Cảnh giác kiểu giấu mặt, gom hàng thủy sản

14/10/2013 - 07:27
Cảnh giác các đối tượng nước ngoài trà trộn để thu gom thủy sản Bến Tre.

 

Theo lời của anh V.T (xã Thạnh Phong - Thạnh Phú), trên địa bàn xã gần đây xuất hiện tình trạng một số thương nhân người  nước ngoài tìm đến “ăn hàng” thủy sản,  nhưng họ không trực tiếp đứng ra mua bán mà giấu mặt. Và trên địa bàn, đã có không ít chủ ao bị lừa tiền trăm triệu…

 

 

Thu mua thủy sản qua “người đại diện”

Anh V.T là một chủ vựa thu mua tôm các loại, trong đó chủ yếu là tôm thẻ chân trắng của khu vực các xã biển Thạnh Phú. Qua tìm hiểu, anh được biết, những người này vào nước ta và tìm một người Việt Nam để đại diện đứng ra quan hệ giao thương mua bán với dân mình, họ lấy hàng và tự thanh toán tiền bạc với người đại diện. Anh V.T bộc bạch: Chủ yếu là tôi thu mua tôm để bán theo hợp đồng trước đây với các công ty trong khu vực, vì đây là cơ sở, mối mang để làm ăn lâu dài, hiệu quả. Còn với thương nhân Trung Quốc, ban đầu tôi cũng có bán tôm cho họ và mua bán trực tiếp với người đại diện là người Việt Nam. Sợ nếu bị giựt thì biết tìm ai đòi, bởi mua bán hoàn toàn bằng miệng nên tôi chỉ bán với số lượng ít và yêu cầu giao tiền liền.

Nhưng chưa hẳn giao - nhận tiền mặt theo kiểu “tiền trao cháo múc” là ổn. Người nuôi tôm ở các xã biển Bình Đại cũng đang xôn xao về vụ bán tôm thật nhưng thu tiền giả. Thông tin khá sốc vừa qua là một chủ ao tôm sau thu hoạch, đã đồng ý bán cho những thương lái nước ngoài với thỏa thuận là trả tiền mặt trực tiếp và trả liền tại ao thu hoạch. Tưởng sẽ “êm” với giá khá cao nhưng khi vỡ ra, trong tổng số tiền bán tôm sau thu hoạch là 320 triệu đồng thì chỉ có khoảng 20 triệu đồng là tiền thật, số còn lại là một mớ giấy tiền giả.

Ban đầu, để nông dân bán tôm, thương lái nước ngoài đã dùng thủ đoạn là nâng giá cao chênh lệch từ 20% đến 30% so với giá thị trường. Họ sẵn sàng thu mua tôm kém chất lượng, tôm có tạp chất… dẫu biết mua bán như vậy có quá nhiều rủi ro.

Theo một cán bộ xã Thạnh Phong, gần đây, địa bàn xã đã có mấy trường hợp chủ ao tôm được “người đại diện” đến hỏi mua trực tiếp tại ao và trong số họ đã có người trở thành nạn nhân của các vụ “quỵt” tiền.

Mua hàng dễ, không cần chất lượng, giá cao

Ông B.M.H - chủ một cơ sở chế biến cá khô tại xã Bình Thắng (Bình Đại) kể, mới đây, cơ sở của ông được một người lạ, độ khoảng ngoài 20 tuổi tìm đến đặt vấn đề cung ứng sản phẩm là các loại cá khô, mà nhất là khô mắt kiếng. Qua tiếp xúc, quan sát, hỏi kỹ và cuối cùng ông cũng biết được đây là người Trung Quốc, tìm đến đây để gom hàng. Yêu cầu về sản phẩm của họ khá đơn giản và quy trình khác hơn so với cách chế biến cá khô truyền thống. Đó là, không cần sạch sẽ và chất lượng, cá làm khô phải được ngâm qua một số loại thuốc do họ cung cấp và chỉ cần phơi nắng từ 6 đến 11 giờ. Trong khi, theo cách làm truyền thống của địa phương, cá khô không qua sử dụng loại thuốc nào hay chất tẩy trắng nào và thời gian phơi nắng là 1 ngày rưỡi. Nghe vậy, ông B.M.H rất lo lắng và đã nêu việc cảnh giác với nhiều hộ làm cá khô trong khu vực.

Tuy nhiên, cùng lúc này, trong khu vực có khoảng 2 hộ làm theo yêu cầu của bên mua hàng. Trong thời gian chờ thu gom sản phẩm, họ đã nằm vùng tại 2 cơ sở này để hướng dẫn cách làm và giám sát. Điều mà người dân bất ngờ nhất là trong các bữa cơm, những người này chỉ dùng những con cá khô của người dân tại đây đã chế biến chứ không dùng những con cá khô do họ hướng dẫn làm trước. Cảm thấy quá liều lĩnh và sợ ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm về sau, nên sau đợt giao hàng đầu tiên, 2 hộ này cũng đã dứt khoát từ chối “chế biến” và bán khô cho những thương lái này.

Thiết nghĩ, người dân địa phương cần cảnh giác cao với những người lạ mặt kiểu nêu trên.

 

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN