liên quan đến một vụ án, hoặc liên quan một vụ rửa tiền… Qua điện thoại, các đối tượng cho biết mình đang thụ lý điều tra vụ án có liên quan đến tài khoản của bị hại và yêu cầu bị hại hợp tác bằng cách nộp tiền vào tài khoản an toàn của bọn chúng để thẩm tra, xác minh. Nếu làm rõ vụ việc không có liên quan đến nạn nhân sẽ chuyển trả lại tiền. Do tâm lý lo sợ dính líu đến pháp luật nên nhiều người đã tin và chuyển tiền vào tài khoản của bọn xấu.

Ông H.V.C (xã Tiên Thủy - Châu Thành) là một trong số các nạn nhân bị lừa đảo với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Sáng 5-4-2017, ông C. nhận được điện thoại của một người tự xưng là cán bộ Công an TP. Hà Nội có tên là Hoàng Công Định, người này cho biết đang bắt giữ và điều tra một nhóm tội phạm sử dụng số CMND của ông để thực hiện hành vi phạm tội. Qua điện thoại, Định nói rằng biết số tiền ông C. đang gửi tại ngân hàng có liên quan đến vụ án đang điều tra và yêu cầu làm rõ nguồn gốc số tiền có trong tài khoản của ông C. Định đề nghị ông C. chuyển hết số tiền trong tài khoản của mình để giữ và điều tra; nếu không phát hiện vấn đề gì liên quan đến vụ án thì chuyển trả lại số tiền trên cho ông C. Vì muốn phối hợp điều tra với cơ quan Công an, ông C. đã chuyển số tiền trên 609 triệu đồng vào tài khoản số 020048497668 (do Hoàng Công Định đứng tên tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Hà Nội) trong buổi sáng hôm đó. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, một người đàn ông gọi đến số điện thoại của ông C. tự xưng mình là cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội. Người này nói rằng vừa nhận được hồ sơ từ công an chuyển qua và yêu cầu ông C. chuyển tiếp số tiền trong tài khoản của ông tại Ngân hàng Agribank qua số tài khoản 1508205236947 do Trần Thanh Tùng đứng tên (Ngân hàng Agribank Chi nhánh Tam Chính, Hà Nội) để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc; sau 48 giờ giải quyết xong hồ sơ, Viện Kiểm sát Hà Nội sẽ chuyển trả lại số tiền trên cho ông C. Tin lời người điện thoại cho mình, ông C. tiếp tục ra ngân hàng chuyển 1 tỷ đồng. Đến ngày 7-4-2017, không thấy thông tin chuyển trả tiền lại cho mình, ông C. gọi lại các số điện thoại đã gọi đến cho ông nhưng tất cả đều không liên lạc được.

Tương tự, ngày 19-4-2017, bọn lừa đảo đã yêu cầu ông Đ.V.T, ở thị trấn Bình Đại chuyển cho chúng số tiền 550 triệu đồng vào tài khoản số 100886705495 do Hàn Thị Ngọc đứng tên (Ngân hàng Công Thương, Phòng Giao dịch Kỳ Lừa Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn). Sau khi chuyển tiền, ông T. biết mình bị lừa đảo nên đến Công an huyện trình báo. Ngay khi tiếp nhận đơn của bị hại, Công an huyện đã yêu cầu Phòng Giao dịch Bình Đại của Ngân hàng Công Thương Chi nhánh Bến Tre tiến hành phong tỏa tài khoản của đối tượng nên bọn chúng chưa rút được tiền.

Nâng cao ý thức cảnh giác 

Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả loại tội phạm này, ngoài các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an, mọi công dân cần nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác: Đối với các giao dịch chuyển tiền, người dân nên kiểm tra kỹ và liên hệ với đối tác để xác minh thông tin; luôn có biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân, khi sử dụng các phần mềm có bản quyền hoặc mã nguồn mở miễn phí phải đặc biệt lưu ý đến nguồn gốc tải phần mềm; không được dễ dãi tiếp nhận và cài đặt những phần mềm không rõ nguồn gốc. Cần hết sức thận trọng khi điền tài khoản ngân hàng cũng như mật khẩu hoặc mật mã để ngăn chặn lộ lọt thông tin cá nhân tạo nên tổn thất về kinh tế; không nên đưa các thông tin cá nhân của thân nhân, bạn bè như họ tên, chức vụ, nghề nghiệp, đơn vị công tác… lên mạng xã hội. Những thông tin này có thể bị các phần tử xấu lợi dụng, nhiều đối tượng lừa đảo trên mạng đã ngụy trang thân phận thật từ những thông tin, hình ảnh bị lộ lọt ở đây; sử dụng các chương trình diệt phần mềm độc hại hoặc tường lửa cá nhân.

Đặc biệt cần lưu ý, các cơ quan công quyền như công an, viện kiểm sát, tòa án khi làm việc với tổ chức và công dân đều có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Việc tạm giữ tài sản của công dân cũng được thực hiện bằng văn bản; cơ quan công an không mở tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân để yêu cầu người dân chuyển tiền. Khi người dân gặp phải những dấu hiệu lừa đảo nêu trên cần thông báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

 

Bài, ảnh: Văn Thỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN